Nhà máy xử lý rác thải rắn gần 11 tỉ đồng xây xong bỏ không ở Ninh Bình
Ninh Bình: Nhà máy xử lý rác gần 11 tỉ đồng xây xong bỏ không ở xã Hồi Ninh
Vũ Thượng
Thứ sáu, ngày 15/07/2022 19:03 PM (GMT+7)
Năm 2014, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu và bàn giao công trình Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh. Tuy nhiên, nhiều năm nay công trình này không hoạt động khiến một số hạng mục, trang thiết bị máy móc…có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phí.
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh thuộc Dự án "Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ-sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí" tại xóm 10 xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Clip: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh đầu tư gần 11 tỉ đồng không hoạt động.
Công trình được triển khai từ năm 2012-2014, công suất 4 tấn/ngày do Tổng cục Môi trường chủ trì, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thực hiện với tổng kinh phí: 10.862.000.000 đồng.
Mục tiêu xây dựng mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương pháp ủ khô kị khí sản xuất mùn hữu cơ, áp dụng thí điểm cho cụm dân cư thuộc lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy.
Dự án đi vào hoạt động góp phần giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt tại các lưu vực sông, các thị trấn, thị tứ và các vùng nông thôn…
Với mô hình công nghệ này, lượng rác chôn lấp chỉ khoảng ~15% (còn có thể giảm xuống thấp hơn). Ngoài ra, còn giảm nguy cơ phát sinh các loại ô nhiễm thứ cấp khác so với việc đốt rác tùy tiện, chôn lấp không hợp vệ sinh, hay thói quen vứt rác xuống sông, kênh, mương.
Chi phí đầu tư khoảng 1.625.000.000 đồng/tấn/ngày. Hệ thống thiết bị công nghệ không phức tạp, dễ vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế...phù hợp với trình độ công nhân.
Đặc biệt, công trình không phát sinh nước rỉ rác, không mất thêm kinh phí xử lý nước rỉ rác… Do đó, dự án hoàn toàn có khả năng nhân rộng trên địa bàn cả nước.
Năm 2015, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã bàn giao công trình cho UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Hồi Ninh chịu trách nhiệm quản lý vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả.
Nhà máy xây đã xong rồi bỏ không
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh đã không hoạt động từ năm 2018, hiện tại chỉ là nơi tập kết rác thải trên địa bàn xã Hồi Ninh để trung chuyển lên thành phố Tam điệp xử lý.
Quan sát tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhiều hạng mục công trình, máy móc vật tư công nghệ…đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quang Đại-Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Ninh cho biết: "Năm 2019, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh được bàn giao về cho UBND xã Hồi Ninh quản lý".
"Nhiều năm nay, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh không hoạt động bởi cử tri ý kiến nên dừng hoạt động, giờ chỉ để tập kết rác và chuyển đi thành phố Tam Điệp cách khoảng 40 km để xử lý", ông Trần Quang Đại nói thêm.
Được biết, để có kinh phí hoạt động thu gom rác thải xã Hồi Ninh thu mỗi khẩu 6.500 đồng/tháng. Đồng thời, cứ thứ 3 và thứ 6 hàng tuần rác thải trên địa bàn xã Hội Ninh được thu gom và chuyển ra Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh tập kết.
Đến thứ 2 hàng tuần vận chuyển đi thành phố Tam Điệp xử lý, bình quân 1 tháng, lượng rác xã Hồi Ninh thu gom khoảng 15 tấn rác, trong đó có 3 người chuyên thu gom rác thải ở các xóm.
Như vậy, việc đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) gần 11 tỉ đồng không hoạt động thời gian dài đang khiến các thiết bị, máy móc luôn bị oxy hóa, rỉ sét rất nhanh, thường xuyên hư hỏng…
Giờ người dân xã Hồi Ninh phải đóng góp một khoản tiền mỗi năm để vận chuyển rác đi nơi khác xử lý liệu rằng có hợp lý?!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.