Ông Dũng cho biết, là nông dân nòi, không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy nhưng ông không khỏi trăn trở với những khó khăn của nông dân trong sản xuất, thiếu hụt nhân công lao động, thất thoát nhiều trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, ông Dũng đã mày mò nghiên cứu và đã chế tạo ra nhiều sản phẩm, thiết bị rất hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, đáp ứng thực tiễn nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Ông Dũng trình diễn máy hút rác do ông tự mày mò sáng chế ra.
Ban đầu, thấy người dân đào rãnh thoát nước để cây mè không ngập úng bằng sức người và phải lên liếp bằng tay rất vất vả, ông Dũng tự nghiên cứu chế ra lưỡi cày cải tiến ,với chiếc máy xới cầm tay thành máy đánh rãnh chỉ cần 1 người điều khiển sẽ thực hiện được 2ha/ngày và có thể thay thế 40 lao động đào xới thủ công.
Thấy nhà nông làm rẫy, ruộng phải đeo bình xịt nặng nề và thuốc dễ ngấm vào người, dẫn đến mang bệnh, thế là ông Dũng nghiên cứu, cải tiến máy bơm cũ thành xe phun thuốc bảo vệ thực vật có thể di chuyển tiện lợi ở mọi địa hình, giảm sức lao động và chi phí.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, nhiều nhà nông đã chuyển qua trồng cây đậu bắp, tuy nhiên cây đậu bắp lại bị rầy xanh tấn công. Đây là loại côn trùng phổ biến trên cây đậu bắp và gây hại nghiêm trọng cho phát triển của cây trái, ông Dũng bắt đầu nghiên cứu và chế tạo máy bắt rầy nhanh, gọn nhẹ, chính xác, dễ dàng cho người sử dụng.
Từ đây người nông dân không phải dùng thuốc để tiêu diệt rầy. Ngoài ra, ông Dũng còn chế tạo máy cắt thân cây bắp non, đây là máy được ông Dũng cải tiến từ máy cắt cây đậu bắp, góp phần tiết kiệm nhiên liệu.
Ấn tượng nhất là sáng chế máy thu hồi lúa thất thoát sau thu hoạch ở ngoài đồng ruộng để tận dụng lại, loại trừ được nạn lúa cỏ, lúa lẫn tạp chất.
Rồi sản phẩm máng uống nước cho gia súc có điều chỉnh nước, nhờ hệ thống tự động nên chỉ cần 1 người điều khiển đưa nước vào tất cả các máng lắp đặt với mực nước vừa phải cho bò uống, hạn chế thấp nhất nước rơi vãi trên nền, tiết kiệm nhân công đã được trang trại bò sữa ở tỉnh Sóc Trăng đưa vào sử dụng.
“Các chi tiết máy móc được tôi góp nhặt, mua lại những thiết bị cũ từ khắp nơi. Sau đó, tính toán cấu trúc, tỷ lệ và nguyên lý hoạt động rồi sửa chữa, phải “tháo ra ráp vào” rất nhiều lần, gặp không ít khó khăn, nhiều đêm mất ngủ, có cái nghiên cứu cả năm mới hoàn thiện. Khi hoàn thiện và đưa vào ứng dụng, những cái máy có giá cả phù hợp với túi tiền của bà con nông dân, rất dễ sử dụng và đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Dũng chia sẻ.
Máy thu gom rác được ông Dũng cải tiến
Không dừng lại ở việc chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mới đây, ông Dũng còn chế tạo thành công máy hút rác, quét rác nhỏ gọn, thích hợp thu gom rác ở các sân trường, cụm dân cư hay công viên... Máy di chuyển, quét, hút các loại rác như: lá cây, bọc ny-lon, chai nhựa, giấy… máy hút rác tự chế của ông Dũng dựa trên nguyên tắc máy hút rác hiện có trên thế giới, nhưng được cải tiến theo hình thức nhỏ gọn và đơn giản.
Máy di chuyển từ nơi này sang nơi khác và hút, thổi nhờ vào động cơ, toàn bộ hệ thống hút rác được nằm gọn trên 1 khung sắt, mỗi giờ có thể hốt rác trong phạm vi 1.500m2, chỉ sử dụng 1 lít xăng. Ngoài ra, máy này còn dùng để chữa cháy ở các khu dân cư, hẻm nhỏ và một số máy theo đơn đặt hàng của các nơi.
“Nhìn thấy những chiếc máy có thể giúp ích trong lao động, sản xuất tôi rất vui mừng và phấn khởi. Đó là động lực để tôi tiếp tục sáng chế thật nhiều máy móc tiện ích với giá thành phù hợp mọi người đều có thể sử dụng được” - ông Dũng tâm huyết chia sẻ.
Từ những sáng chế của mình, ông Dũng đã đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật, vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam các cấp… |
Trọng Tín (Báo An Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.