Trinh Nguyễn (tên đầy đủ là Nguyễn Diệu Trinh) hiện theo dõi các diễn biến của hai nền kinh tế Philippines và Việt Nam. Năm 2011. Cô được tạp chí uy tín trong lĩnh vực tài chính Asia Money, thành viên của Tập đoàn Euro Money, vinh danh là nhà nghiên cứu kinh tế số 1 VN.
Nhà nghiên cứu kinh tế Việt kiều Trinh Nguyễn.
Mỗi con số là một câu chuyện
Trong hội nghị thường niên do HSBC Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại VN tổ chức mới đây, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Trinh Nguyễn được cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tán thưởng không ngớt. Thực ra, Trinh Nguyễn vốn đã được đánh giá cao thông qua báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô hằng tháng Vietnam at a glance, nội dung đề cập đến các diễn biến quan trọng nhất của nền kinh tế VN trong tháng, để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường VN hiểu tình hình một cách thấu đáo nhất.
Dáng người nhỏ nhắn, hòa đồng và hiểu biết rộng. Trinh Nguyễn có nét gì đấy hao hao chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Cô cho biết mình luôn giữ liên lạc với các nhà nghiên cứu kinh tế trong nước, một phần để nắm bắt được thông tin, phần khác biết được những cái nhìn khác nhau từ họ. Bởi thế, các báo cáo kinh tế độc lập do Trinh Nguyễn chủ trì, trong đó tiêu biểu là Vietnam at a glance, luôn thực hiện dựa trên tiêu chí "xây dựng".
Đó là vấn đề nêu ra có được giải quyết hay không và sẽ được giải quyết như thế nào. Vì thế, báo cáo đã nhận những phản ứng tích cực từ các nhà kinh doanh. Theo HSBC,Vietnam at a glance thường nằm trong nhóm báo cáo có lượt truy cập tìm đọc nhiều nhất trong website công bố các báo cáo của những nền kinh tế mà bộ phận nghiên cứu triển khai. Trinh Nguyễn nhận định, quy mô nền kinh tế nước ta tương đối nhỏ, thị trường trái phiếu, chứng khoán không lớn; nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư với VN là rất lớn. "Bên ngoài quan tâm thông tin về VN bởi họ tin vào nền tảng phát triển của kinh tế VN", Trinh Nguyễn khẳng định.
Vietnam at a glance do một nhóm chuyên gia của HSBC thực hiện, nhưng ý tưởng là của chính Trinh Nguyễn. Giải thích lý do vì sao xuất hiện ý tưởng này, Trinh Nguyễn cho biết, VN có nhiều thông số nhưng các thông số này thường không được công bố một cách định kỳ và thống nhất giữa một số cơ quan. Trong khi đó, thông số lại phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế đang diễn tiến như thế nào. Doanh nghiệp nước ngoài luôn quan tâm đến thông số để có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh hoặc đầu tư của mình vào thị trường nào đấy hợp lý nhất.
Báo cáo của Trinh Nguyễn tập hợp các số liệu từ đầu tháng đến cuối tháng và công bố định kỳ vào ngày 1 hàng tháng, bất kể là thứ bảy hay chủ nhật. Trong báo cáo, mỗi con số là một câu chuyện kể.
"Doanh nghiệp nước ngoài hiểu VN hơn qua các câu chuyện kể bằng con số đó", Trinh Nguyễn nói thêm.
Thích nghi tốt với thay đổi
Trước khi hợp tác với HSBC Hong Kong, Trinh Nguyễn làm việc ở Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington D.C, trong vai trò của nhà nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Câu "tuổi trẻ, tài cao" thật thích hợp với Trinh Nguyễn, hơn thế nữa, nếu biết rằng xuất phát của chị không giống như những người khác. Qua Mỹ lúc 10 tuổi, rồi liên tục thay đổi chỗ ở cùng gia đình, nhưng chị vẫn lấy bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế và kinh tế quốc tế của trường đại học danh giá Johns Hopkins.
Nói về sự thay đổi công việc của mình từ WB qua HSBC, Trinh Nguyễn cho hay, chị muốn làm nghiên cứu về các nền kinh tếở châu Á, trong đó có VN, hơn là Mỹ hay châu Âu. Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ từ phương Tây qua phương Đông về nhiều mặt, cả trong thời gian tới, chính là mấu chốt thúc giục chị đến với HSBC Hong Kong. Kinh tế châu Âu đang suy thoái và dự báo sẽ tiếp tục phát triển trì trệ trong những năm tiếp theo. Trong khi châu Á lại bùng nổ về kinh tế và dân số. Lực lượng lao động chính của thế giới cũng ở khu vực này. VN lại đang nằm trong tâm điểm của sự chuyển đổi đó.
Trinh Nguyễn thừa nhận, do đứng ở bên ngoài VN, nên cái nhìn của chị về nền kinh tế đất nước vẫn còn ít nhiều hạn chế, nhưng khách quan và không bị ràng buộc bởi bất cứ một tác động nào. Tuy nhiên, chị chưa có ý định ngồi ngay trong thị trường VN để nghiên cứu về nó.
"Dĩ nhiên, ngồi bên trong hay ở ngoài cũng có thuận lợi và bất lợi. Không ngồi ở VN tôi bị hạn chế một số góc nhìn, nhưng làm việc ở Hồng Kông lại cho tôi cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thông tin thế giới. Đó là chưa kể, tôi nghiên cứu cả thị trường Philippines, một nền kinh tế có nhiều nét tương đồng với VN. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, mình đang vẽ một bức tranh rõ ràng hơn về VN và không quá bi quan", Trinh Nguyễn phát biểu.
Trở lại với giải thưởng Nhà nghiên cứu kinh tếsố 1 VN năm 2011 do Asia Money trao cho Trinh Nguyễn, được biết tạp chí này tổ chức bình chọn để độc giả và khách hàng (cá nhân, định chế tài chính…) bầu chọn. Mặc dù không biết rõ lắm vì sao mình nhận được giải thưởng, nhưng Trinh Nguyễn cho rằng, có thể nhờ tính trung thực của báo cáo Vietnam at a glance.
"Có một điều chắc chắn, báo cáo của tôi khác những báo cáo khác. Tôi luôn nghĩ làm báo cáo một cách tốt nhất và đem lại thông tin cho nhà đầu tư đầy đủ nhất, đúng thời điểm nhất mà thôi", chị nói.
Trinh Nguyễn vẫn giữ nhịp đi lại giữa VN và Hong Kong thường xuyên, hầu hết là vì công việc. Nhưng chị vẫn dành chút ít thời gian tán gẫu và ăn uống cùng với đồng nghiệp người Việt ở HSBC VN. Chị cho rằng, giữa họ và các cộng sự nước ngoài không có gì khác biệt. Các điểm chung tương đồng, đều rất năng động và chuyên nghiệp; cầu tiến trong công việc. Còn điểm khác chủ yếu xuất phát từ văn hóa. Như các nhân sự người Việt mà chị biết thường rủ rê đi ăn trưa cùng nhau. Có vẻ họ thích chia sẻ cuộc sống và công việc nhiều hơn người nước ngoài.
"Sáng tạo là rất cần thiết, bất kể trong lĩnh vực nào. Tôi quan sát và nhận thấy rằng, các nhân sự người Việt rất linh hoạt trong công việc và thích nghi tốt với những thay đổi đến chóng mặt của nền kinh tế thế giới. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đó chính là sáng tạo", Trinh Nguyễn khẳng định.
Theo Thanh Niên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.