Nhã Phương chế lời bài hát Hoa sữa năm 1986 và phản ứng bất ngờ của nhạc sĩ Hồng Đăng
Chuyện Nhã Phương chế lời bài hát “Hoa sữa” năm 1986 và phản ứng bất ngờ của nhạc sĩ Hồng Đăng khi biết chuyện
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 15/07/2024 08:21 AM (GMT+7)
"Hoa sữa" là một bài hát rất nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng. Bài hát này được ca sĩ Nhã Phương thu âm năm 1986 nhưng chế một từ trong bài hát và nhạc sĩ Hồng Đăng phản ứng rất bất ngờ.
Nhã Phương chế lời bài hát "Hoa sữa" ngay lần thu âm đầu tiên
"Hoa sữa" là một bài hát viết về Hà Nội, gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Hồng Đăng. Ca khúc này được ông sáng tác năm 1978 theo "đơn đặt hàng" của đạo diễn Đức Hoàn làm bài hát chủ đề cho bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ".
Chia sẻ với Dân Việt, bà Lê Anh Thúy – phu nhân của nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết, lúc sinh thời nhạc sĩ Hồng Đăng có kể cho bà tường tận nguồn gốc ra đời của bài hát này. Theo đó, khi nhờ nhạc sĩ Hồng Đăng viết ca khúc chủ đề cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ", đạo diễn Đức Hoàn có nói đây là phim đầu tay của bà nên phần nhạc phim yêu cầu phải là một bài hát về tình yêu thật đặc trưng cho giới trẻ Hà Nội. Chính yêu cầu này làm nhạc sĩ Hồng Đăng loay hoay mãi, cho đến khi phim quay gần xong mà vẫn chưa nghĩ ra tứ của bài hát chủ đề.
"Một hôm, trong lúc trò chuyện, nhà thơ Nguyễn Hương Trâm có gợi ý: "Anh xem, Hà Nội có loài hoa với mùi hương rất đặc biệt là hoa sữa. Chữ "hoa sữa" bất ngờ làm bật ra tứ nhạc đầu tiên của bài hát mặc dù ông Hồng Đăng lúc đó chẳng biết mặt mũi hoa sữa thế nào. Bài hát chủ đề ra đời rất nhanh. Và như mọi lần, phần nhạc phim ông Đăng hoàn thành ngay trong đêm và chuyển cho phòng thu. Bài hát thu cho nhạc phim được NSND Lê Dung thể hiện. Chị hát trong sáng, giản dị và đầy day dứt. Phim chiếu, bài hát được các bạn sinh viên yêu thích, được hát, lưu truyền rất nhiều trong giới sinh viên Hà Nội. Thời đó, tôi có người bạn học Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương hát rất hay ca khúc này và rất hay hát cho tôi nghe", bà Lê Anh Thúy kể.
Bài hát "Hoa sữa" đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công. Người đầu tiên thể hiện để lồng vào phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" là NSND Lê Dung. Tiếp theo, năm 1986, Nhã Phương thu âm ca khúc này trên băng cassette. Thời điểm đó, bộ đôi Bảo Yến – Nhã Phương đang là một "hiện tượng" âm nhạc, bài hát nhờ vậy mà được phổ biến rộng rãi đến công chúng và được yêu thích.
Nhã Phương thu âm bài hát "Hoa sữa" năm 1986. Nguồn clip: Trung Nguyễn
"Thời gian ông Hồng Đăng ở TP. HCM thì chị em Nhã Phương - Bảo Yến đang "làm mưa làm gió" trên khắp sân khấu ca nhạc. Có lần, Nhã Phương hỏi ông Hồng Đăng "Anh có bài nào cho em hát không?" thì ông Hồng Đăng đưa bài "Hoa sữa". Và chính Nhã Phương là người đầu tiên đưa "Hoa sữa" đến với sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp.
Theo lời kể của ông Hồng Đăng thì sau khi có bản thu âm, Nhã Phương có đưa cho ông ấy nghe, nghe xong ông Hồng Đăng rất thích. Tuy rất thích và khen hết lời nhưng ông Hồng Đăng vẫn phát hiện ra Nhã Phương hát sai một câu là "Những bạn bè chung, những con đường nhỏ" thì Nhã Phương hát thành "Những bạn bè xưa, những con đường nhỏ".
Ông Hồng Đăng bảo với Nhã Phương thì cô ấy cười bảo: "Câu ấy em chế cho hay hơn câu của anh". Và cả hai cười ngặt nghẽo. Việc thu thanh thời kỳ ấy rất khó. Thu lại là phải hát lại cùng với ban nhạc chứ không có cắt dán dễ như bây giờ. Nhã Phương đã thể hiện bài hát rất hay, rất nhiều cảm xúc. Nhã Phương đã đưa ca khúc bước ra khỏi bộ phim, có đời sống riêng, độc lập… nhiều người yêu thích. Và tác giả bài "Hoa sữa" rất lâu sau khi bài hát nổi tiếng mới biết hoa sữa thực sự thế nào", bà Lê Anh Thúy kể thêm.
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng bị phàn nàn nhiều lần vì "Hoa sữa"
Theo bà Lê Anh Thúy, "Hoa sữa" vốn là bài hát viết cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" - bộ phim là câu chuyện tình yêu của đôi sinh viên người Hà Nội và vấn đề phân công việc làm sau khi ra trường. Thời đó, nhiều người vẫn loay hoay với suy nghĩ, nên ở lại Thủ đô làm việc để được nhàn hạ hay đi đến nơi đất nước đang cần. Vì vậy, bộ phim được chiếu rộng rãi trong các trường đại học, cao đẳng… giới sinh viên rất yêu thích. Không phải vì thông điệp chính của bộ phim mà là vì bộ phim mô tả một tình yêu lãng mạn rất Hà Nội. Những cảnh quay hẹn hò giữa nghệ sĩ Như Quỳnh với nghệ sĩ Trần Vân trong phim rất đẹp.
Ngay khi bộ phim ra mắt, "Hoa sữa" đã được giới học sinh – sinh viên thời đó rất yêu thích. Nhiều người đã chép lại bài hát trong các cuốn sổ lưu niệm. Mặc dù, bài hát không có địa danh nào nhắc đến Hà Nội nhưng lại rất Hà Nội. Nhờ sự phổ biến của bài hát, hoa sữa được trồng nhiều hơn ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, mật độ hoa dày đặc khiến mùi hương trở nên nồng nặc, khiến những người dân xung quanh luôn than phiền về mùi hương của loài hoa này. Thậm chí nhạc sĩ Hồng Đăng từng bị "than phiền" cũng vì mùi hương của hoa sữa.
Bài hát "Hoa sữa" sau đó được một số ca sĩ thể hiện như: Thanh Hoa, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Linh, Lệ Quyên, Thanh Lam… Phổ biến nhất là bản của diva Thanh Lam. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng có nói rằng, mỗi ca sĩ thể hiện với một phong cách, lối cảm nhận, mang đến vẻ đẹp riêng. Hồng Nhung biểu diễn trong trẻo, còn giọng hát Thanh Lam nồng nàn, quyến rũ.
Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng từng kể vui rằng, mỗi độ Thu về, nhiều người lại gọi điện cho ông nói: "Tội của bác lớn lắm, vì bác mà người ta trồng hoa sữa chật kín đường". Trên Facebook, nhiều người cũng trích dẫn bài hát để than vãn vì mùi hoa quá nồng, ngột ngạt. Nhạc sĩ Hồng Đăng coi đó là câu chuyện vui trong nghề. Với ông, điều quan trọng là tác phẩm được đón nhận, sống mãi trong lòng khán giả.
Ngày 28/10/2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có bài "Hoa sữa".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.