Nhà nông mạnh tay làm ăn lớn khi ngân hàng tiếp sức

Quốc Hải Thứ năm, ngày 18/10/2018 21:00 PM (GMT+7)
Nông dân trên địa bàn TP.HCM từ hàng chục năm nay có thể dễ dàng tiếp cận các gói vay với lãi suất 0% (UBND TP.HCM hỗ trợ lãi suất 100%) nhờ chính sách theo các Quyết định 36, 13, 04, 655... Các chính sách không chỉ giúp người nông dân ngoại thành tiếp cận nguồn vốn rẻ để thoát nghèo và làm giàu bền vững, mà còn giúp bộ mặt nông thôn mới ở các huyện vùng ven thay đổi đáng kể.
Bình luận 0

Nông dân không lo thiếu vốn

Dù trang trại ở Bình Định nhưng ông Hồ Ngọc Xuân (quận 9) vẫn vay được khoảng 70 tỷ đồng với lãi suất 6,5 - 7% từ nguồn vốn từ Agribank chi nhánh quận 9 để đầu tư. Đến nay, trang trại của ông Xuân đã phát triển với quy mô hơn 13ha và hơn 2.700 heo nái, mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 con heo giống.

Theo ông Xuân, dự định của ông là phát triển trang trại ở gần TP.HCM như Đồng Nai hoặc Bình Dương, nhưng do điều kiện ở quê (Bình Định) khá tốt nên ông quyết định về đây đầu tư.

img

Nhiều chi nhánh Agribank ngoại thành có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao như Cần Giờ, Củ Chi trên 90%.  Ảnh: Q.H

"Quy mô hoạt động kinh doanh của Agribank khu vực TP.HCM chiếm khoảng 10% quy mô của toàn hệ thống Agribank về huy động vốn và tín dụng. Nhờ đó, Agribank khu vực TP.HCM không những cân đối đủ vốn để cho vay trên địa bàn thành phố mà còn dư vốn để Agribank điều hòa nguồn vốn đưa về cho vay phát triển nông nghiệp ở các tỉnh trong khu vực miền Nam”.

Ông  Trần Ngọc Hải

“Ban đầu tôi lo không vay được vốn, nhưng sau khi tôi trình bày dự án với Agribank chi nhánh 9 và được đánh giá tốt, tôi đã được ngân hàng giải ngân để đầu tư. Hiện tại, nguồn giống heo của trang trại không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều đơn hàng đặt tới tháng 11, 12” - ông Xuân thông tin.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hạ (ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn), từ Hải Phòng vào huyện Hóc Môn làm thuê năm 2003. Đến năm 2009, chị Hạ vay Agribank 90 triệu đồng để trồng lan và mở rộng sản xuất nhưng vẫn chỉ tạm đủ sống. Năm 2013, chị Hạ quyết định “chơi lớn” khi đầu tư trang trại lên đến 3 tỷ đồng, song các điều kiện về thủ tục cho vay cũng chưa đáp ứng vì phần lớn diện tích trang trại là đất thuê.

Tuy nhiên, với tính khả thi cao của dự án, Agribank Hóc Môn vẫn quyết định duyệt cho chị Hạ vay 1,5 tỷ đồng.

Quyết định đó đến nay đã đem lại “quả ngọt” khi doanh thu của gia đình chị Hạ hiện tại từ 4 - 5 tỷ đồng/năm.

Những trường hợp như ông Xuân, chị Hạ... nhờ nguồn vốn vay của Agribank để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu không phải là hiếm tại TP.HCM. Theo thống kê của Agribank khu vực TP.HCM, hàng chục năm nay, cơ cấu tín dụng của ngân hàng đã được chuyển đổi phù hợp, tập trung cho các đối tượng và lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền thành phố. Dư nợ cho vay của nhiều chi nhánh ngoại thành có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao như Cần Giờ, Củ Chi trên 90%, Hóc Môn 65%...

Trách nhiệm, hết mình với cộng đồng

Ông Trần Ngọc Hải - Trưởng Văn phòng đại diện khu vực miền Nam Ngân hàng Agribank cho biết, hiện nay, Agribank khu vực TP.HCM có quy mô lên tới 42 chi nhánh và 125 phòng giao dịch trải rộng khắp 24 quận, huyện, quy mô nguồn vốn huy động đạt trên 120.000 tỷ đồng, tín dụng hơn 110.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 30%.

Mặc dù cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có nguy cơ rủi ro cao song toàn bộ các chi nhánh của Agribank khu vực TP.HCM đều kiểm soát được nợ xấu trong phạm vi cho phép, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước...

Bên cạnh nhiệm vụ hoạt động kinh doanh của một ngân hàng thương mại, Agribank luôn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Cụ thể, tính tới hiện tại, Agribank TP.HCM đã ủng hộ thành phố trên 100 tỷ đồng bằng nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên để thực hiện công tác an sinh xã hội, tài trợ các chương trình  xây dụng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xây dựng phòng học, bệnh viện...

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sứ mệnh của Agribank khu vực TP.HCM gắn liền với nhiệm vụ chính trị trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Đây là thị trường đầy rủi ro nhưng cũng đầy tiềm năng khi thành phố có khoảng 20% dân số sống ở khu vực nông thôn và diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 56% diện tích đất đai của thành phố...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem