Nhà ở xã hội khó thu hút nhà đầu tư, cần có giải pháp gì?

Thái Nguyễn Thứ hai, ngày 16/01/2023 18:10 PM (GMT+7)
Trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế khiến khó thu hút các nhà đầu tư. Do đó, chuyên gia nhận định các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai xây dựng nhà ở xã hội dễ dàng hơn.
Bình luận 0

Nhà ở xã hội khó thu hút doanh nghiệp đầu tư

Bộ Xây dựng cho biết, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2. Hiện, 401 dự án nhà ở xã hội đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng), với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn người thu nhập thấp, công nhân có chỗ ở.

Trong năm 2022, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 19 dự án, với khoảng 33.194 căn có tổng diện tích xây dựng 1,8 triệu m2. Trong đó, nhà ở xã hội gồm 16 dự án, quy mô 33.194 căn. Cụ thể: tỉnh Bình Dương có 5 dự án với 20.978 căn; tỉnh Kiên Giang 1 dự án với 765 căn; tỉnh Hà Nam 1 dự án với 564 căn; tỉnh Quảng Ninh 2 dự án với 1.903 căn; TP.HCM có 4 dự án với 2.444 căn; tỉnh Thanh Hóa 1 dự án với 3.000 căn; tỉnh Quảng Trị có 1 dự án với 180 căn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 1 dự án với 97 căn…

Nhà ở xã hội khó thu hút nhà đầu tư, cần có giải pháp gì? - Ảnh 1.

Việc phát triển nhà ở xã hội gặp khó khăn khi khó thu hút doanh nghiệp đầu tư (Ảnh: TN)

Thời gian qua, quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thực hiện. Dù vậy quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận... chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, tiếp tục triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Đề án và có Tờ trình số 34/TTr-BXD ngày 17/10/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo đó Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê… để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, tại dự án sửa đổi Luật Nhà ở 2014 Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi chủ đầu tư, chính sách về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội... nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết đang triển khai việc triển khai xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) theo đúng quy định pháp luật: Xây dựng chính sách, thực hiện lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các nhà khoa học; tổ chức nhiều hội thảo để trao, đổi lấy ý kiến và học tập kinh nghiệm quốc tế.

Trong đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 211 Điều. Quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng thấy dư luận quan tâm đến vấn đề thời hạn sở hữu nhà ở chung cư, cải tạo chung cư cũ, chính sách liên quan tới phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, dự thảo luật bổ sung thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Đặc biệt, so với Luật Nhà ở năm 2014, điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là bổ sung mới 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Nhà ở xã hội khó thu hút nhà đầu tư, cần có giải pháp gì? - Ảnh 2.

Sửa Luật Nhà ở để tháo gỡ vướng mắc từ thủ tục hành chính xây dựng nhà ở xã hội cho doanh nghiệp (Ảnh: TN)

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đều mong muốn tham gia việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối.

"Trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng. Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó", ông Hà nhận định.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nhà ở xã hội sẽ là phân khúc giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Khi các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ được triển khai xây dựng, bán hàng đây sẽ là phân khúc có thanh khoản rất tốt do phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua nhà.

"Các địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ đơn vị phát triển, tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư dự án, không để tồn đọng và kéo dài nhiều hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, cần phải tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư dự án để tháo gỡ kịp thời trước khi đợi sửa luật", ông Đính nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem