Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến: Đã đến lúc đại tu cầu Long Biên để bảo tồn di sản

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến Thứ năm, ngày 02/06/2022 19:23 PM (GMT+7)
Hơn 120 năm tồn tại, trải qua 20 sửa chữa lớn, cầu Long Biên đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đã đến lúc chúng ta phải tính đến việc đại tu, công nhận cây cầu biểu tượng của thủ đô là di sản.
Bình luận 0

LTS: Mới đây, mặt cầu Long Biên bị thủng khiến nhiều người lo ngại về mức độ xuống cấp của cây cầu, cùng vấn đề trùng tu, bảo tồn.

Với mong muốn cung cấp thêm thông tin, góc nhìn về những lần trùng tu cầu Long Biên, Báo điện tử Dân Việt xin giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến là một trong những người viết nhiều nhất về Hà Nội. Ông có nhiều tác phẩm, khảo cứu về lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

14 lần trúng bom, 14 lần sửa chữa trong kháng chiến chống Mỹ

Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu gây chiến miền Bắc bằng không quân. Các mục tiêu của máy bay Mỹ là đơn vị bộ đội, đường sắt, cầu, cống…Long Biên là cây cầu huyết mạch đã trở thành mục tiêu trọng điểm vì hàng ngày vũ khí, hàng hóa từ cảng Hải Phòng, ga Lạng Sơn về Hà Nội bắt buộc phải qua cầu này.

"Đã đến lúc đại tu cầu Long Biên để bảo tồn di sản" - Ảnh 1.

Hình ảnh cầu Long Biên thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Để bảo vệ cầu, quân đội đã bố trí các đơn vị pháo phòng không, thả bóng thám không vào ban đêm, các trận địa tên lửa xung quanh khu vực. Ở nhịp giữa cầu còn có đơn vị súng 12ly7 của tự vệ để bắn máy bay khi chúng bổ nhào đánh bom. 

Dù hệ thống phòng không dày đặc song từ năm 1965-1972 cầu Long Biên 14 lần bị trúng bom và tên lửa. Lần đầu tiên cầu bị trúng bom khiến mấy nhịp bị hỏng nặng, tầu hỏa và ô tô khong thể đi được là đợt đánh phá đầu tháng 8/1967. 

Ngay sau khi cầu Long Biên bị hỏng, ngành giao thông đã làm cầu phao ở phía Nam cho xe cộ và người qua lại. Trận bom trưa ngày 14/12/1967 đã làm sập các nhịp 15, 16, 17, hỏng 2 trụ, giao thông bị tê liệt. Trận bom ngày 1/4/1968 làm gẫy trụ và sập nhịp. Nhưng nặng nhất là trận bom ngày 10/9/1972 làm gẫy 3 nhịp, hỏng 4 trụ và hư hại 1.500 mét cầu. 

Để mạch máu giao thông luôn thông suốt, đảm bảo cho chiến đấu và sản xuất, cầu Long Biên được khắc phục ngay lập tức. Tuy nhiên việc sửa chữa trong điều kiện hàng ngày máy bay Mỹ hàng ngày vẫn đánh phá vì thế thường phải làm vào ban đêm. Lực lượng tham gia sửa chữa được huy động từ nhiều đơn vị, các xí nghiệp cầu, công nhân Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm và cả quân đội. 

"Đã đến lúc đại tu cầu Long Biên để bảo tồn di sản" - Ảnh 2.

Cầu Long Biên bị Mỹ thả bom năm 1965. Ảnh tư liệu.

Bộ đội công binh phải lặn xuống sông rà phá bom chưa nổ, công nhân phải cắt bỏ những nhịp cầu sập hay nghiêng sau đó mới thay nhịp mới. Phải đóng cọc gia cố các trụ "bị thương" hay làm thêm các trụ đỡ mới trong điều kiện thiếu thiết bị máy móc chuyên dụng. Có lúc đang thi công thì còi báo động, lập tức phải tắt đèn trên công trường, công nhân chỉ có cách tản ra nấp dưới chân cầu, tính mạng treo trên sợi tóc. Không có sắt thép cùng thông số kỹ thuật nên phải sử dụng thép đa năng do Liên Xô viện trợ. 

Đợt sửa chữa sau trận bom ngày 10/9/1972 kéo dài hơn 4 tháng, làm 3 ca liên tục, làm cả ngày tết nên cầu mới thông vào ngày 3 tết năm 1973.

Ngoài sửa chữa do bom đạn, cầu Long Biên phải sửa chữa vì lũ lụt. Trận lũ lịch sử ngày 22/8/1971 làm nước sông Hồng mấp mé đê khiến cầu bị ngập. Nước chảy xiết, cây cối trên rừng trôi theo dòng nước dồn lại ở khung cầu tạo ra tình thế vô cùng nguy hiểm, cầu có thể bị cuốn phăng. Để giữ cầu, ngành đường sắt đã huy động một đầu máy hơi nước chở theo nhiều toa chất đầy đá hộc chạy ra giữa cầu và đỗ ở đó. Do nhà nước cho phá đê nên nước đã rút và may mắn cầu đã an toàn. Tuy nhiên sau trận lũ đó cầu được tu sửa lớn.

Những lần sửa chữa lớn đầu thế kỷ 21

Sau chiến tranh số lượng xe cộ, lượt tầu hỏa qua lại cầu hàng ngày rất lớn đã làm cây cầu vốn đã yếu lại càng yếu thêm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc sửa chữa chỉ là nhỏ lẻ. Một đội công nhân hàng ngày treo mình trên dây lơ lửng trên không cạo gỉ rồi sơn. Khi sang đến bên Gia Lâm thì sắt thép bên phía ga Long Biên đã có chấm gỉ và họ lại quay lại. Công việc cứ thế, từ năm này sang năm khác.


Khi cầu Thăng Long đưa vào sử dụng cũng gánh bớt lượng phương tiện qua lại cho Long Biên. Và cầu Chương Dương hoàn thành, ngành giao thông chỉ cho phép phương tiện xe máy, xe đạp, tầu hỏa qua lại cầu Long Biên. Biện pháp này chỉ giúp giảm trọng tải cho cầu nhưng không ngăn được việc xuống cấp vì sắt thép ở những bộ phận không chịu lực đã han gỉ, xộc xệch.

Từ năm 1995-2010 cầu Long Biên chỉ được sửa chữa lớn 2 lần với số tiền 114 tỷ nhưng cả 2 lần sửa chữa này cũng chỉ sửa tình thế những chỗ gây nguy cơ mất an toàn. Năm 2002, 2 công ty của Pháp đã thực hiện dự án khảo sát và đánh giá lại cầu Long Biên, dự án hoàn thành năm 2005. Kết quả là trong 2.578 dàn cấu kiện bằng thép sử dụng từ ngày đầu xây dựng có 732 bị hư hỏng cần phải thay thế. Kết quả đó cho thấy cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Năm 2012, Bộ GTVT đã lập dự án khôi phục cầu Long Biên, dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2015 với số tiền gần 300 tỷ đồng bao gồm sửa chữa lại một số trụ cầu, gia cố dầm có nguy cơ mất an toàn, sửa chữa lại đường sắt…Giai đoạn 2 dự án được thực hiện trong những năm tiếp theo. Tuy kinh phí sửa chữa khá lớn nhưng thực chất chỉ đảm bảo cho giao thông an toàn hơn.

"Đã đến lúc đại tu cầu Long Biên để bảo tồn di sản" - Ảnh 3.

Các đơn vị sửa chữa khắc phục sự cố trên cầu Long Biên. Ảnh: Viết Niệm

Chưa cần cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng an toàn, bằng mắt thường chúng ta cũng có thể nhìn thấy cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng như thế nào. Trong tương lai gần, Hà Nội sẽ có thêm nhiều cây cầu đường bộ bắc qua sông Hồng và xa hơn đường sắt sẽ tách ra khỏi cầu Long Biên nên vai trò giao thông của cây cầu này sẽ không còn đáng kể.

Trong tâm thức của người dân, cầu Long Biên là cây cầu lịch sử, biểu tượng, chứng kiến bao thăng trầm của thủ đô. Đến nay, cây cầu đã hơn 120 tuổi nhưng vẫn chưa được công nhận là di sản dù theo Luật di sản, nó hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí.  Việc chưa được công nhận di sản có thể không an toàn cho sự tồn tại của nó. 

Những năm qua, nhiều đề xuất, dự kiến trùng tu đã được đưa ra, thậm chí còn có ý kiến phá dỡ xây cầu mới. Nhưng tất cả vẫn giậm chân tại chỗ, lý do chủ yếu vì thiếu kinh phí. Những lần sửa chữa lớn nhỏ đều chỉ là chắp vá trong khi cây cầu ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đã đến lúc chúng ta phải tính đến việc đại tu, công nhận cây cầu biểu tượng của thủ đô là di sản, bảo tồn nó đúng như một di sản. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem