Số liệu thống kê của Phòng Hành chính - Tổng hợp, Bệnh viện E, chỉ trong tháng 5, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân, trong đó có 40% bệnh nhân cao tuổi, bị các bệnh do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tuyến - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: "Các biểu hiện của say nắng, say nóng ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong".
Các bệnh say nắng, say nóng thường xảy ra đối với nhóm lao động tay chân hoặc nông dân vì họ là những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Do vậy, ông Tuyến khuyến cáo: Nếu phải ra đồng vào những ngày nắng nóng, bà con nông dân nên làm từ sáng sớm, không nên làm việc quá sức đến tận trưa sẽ bị ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ. Nếu làm đồng xa, khi bị say nắng, say nóng, bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời rất có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuyến, bệnh say nắng, say nóng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách dùng đồ bảo hộ (mũ, nón, kính...) che chắn khi đi ra ngoài trời nắng. Bà con không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Bà con cần uống đầy đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng...
Trong trường hợp đã bị say nắng, say nóng thì bệnh nhân cần được sơ cứu ngay lập tức như: Cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá. Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt kèm các triệu chứng đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân...
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.