Nhà nông, DN "chóng mặt" vì nhiều đơn hàng xuất nông sản dịp tết

Thuận Hải Thứ tư, ngày 07/02/2018 18:45 PM (GMT+7)
Những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhà nông, doanh nghiệp tất bật với những đơn hàng xuất khẩu, thu về ngoại tệ cho quê nhà. Chỉ trong tháng 1.2018, nhiều loại nông sản chính đã có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng lớn, như gạo, trái cây, thủy sản…
Bình luận 0

Nhộn nhịp như chợ tết

Cận tết cũng là lúc một số nơi tại ĐBSCL bắt đầu cho thu hoạch lúa đông xuân sớm. Cùng lúc Việt Nam vừa ký hợp đồng xuất khẩu 141.000 tấn gạo sang Indonesia, giá lúa gạo được dịp nhích giá. Nhiều thương lái cũng rảo khắp đồng để đặt cọc “mua lúa non” của nông dân.

img

Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1.2018 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017.  Ảnh: I.T

Bà Nguyễn Thị Huệ - một thương lái mua lúa non cánh Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre - cho hay, năm nay dự báo xuất khẩu gạo có thể khá lên nhờ nhu cầu thị trường tốt. Hiện tại, dù lúa đông xuân nhiều nơi chỉ mới xuống giống hơn tháng nhưng đã có thương lái đặt mua. Giá “chốt” cho một số giống lúa năm nay cũng cao hơn năm ngoái như các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao…

Còn theo Bộ NNPTNT, ước tính khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1 đã đạt 524.000 tấn với giá trị 249 triệu USD, tăng 56,5% về khối lượng và tăng tới 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu cũng có dấu hiệu tăng đáng kể. Gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng 45 USD/tấn trong tháng 1, từ mức 390 – 395 USD/tấn giá FOB tại cảng Sài Gòn lên 420 – 430 USD/tấn.

Đối với cây ăn trái, nhiều mặt hàng cũng bắt đầu nhộn nhịp ngay từ đầu năm. Ông Trần Văn Hận – Chủ tịch Hội Nông dân Tây Ninh chia sẻ, địa phương này đang “dốc sức” đầu tư vào mảng nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây các loại.

Theo đó, nhà máy chế biến trái cây của Công ty TNHH Tanifood động thổ hồi đầu năm 2017 được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng khoảng tháng 8.2018, tiêu thụ mỗi ngày hơn 500 tấn rau quả nguyên liệu.

“Tây Ninh đi ngược quy trình xưa nay của ngành nông nghiệp khi tỉnh xây nhà máy chế biến, tìm thị trường tiêu thụ xong rồi nông dân mới tổ chức sản xuất. Nhưng như vậy, nông dân càng yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Hiện Tây Ninh đã trồng được bưởi da xanh, nhãn tiêu da bò… với chất lượng cao” - ông Hận hào hứng nói. 

Vui thôi, đừng… vui quá!

Việc bán buôn nhiều nông sản đang tấp nập, tuy nhiên, khó khăn về thị trường, chất lượng, giá cả nhiều sản phẩm không như mong muốn khiến nông dân dễ rơi vào tình trạng “méo mặt” vì thua lỗ.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cuối tháng 12 vừa qua, tỉnh đã phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô vú sữa Việt Nam đầu tiên sang thị trường Mỹ. Sau lễ công bố, đã có trên 20 tấn vú sữa được Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường thu mua và xuất khẩu qua đối tác là công ty tại Mỹ.

Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến giữa tháng 1.2018, đã có 4 doanh nghiệp đăng ký mã code xuất khẩu vú sữa sang thị trường này. Tuy vậy, việc sản xuất cũng như quản lý vùng trồng vú sữa, chất lượng vú sữa còn nhiều hạn chế, chưa được kiểm soát chặt, dễ gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của vú sữa Việt Nam với người tiêu dùng Mỹ.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Việt Nam còn nhiều loại trái cây có thể xuất khẩu với số lượng lớn như cây bơ ở các tỉnh Tây Nguyên, cây mít ở ĐBSCL. Hiện mít Thái đang được các địa phương phát triển ồ ạt vì dễ trồng, sớm thu hoạch và giá rất cao. Tuy vậy, nhiều nhà vườn vì muốn có sản lượng cao, ép cây ra trái nghịch vụ… đã tăng cường dùng thuốc BVTV, phân hóa học… làm chai đất, giảm chất lượng sản phẩm và nguy cơ bị đối tác nhập khẩu từ chối.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành thủy sản đang tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trước kỳ hạn 6 tháng để khắc phục các yêu cầu của Liên minh Châu Âu về vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Mới đây nhất, đồng loạt các doanh nghiệp treo bản cam kết chống khai thác IUU tại cổng công ty hoặc cửa nhà máy chế biến.

Trước đó, Bộ NNPTNT cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương áp dụng các hình thức xử phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, xứ lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem