Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: NTNN - chàng lực điền tuổi 35

p.v Thứ năm, ngày 09/05/2019 06:08 AM (GMT+7)
Tôi biết NTNN từ thời Tổng Biên tập Mai Nhung. Nhưng phải nói thực là đến thời Tổng Biên tập Lưu Quang Định, tôi mới gần gũi và có duyên với NTNN.
Bình luận 0

img

Nhà văn - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Có một chuyện thế này như một kỷ niệm đẹp giữa người bên báo và người bên văn của Định và tôi. Ấy là  cách đây hơn 10 năm, Lưu Quang Định mới về NTNN làm Phó Tổng biên tập, chuẩn bị làm số báo tết, Định bảo tôi: Anh quen biết nhiều các nhà văn, em nhờ anh “xin” họ cho em truyện ngắn đăng tết, nhuận bút sẽ trả cao. Tôi đùa hỏi cao là bao nhiêu? Định nói ra một con số, và tôi giật mình vì nhuận bút như vậy hồi đó là cao so với mặt bằng chung của các báo ở phía Bắc, kể cả là trả cho bài đăng ở số tết.

Đến mức khi ngồi với các bạn văn, tôi nói ra nhiều người còn nghi hoặc, buông một câu: Làm gì được thế! Cuối cùng cũng có một người dám thử xem NTNN có trả được nhuận bút thế không. Đó là nhà văn Nguyễn Việt Hà. Khi đưa truyện ngắn cho tôi, Hà còn đe: Nếu nhuận bút mà không được như anh nói thì anh phải bù vào đấy nhé. Nghe thế tôi lại đâm lo, phải hỏi lại Định cho chắc. Định bảo anh cứ yên tâm, có khi truyện hay thì còn cao hơn nữa ấy chứ.

Và tết đó, Báo NTNN đăng truyện ngắn Nguyễn Việt Hà và trả nhuận bút đúng như Phó Tổng Biên tập Lưu Quang Định đã hứa. Việc này làm tôi cũng được thơm lây khi Nguyễn Việt Hà nhận nhuận bút quả bất ngờ vì thấy nó cao thật, từ đó trong câu chuyện lúc này lúc khác Hà vẫn hay đùa tôi là lão Nguyên thế mà cũng có khi nói đúng.

Đó là một chuyện vui, nhưng nó cũng nói lên cái tình của chủ báo và các cộng tác viên, một cách mời gọi người viết cho báo. NTNN là tờ báo cơ quan ngôn luận của Hội Nông dân Việt Nam, cố nhiên là phải bám chắc, đi sâu vào các vấn đề của người nông dân ở các vùng nông thôn, nói lên tiếng nói của họ, thể hiện những nhu cầu, đòi hỏi của họ, trong đó có nhu cầu về văn hoá văn nghệ. Tôi đã cộng tác với NTNN từ đó.

Mấy số báo tết sau chuyện kể trên, cứ có truyện ngắn của nhà văn Đỗ Chu là Lưu Quang Định (khi này đã làm Tổng Biên tập), lại nhờ tôi viết lời bình. Cho đến khi Định kéo tôi sang cả thể thao và trên NTNN tôi đã được chiếm một mục “Góc nhìn Phạm Xuân Nguyên” của một mùa World Cup và EURO. Và khi báo NTNN lên mạng với tên gọi báo điện tử Dân Việt, tôi đã có mấy lời gửi gắm mong mỏi: “Trước hết tôi phải nói là tôi thích cái tên Dân Việt. Như một câu hát hồi nào “Dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ đời đời...”. Dân Việt là nói khắp cả mọi người Việt Nam, mà người Việt nào không mang trong mình một gốc tích nhà quê, ngay cả trong thời đang đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay thì cái chất quê, cái bản tính nông dân, với tất cả những cái hay cái dở của nó, vẫn còn đậm đặc trong mỗi người chúng ta, kể cả ở những người trẻ tưởng chừng như chỉ sinh ra ở thành thị và chỉ biết phố phường. Cho nên báo NTNN phát hành bản giấy chủ yếu là phục vụ nông thôn và nông dân, nhưng tờ báo điện tử của nó lấy tên Dân Việt thì đối tượng phục vụ là đông đảo mọi người dân.

Tuổi 35 của một tờ báo như NTNN là tuổi của một lực điền thời 4.0. Tôi chúc cho NTNN và Dân Việt vạm vỡ một dáng vóc và cường tráng một sinh lực trong làng báo Việt Nam hôm nay. Mong tờ báo luôn được bà con nông dân cả nước đón đọc chờ xem và được người dân khắp nơi tìm đọc để hiểu biết và có trách nhiệm hơn đối với làng quê Việt chúng ta.

Đến với Báo NTNN, với tôi như về một gia đình. Ở đó vui vẻ và chan hoà. Ở đó tôi có thể bàn luận, tranh cãi về một nội dung, chủ đề của số báo với Tổng Biên tập và các phóng viên, nhà báo cứ như mình không phải là một cộng tác viên. Tôi nhớ mãi khung cảnh vui như hội khi cả toà soạn tập trung cùng nhau xem truyền hình trực tiếp trận chung kết bóng đá U23 châu Á tại Thường Châu tuyết trắng giữa Việt Nam và Uzbekistan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem