Sau việc Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch: Tiến tới giao thương minh bạch

Huỳnh Xây- Trọng Bình- Ngọc Minh Thứ ba, ngày 12/08/2014 08:53 AM (GMT+7)
Trang web Oryza.com (chuyên về gạo) thông tin Trung Quốc đã chính thức cấm các hoạt động xuất- nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở (hay còn gọi là tiểu ngạch). Thông tin từ Bộ Công Thương, bộ này đang phối hợp Bộ NNPTNT rà soát, đánh giá lại nguồn cung nhằm tăng cường việc buôn bán  chính ngạch với Trung Quốc.
Bình luận 0

Giá lúa sụt nhẹ...

Thông tin từ người dân các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long thuộc tỉnh Trà Vinh, đến trưa 11.8, giá lúa hạt dài OM 5451 bán tại ruộng hiện dao động từ 4.500 -4.600 đồng/kg, còn lúa hạt tròn IR 50404 bán tại ruộng có giá 4.800 đồng/kg, các loại lúa thơm có giá 5.000 đồng/kg.

Tình chung, giá lúa chỉ giảm nhẹ 300-500 đồng/kg và đang có dấu hiệu nhích lên sau khi có thông tin Philippines tiếp tục đấu thầu mua 500.000 tấn gạo của nước ta.Bà Lê Thị Hai (ấp Cây Gòn, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè) cho biết: “Giá lúa tuy có giảm, nhưng không đến nỗi xuống quá thấp, việc giá cả thị trường lên xuống cũng là bình thường, chúng tôi cũng không lo lắng lắm”.

Ông Trần Văn Cọp - thương lái chuyên đi mua lúa ở huyện Cầu Kè cho hay: “Do giá giảm tạm thời, nên hiện tại nhiều kho mua lúa gạo tại một số địa phương cũng ngưng mua hoặc mua cầm chừng vì chờ giá lên”.

Không riêng gì Trà Vinh, tại một số địa phương khác như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau… giá lúa cũng có giảm do ảnh hưởng thông tin từ việc Trung Quốc cấm biên. Ông Nguyễn Thanh Tòng (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - thương lái chuyên mua lúa ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho biết: “Tôi đang tạm dừng mua để nghe ngóng thông tin. Tôi nghĩ chắc chỉ một vài bữa nữa giá sẽ tăng trở lại”.

Theo ông Tòng, trên thực tế trong thời gian qua đã xuất hiện một vài trường hợp “bẻ kèo”. Cụ thể, cách đây 1 tuần bán bao nhiêu thì các đầu mối từ phía Bắc cũng đánh ghe thuyền vào mua hết, nay họ đột ngột dừng mua, chắc có thể do chưa tìm được đầu ra.

Dòng chảy chuyển sang chính ngạch

Chiều qua, một giám đốc công ty chuyên thu mua lúa gạo, xuất khẩu ở TP.Cần Thơ nói với phóng viên: “Việc giá lúa hè thu giảm một phần lý do là Trung Quốc cấm xuất nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, một phần là do thời gian qua chúng ta đã đẩy giá lúa gạo lên cao nên xuất khẩu đường chính ngạch gặp khó.

Cụ thể, vài năm trước đây, giá gạo của chúng ta thấp hơn một số nước khác nhưng bây giờ bằng hoặc cao hơn. Tuy giá bán của người dân có giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mức giá các năm trước, người dân vẫn đang có lời”. Theo ông này, thời gian tới, rất khó đoán trước được giá tăng lên hay giảm xuống. Phía Trung Quốc cũng sẽ tìm cách để mua lúa gạo của chúng ta bởi họ không có nguồn nào cung cấp thuận lợi như nước ta.

Còn ông Trương Minh Sơn - chủ doanh nghiệp tư nhân Tấn Hiệp Lợi ở xã Hòa Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chuyên xuất gạo theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc cho biết, sau một thời gian đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch qua biên giới, bất ngờ Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm biên. Mặc dù chỉ cấm biên các cửa khẩu chính, một số cửa khẩu nhỏ vẫn đi được nhưng lượng gạo xuất tiểu ngạch qua đây đã giảm hẳn và giá họ thu mua cũng giảm nhiều.

“Thời điểm phía Trung Quốc mua nhiều, giá gạo nguyên liệu IR 50404 lên đến 7.700 – 7.800 đồng/kg, cứ 2 – 3 ngày là doanh nghiệp tôi xuất đi 200.000 tấn. Khoảng 10 ngày nay họ cấm biên, không biết có phải vì thế mà giá gạo trong nước giảm dần còn có 7.300 – 7.400 đồng/kg. Lượng gạo xuất đi giảm mạnh, đến hôm nay thì tôi đã ngừng không còn xuất ra Bắc, đi tiểu ngạch qua Trung Quốc nữa.

Một phần giờ giá của họ, dù một số cửa khẩu nhỏ vẫn mở, đã thấp hơn giá doanh nghiệp trong nước thu mua tới 200 đồng/kg. Lúa hè thu giờ cũng đâu còn nhiều, nên ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước gần nhà cho nó khỏe” – ông Sơn cười nói.

Ông Trần Đức Toàn - đại diện Công ty TNHH Đức Thành, cũng khẳng định đúng là Trung Quốc có cấm biên và nhu cầu mua gạo qua đường tiểu ngạch giảm đột ngột. “Trước họ mua ồ ạt, đẩy giá thị trường lên cao ngất ngưởng, làm doanh nghiệp trong nước lỗ nặng khi mua gạo xuất chính ngạch sang Philippines, Malaysia. Nay họ giảm nhập, khiến giá cả trong nước cũng “hạ nhiệt” và đến nay đã thấp hơn giá thu mua trong nước”- ông Toàn nói.

Tuy vậy, ông Toàn vẫn lạc quan cho biết, dòng chảy từ gạo xuất tiểu ngạch hiện đã chuyển sang chính ngạch, đặc biệt khi hôm nay (12.8) có kết quả đấu thầu thêm 500.000 tấn gạo qua Philippines. Nếu Việt Nam trúng thầu nữa thì giá lúa gạo chắc chắn sẽ nhích lên.

   Không xuất tiểu ngạch Sẽ tránh được rủi ro

TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Nếu không xuất qua đường tiểu ngạch, chúng ta sẽ tránh được rủi ro cho doanh nghiệp và người trồng lúa, tránh được tình trạng hàng hóa qua bên đó rồi họ không mua, hạ giá xuống thấp... Thế nhưng, cũng cần khẳng định rằng nhu cầu của họ rất lớn. Hiện nay, người dân vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 50% diện tích rồi, thu hoạch đến đâu thì bán đến đó. Thị trường tiêu thụ đang rộng mở, chẳng hạn như Philippines, Malaysia... nên sẽ không lo về đầu ra”. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem