Nhìn lại những trận lụt kinh hoàng: Đừng "đổ oan" cho nhà kính

Anh Thơ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 21/09/2019 12:26 PM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Sơn (ảnh) - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đúng là việc phát triển nhà kính ở Lâm Đồng đang quá nóng và để lại một số hệ lụy nhưng nó cũng không đến mức phải mang tiếng là “tội đồ” vì để xảy ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở xứ sở mù sương.
Bình luận 0
img

Chỉ là một phần nguyên nhân

TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa trải qua một trận lũ lụt lịch sử, đã có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ lại có thể xảy ra lụt ở một địa phương như Đà Lạt là do tình trạng phát triển quá nóng của hệ thống nhà kính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, việc phát triển ồ ạt nhà kính khiến Đà Lạt phải hứng chịu một trận lũ lụt chưa từng có đến nay chỉ là một phần nguyên nhân mà còn có những tác động khác nữa.

Biến đổi khí hậu, diện tích rừng tự nhiên giảm, đô thị phát triển với hệ thống nhà cửa, đường sá mọc lên nhiều trong khi khả năng tiêu thoát nước chưa tính đến là những nguyên nhân đẩy Đà Lạt vào tình trạng lũ lụt như thời gian vừa qua.

img

Anh Tân tự tay tháo bỏ nhà kính để trồng rau theo hướng hữu cơ. Ảnh: A.T

Còn nếu nói nhà kính là thủ phạm gây lũ lụt thì tại sao ở Phú Quốc (Kiên Giang), ở nhiều tỉnh miền Trung không có cái nhà kính nào mà vẫn lũ lụt triền miên.

Phải khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có phát triển nhà kính cùng nhiều ứng dụng sản xuất vô cùng hiện đại đã tạo nên diện mạo ngành nông nghiệp của Lâm Đồng hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, thúc đẩy địa phương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và chất lượng.

Lâm Đồng đã và đang trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước với giá trị từ sản xuất nông nghiệp cao hơn nhiều so với phương thức canh tác thông thường. Có phải hệ thống nhà kính cùng công nghệ đi kèm trong sản xuất đã tạo nên điều này không, thưa ông?

- Cho đến thời điểm này, hệ thống nhà kính của Lâm Đồng lên đến hàng nghìn ha. Định hướng của tỉnh đến năm 2020, diện tích canh tác rau của tỉnh đạt khoảng 20.000ha, trong đó có khoảng 75% diện tích ứng dụng công nghệ cao; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800ha, trong đó 90% ứng dụng công nghệ cao.

Việc phát triển nhà kính, nhà màng cùng những công nghệ kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho nông dân Lâm Đồng trong sản xuất nông nghiệp.

Nếu như nông dân ở những vùng khác thu nhập bình quân chỉ đạt 60 triệu đồng/ha/năm thì ở Đà Lạt, con số này là 320 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 40% doanh thu. Ở Lâm Đồng, tìm những hộ nông dân có thu nhập từ 1 đến vài tỷ đồng/ha không phải hiếm.

Nhờ kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, việc sử dụng nhà kính, nhà màng đã giúp nông dân mở rộng mùa vụ trồng trọt, có thể trồng sớm và thu hoạch trễ; có thể trồng được những loại cây không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Đấy là lý do giúp các nông sản của Lâm Đồng vô cùng phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng.

Hiện, ở Lâm Đồng hệ thống nhà kính phát triển rất đa dạng về chủng loại, có những loại của những doanh nghiệp lớn, kinh phí đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng/ha, công nghệ nhập khẩu của nước ngoài; còn đa phần nông dân sử dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, cải tiến công nghệ để giảm chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Nhà kính đang phát triển quá “nóng”

 Nhưng cũng có ý kiến, nhà kính đang bị lạm dụng đến mức mất kiểm soát ở Lâm Đồng?

"Xin nhắc lại một lần nữa, nhà kính không phải là thủ phạm chính gây là hiện tượng thời tiết cực đoan như trong thời gian qua. Những đóng góp của ngành công nghiệp nhà kính cho ngành nông nghiệp là không nhỏ, tuy nhiên, cần hạn chế sự phát triển quá nóng và chỉ nên xây dựng nhà kính đối với những cây trồng thực sự cần thiết”.

Ông Nguyễn Văn Sơn

- Đúng là có tình trạng hệ thống nhà kính đang phát triển quá “nóng”, cũng một phần do hiệu quả canh tác mà nó mang lại. Thực tế, đối với vùng tiểu khí hậu ôn hòa, mát mẻ như Lâm Đồng, có những loại cây không nhất thiết phải trồng trong nhà kính mà vẫn đạt được năng suất, chất lượng cao; người dân đầu tư phát triển nhà kính ở những nơi không phù hợp như nơi có độ dốc lớn, gần khe suối, dòng chảy…

Chủ trương của tỉnh Lâm Đồng là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo thu nhập ổn định cho người dân nhưng không có nghĩa là đánh đồng nhà kính với công nghệ cao và bất chấp những tác động đến môi trường và hệ sinh thái.

Cũng phải nói thêm rằng, như nhiều ngành khác, ngành công nghiệp nhà kính chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến môi trường.

Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về “vành khăn trắng” đang bao vây Đà Lạt, về lâu dài có thể phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái. Vậy, theo ông, để phát triển hệ thống nhà kính phục vụ hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao hài hòa với yếu tố môi trường sinh thái cần những giải pháp gì?

- Sau khi có những đánh giá tác động của hệ thống nhà kính lên môi trường, cảnh quan TP.Đà Lạt, chúng tôi đang quy hoạch lại vùng phát triển nhà kính. Theo đó, những cây trồng không cần thiết phải canh tác trong nhà kính thì không nên mở rộng diện tích nhà kính một cách ồ ạt. Ở những vùng gần khe suối, có độ dốc lớn, gần dòng chảy cũng không nên phát triển nhà kính.

Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường khuyến khích người dân, các doanh nghiệp xây dựng các nhà kính hiện đại, ứng dụng công nghệ thông mình, hạn chế phát triển các nhà kính kiểu tạm bợ ở những vùng không phù hợp.

Ngoài ra, mạng lưới tiêu thủy cũng sẽ được cải thiện, đồng thời chúng tôi khuyến khích nhân dân trồng thêm cây phân tán, trồng rừng để đa dạng hóa môi trường sinh thái.

Xin nhắc lại một lần nữa, nhà kính không phải là thủ phạm chính gây là hiện tượng thời tiết cực đoan như trong thời gian qua. Những đóng góp của ngành công nghiệp nhà kính cho ngành nông nghiệp là không nhỏ, tuy nhiên, cần hạn chế sự phát triển quá nóng và chỉ xây dựng nhà kính đối với những cây trồng cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Ông Vũ Văn Vương - Phó Giám đốc Công ty Công nghệ cao VINASEED:
Cần làm tốt công tác quy hoạch

Việc phát triển nhà kính trong sản xuất nông nghiệp góp phần mang lại giá trị kinh tế cao nhưng nếu phát triển quá ồ ạt, diện tích nhà kính tăng quá nhanh sẽ có thể làm gia tăng nhiệt độ của tiểu vùng khí hậu ở nơi đó, lưu thông không khí bị ảnh hưởng nên có thể nhiệt độ sẽ cao hơn.
Nhà kính nhiều cũng khiến việc chảy tràn của nước mưa nhanh hơn do không còn độ thấm hút; diện tích nhà kính tăng có thể xâm lấn rừng và các cây trồng tự nhiên khác, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.

Theo tôi, để việc phát triển nhà kính vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế cho nông dân vừa không theo hiệu ứng đám đông, chính quyền, ngành chức năng cần làm tốt công tác quy hoạch vùng phát triển nhà kính cho phù hợp với môi trường sinh thái. Nhà kính chỉ là một phần của nông nghiệp công nghệ cao, có khi không cần nhà kính người ta vẫn có thể ứng dụng những công nghệ hiện đại khác trong sản xuất nông nghiệp như tưới nhỏ giọt, điều kiện tự động hóa, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo. Điều quan trọng là công nghệ phải hài hòa với môi trường.

Ông Lại Thế Hưng - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và
Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT) tỉnh Lâm Đồng:
Xây dựng phương án phù hợp 

Ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn về nhà kính, nhà lưới trong đó có quy định về thiết kế và mật độ xây dựng nhà kính tối đa là 80%. Phần còn lại là diện tích cây xanh, đường nội đồng. Vì vậy, cần đánh giá lại phát triển từng nhóm rau, hoa theo nhu cầu của thị trường. Những loại cây trồng đó cần thiết phải xây dựng nhà kính hay không. Từ đó định hướng được địa phương cần phát triển diện tích nhà kính như thế nào để xây dựng phương án phù hợp.

Khánh Nguyên - Phong Lâm (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem