Nhà nông lo việc cho nhà nông

Nguyễn Hữu Thứ tư, ngày 25/06/2014 16:03 PM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất nên nhiều nông dân tại thành phố đã vươn lên làm giàu chính đáng. Không những vậy, họ còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Bình luận 0

Nổi bật nhất có thể kể đến là mô hình đan mây, tre, lá của ông Nguyễn Thành Lập (ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) hiện đang giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Thành Lập cho biết, sau khi xuất ngũ (năm 2006) ông về địa phương và tham gia các hoạt động của Hội Nông dân xã.

Để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của bản thân cũng như giải quyết việc làm cho bà con nông dân nghèo tại địa phương, ông đã mạnh dạn liên hệ với HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh) mang hàng về giao lại cho bà con gia công. Ban đầu cơ sở của ông chỉ có 5 - 6 người tham gia.

Ông tiếp tục vừa sản xuất vừa vận động lao động tham gia và sau 1 tháng thì có được 15 nhân công. Đến nay cơ sở mây tre, lá của ông Lập đã thu hút 150 lao động với thu nhập từ 80.000 – 100.000 đồng/người/ngày.

Trường hợp anh Trần Văn Hùng (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) thì lại khác. Trước đây anh làm nhiều nghề để kiếm sống và chủ yếu là làm nông nghiệp. Cách đây hơn 1 năm, anh được Hội Nông dân xã giới thiệu cho vay vốn để phát triển sản xuất. Từ đó anh mạnh dạn mở cơ sở gia công túi xách, ba lô Hùng Vân để tạo việc làm cho người thân cũng như các lao động địa phương.

Ban đầu lao động tại cơ sở anh Hùng chủ yếu là người trong gia đình, nhưng đến nay đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động khác. Nhiều lao động không đến làm trực tiếp tại cơ sở mà nhận hàng về may gia công tại nhà. “Lao động tại xưởng có thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. So với mức sống ở đây thì thu nhập như vậy là khá ổn định, công việc cũng có quanh năm” - anh Hùng cho biết.

Cũng tại Nhà Bè, từ khi tổ hợp tác nấu ăn an toàn Ấp 3, xã Nhơn Đức được thành lập (năm 2011) cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tổ hợp tác này tích cực tìm kiếm các đầu mối nấu ăn liên hoan, tiệc cưới, sinh nhật và các suất ăn công nghiệp cung cấp cho các công ty trên địa bàn huyện.

Bà Võ Thị Hoa - thành viên tổ hợp tác cho biết, qua 3 năm hoạt động tổ hợp tác có 30 thành viên tham gia. Các thành viên đều được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Đến nay đời sống của các thành viên trong tổ được nâng lên rõ rệt, thu nhập thành viên trung bình đạt 25 triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem