Nhà máy bị “tuýt còi” vì ô nhiễm
Câu chuyện ô nhiễm tại nhà máy của Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) kéo dài dai dẳng, khiến dư luận bức xúc. Trong khi chính quyền liên tục yêu cầu khắc phục thì doanh nghiệp lại phớt lờ, nhùng nhằng xử lý.
Đầu tháng 5.2017, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Bisuco, ngay sau khi nhận phản ánh của người dân.
Sau khi kiểm tra thực tế, Sở TNMT Bình Định yêu cầu Bisuco khắc phục hàng loạt vấn đề như: Khẩn trương hoàn thiện và đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu ra, bố trí khu vực lưu chứa chất thải nguy hại trên nền cao đảm bảo không để nước xâm nhập vào khu vực lưu chứa, phân loại rõ từng loại chất thải và lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định, chuyển giao chất thải cho đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại... Tuy nhiên, Bisuco không thực hiện rốt ráo các yêu cầu của ngành chức năng.
Công ty CP Đường Bình Định nhiều lần bị tạm dừng hoạt động để khắc phục sự cố môi trường. ảnh: Dũ Tuấn
Ngày 25.10, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản yêu cầu Bisuco không được sản xuất niên vụ ép mía 2017-2018 cho tới khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại và giao cho UBND huyện Tây Sơn giám sát, kiểm tra việc chấp hành của Bisuco.
Đầu năm 2018, tỉnh Bình Định đã cho phép Bisuco hoạt động thử nghiệm để khắc phục những tồn tại về môi trường nói trên.
Đến ngày 5.2, Sở TNMT Bình Định tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải của nhà máy sản xuất của Bisuco theo 2 cửa xả ra sông Kôn. Kết quả cho thấy, hệ thống xử lý nước thải của Bisuco chưa hoạt động ổn định, nước thải theo 2 cửa xả ra sông không đạt quy chuẩn cho phép.
Vì vậy, Sở TNMT Bình Định yêu cầu Bisuco khắc phục các tồn tại về môi trường trước ngày 28.2.2018. Tuy nhiên, Bisuco vẫn chưa khắc phục hoàn toàn những tồn tại, hạn chế này.
Ngày 12.3, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Bisuco tạm dừng hoạt động sản xuất vụ ép mới niên vụ 2017 - 2018 kể từ ngày 23.3 cho đến khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại.
Ông Huỳnh Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TNMT Bình Định cho biết: “Công ty chưa đảm bảo quy chuẩn khi xả thải ra môi trường nên chúng tôi đã yêu cầu dừng sản xuất. Thời gian qua, phía doanh nghiệp cũng có động thái hợp tác để khắc phục tình trạng trên nhưng do đang gặp khó khăn nội bộ nên họ đầu tư còn nhỏ giọt, khả năng khắc phục rất thấp”.
Điều đáng nói, người dân tiếp tục phàn nàn ngày 23.3, nhà máy sản xuất đường của Bisuco vẫn hoạt động bình thường, 2 ống khói nhà máy vẫn phun khói ngùn ngụt, bất chấp yêu cầu tạm dừng hoạt động của UBND tỉnh Bình Định.
Ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn xác nhận, sau khi nhận được thông tin Bisuco vẫn tiếp tục sản xuất sau chỉ đạo tạm dừng hoạt động. Chiều 23.3, UBND huyện Tây Sơn đã lập đoàn công tác, khẩn cấp tiến hành kiểm tra hoạt động của nhà máy này.
“Thời điểm đoàn công tác kiểm tra, trong khu sản xuất của công ty, mía còn chất thành đống ở nhiều vị trí, nhà máy vẫn đang hoạt động. Lãnh đạo nhà máy trình bày rằng đã làm đơn khẩn cấp xin UBND tỉnh Bình Định cho họ sản xuất hết số mía đã thu mua. Tuy nhiên, do UBND tỉnh cũng chưa có ý kiến gì về đơn xin được tiếp tục hoạt động của họ mà nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất. Vì vậy, đoàn công tác đã lập biên bản, sau đó làm báo cáo trình UBND tỉnh giải quyết” - ông Sỹ cho hay.
Kêu gọi “giải cứu” mía cho nông dân
Nhà máy Bisuco bất ngờ tạm đóng cửa khiến nông dân vùng mía ở huyện Tây Sơn (Bình Định) lâm cảnh lo âu vì mía đang đến độ thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra.
Ông Võ Khương (trú thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang) lo lắng: “Thời điểm này năm ngoái, Công ty đã thu mua được hơn nửa diện tích. Nhưng năm nay, trên 1,5ha mía của gia đình tôi vẫn đứng trơ ngoài ruộng. Mấy năm trước, Bisuco còn có chính sách hỗ trợ đầu tư, thu mua mía nhưng giờ hầu như chúng tôi tự bơi. Nhà nông một năm có 1 vụ mía, đến giờ công ty không phát phiếu mua, để mía chết khô dần ngoài ruộng, nông dân điêu đứng”.
Cánh đồng mía của nông dân huyện Tây Sơn đang chờ được giải cứu. ảnh: Dũ Tuấn
Theo Nhà máy Đường An Khê, hiện nhà máy đang mua và hỗ trợ tiền vận chuyển 200.000 đồng/tấn với giá 800.000 đồng/tấn (10 chữ đường), 720.000 đồng/tấn (9 chữ đường) và 640.000 đồng/tấn (8 chữ đường). Đến nay, nhà máy đã thu mua 6.000 tấn mía của nông dân và trả tiền ngay trên ruộng. |
Trước bối cảnh nhà máy sản xuất của Bisuco bị UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tạm đóng cửa “để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Đỗ Văn Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) đã ký văn bản gửi Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), kêu gọi doanh nghiệp này thu mua 28.000 tấn mía còn mắc kẹt trên đồng của nông dân.
Ông Sỹ còn cẩn thận lưu ý, thời gian thu hoạch từ ngày 4 - 30.4, mới mong giúp nông dân thu hoạch kịp thời, đạt năng suất và triển khai vụ tiếp theo.
Đáp lại lời kêu gọi từ chính quyền huyện Tây Sơn, ông Nguyễn Văn Hòe - Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cam kết nhà máy sẽ mua hết sản lượng mía vụ ép 2017-2018, đảm bảo tái sinh gốc kịp thời vụ.
Tùy thuộc vào tình hình nhân công thu hoạch, chất lượng mía nguyên liệu theo quy chuẩn, nhà máy dự kiến thu mua từ 500 tấn/ngày trở lên tại vùng nguyên liệu tỉnh Bình Định và đến ngày 20.5 sẽ thu mua hết mía trên đồng.
“Để giảm thiểu tổn thất sau khi thu hoạch, nhà máy mong muốn tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương vùng mía tuyên truyền đến người trồng mía phối hợp với nhà máy để biết chính sách đầu tư, mua mía. Đảm bảo mía thu về nhà máy đạt chất lượng chín, tươi, sạch” -ông Hòe đề nghị.
Tỉnh Bình Định kiên quyết tạm đình chỉ nhà máy
Ngày 11.4, trao đổi với NTNN, ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho hay: “Trước việc nhà máy Bisuco tạm dừng hoạt động, chúng tôi đã có văn bản kêu gọi thu mua mía cho nông dân Bình Định, gửi đến Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) và nhà máy này đã cam kết thu mua hết số lượng mía cho người dân. Vì vậy, 28.000 tấn mía ứ đọng của nông dân Tây Sơn vẫn đang được nhà máy thu mua, sẽ giải quyết được thôi chứ tình hình chưa căng thẳng lắm”.
Theo ông Hùng, UBND tỉnh Bình Định kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động nhà máy sản xuất của Bisuco để khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Sau khi công ty này đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, không ảnh hưởng đến người dân thì mới được phép hoạt động trở lại. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.