Nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh: Thức cùng bóng tối…

Thứ năm, ngày 08/10/2015 10:37 AM (GMT+7)
Trong Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, có một tác giả thơ khiếm thị sinh năm 1982 tham dự, đã thu hút sự quan tâm của những người viết cùng thế hệ và các nhà thơ đi trước.
Bình luận 0

Trong cái dáng đi chắc chắn và bản lĩnh dù phải có người dìu, trong cái giọng nói ấm áp đầy tự tin mỗi khi lên sân khấu đọc thơ giao lưu, tôi cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, một trái tim yêu thương chân thành, dù anh đã phải trải qua một cuộc sống đầy trắc trở, một quá khứ nhiều nỗi buồn.

Song, vượt qua tất cả, Nguyễn Việt Anh, đã sống và viết như một cứu cánh cho tâm hồn, như bài thơ làm đề tựa trong tập thơ mới xuất bản của mình "Thức cùng bóng tối": "Dù cho nắng tắt cuối ngày/ Sao mờ lỗi hẹn trăng gầy ngủ quên/ Ngại gì hun hút màn đêm/ Khi ta có một trái tim biết nhìn"...

Cú ngã định mệnh

img

Việt Anh học chữ nổi với giáo viên nước ngoài.

Nguyễn Việt Anh sinh ra trong một gia đình người Hà Nội gốc ở phố Hàng Bồ. Là con đầu cháu sớm, nên Việt Anh được tận hưởng tuổi thơ viên mãn, đủ đầy trong một gia đình có "của ăn của để". Chưa bao giờ trong suốt tuổi thơ ấu của mình, Việt Anh thiếu thốn điều gì, dẫu hồi đó cuộc sống của người Hà Nội đầy khó khăn. Bố anh là một công nhân của Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, mẹ anh, vốn là một cô sinh viên Trường Sân khấu điện ảnh, phải lòng người chồng hào hoa nên đã bỏ dở nghiệp cầm ca như ông bà ngoại Việt Anh, chấp nhận ở nhà sinh con, làm cô thợ uốn tóc.

Việt Anh nhớ lại rằng, ngày ấy, vì Việt Anh là cháu đầu tiên (dù bố anh là con út) nên được bà nội, vốn là một bác sĩ, cưng chiều và chăm bẵm lắm, đến nỗi, ai đến muốn bế ẵm Việt Anh, phải rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa vi khuẩn. Dù được chăm sóc chu đáo, nhưng mới bé tí mà Việt Anh đã bị cận thị tới 10 đi-ốp. Lo lắng cho đôi mắt của cháu, năm 1990, cả gia đình đã quyết định đưa Việt Anh đi mổ mắt. Ca mổ thành công đã giúp cho Việt Anh có đôi mắt sáng trở lại để học tập mà không cần đến kính.

Năm 1994, khi Việt Anh đang học lớp 7, một lần trong khi đùa nghịch thì bị bạn xô ngã đập đầu phía sau vào bàn học. Cú ngã mạnh ấy đã khiến Việt Anh bị ảnh hưởng dây thần kinh thị giác, do bị cận thị từ trước, đôi mắt đã vốn yếu, dây thần kinh tổn thương nặng khiến Việt Anh bị thoái hóa võng mạc, giác mạc dần bị bong và không thể phục hồi lại được.

Dù gia đình Việt Anh đã bán một căn nhà ở phố Cửa Đông, bán mấy chiếc xe máy để lấy tiền sang Pháp, sang Mỹ mổ và chữa trị hàng tháng trời, nhưng mọi nỗ lực cứu đôi mắt cho Việt Anh đều vô vọng. Ba năm trời cả gia đình sạt nghiệp để mong có một nguồn sáng cho đứa con trai bé bỏng nhưng dường như số phận đã định đoạt, cú ngã định mệnh đã cướp đi đôi mắt của Việt Anh, cướp đi cả nguồn sáng và những tia hy vọng của gia đình anh với cả nỗi đau của những người làm cha làm mẹ.

Những tháng ngày đầy biến cố

Việt Anh chia sẻ rằng, ngay cả khi bắt đầu tập quen với việc trước mắt mình, dù ngày hay đêm đều là bóng tối, thì ngày đầu tiên ấy, anh vẫn không hề sợ hãi và không có bất kỳ một tổn thương về tinh thần nào. Vì dù gia đình đã bán dần đi mọi thứ có được, nhưng ai cũng hứa hẹn đầy hy vọng rằng sẽ có một ngày, bác sĩ sẽ chữa được đôi mắt cho con mình. Việt Anh vốn đã được chiều chuộng, nay lại càng được nuông chiều với những đòi hỏi vô điều kiện. Anh được cưng nựng, bao bọc để không bao giờ phải cảm thấy tủi thân hay thiếu thốn bất cứ điều gì. Việt Anh chuyển từ trường THCS Tân Trào sang học Trường Nguyễn Đình Chiểu và cấp 3 thì học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở ngay cạnh nhà.

Những tháng ngày chăm lo đầy mỏi mòn hy vọng, những nỗi buồn và những bất đồng bắt đầu xảy đến trong ngôi nhà có nhiều thế hệ sinh sống. Bất lực trước hoàn cảnh, bố mẹ anh chia tay nhau. Mẹ anh về nhà ngoại ở Thái Nguyên để sinh sống. Việt Anh ở cùng bố và ông bà nội. Từ một đứa trẻ đầy hiếu động, nghịch ngợm Việt Anh đã trở nên ít nói, lặng lẽ, lủi thủi trong ngôi nhà của mình sau những giờ tan học trở về. Ngay lúc ấy, Việt Anh mới bắt đầu ý thức được cuộc sống trước mắt mình không phải màu hồng như lời hứa hẹn của người lớn, mà hoàn toàn là màu đen như chính đôi mắt đã không còn nhìn thấy ánh sáng của mình.

Ý thức được mọi chuyện, Việt Anh đã bắt đầu đi học nghề bấm huyệt châm cứu tại Trường Y học Tuệ Tĩnh. Dường như ông trời không lấy đi của ai tất cả mọi thứ, bởi vì ngay khi bắt đầu học nghề y, Việt Anh đã như tìm lại được chính mình, anh học giỏi, có năng khiếu và tiếp thu rất nhanh, anh là một trong những học trò xuất sắc và chỉ trong vòng một năm, Việt Anh đã có thể trở thành một người có nghề bấm huyệt cực tốt. Anh có một công việc kiếm thu nhập cao bằng chính sức lao động của mình. Khách hàng gọi liên tục, thời điểm ấy, Việt Anh kiếm tiền được rất nhiều bởi khách hàng của Việt Anh hầu hết là các đại gia chơi golf, đánh tennis. Đối với một người khiếm thị, tiêu pha ít, không chơi bời, ít bè bạn... thì số tiền Việt Anh kiếm được đủ dư giả để mang về cho gia đình...

Tình yêu, hôn nhân và đổ vỡ...

Cũng chính nghề bấm huyệt đã đưa Việt Anh bén duyên cùng một cô gái bán mỹ phẩm đến từ Thanh Hóa. Năm 2004, Việt Anh kết hôn và mối tình ấy đã mang lại cho anh một gia đình với hai đứa con xinh đẹp một trai, một gái. Cũng như nhiều đôi bạn trẻ khác, cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng êm đềm, đôi khi đầy sóng gió.

img

Việt Anh đã từng có một gia đình hạnh phúc.

Mỗi ngày thêm tuổi, Việt Anh không còn đủ sức khỏe để có thể làm việc như ngày xưa để kiếm nhiều tiền. Hệ xương khớp của anh bị ảnh hưởng vì vận động nhiều và mất sức. Vợ anh, sau khi liên tục sinh hai con công việc cũng phập phù. Cộng với gia đình ở phố cổ tứ đại đồng đường và những khác biệt trong văn hóa ứng xử của nhiều thế hệ đã khiến cuộc hôn nhân của anh tan vỡ. Dù đã nỗ lực dàn xếp, nhưng với một người sống trong cảnh mù lòa, bị bó buộc bởi rất nhiều thứ, Việt Anh đành để vợ ra đi tìm một cuộc sống mới.

Thời điểm mới chia tay, vì vợ anh chưa ổn định gia đình, nên hai con của Việt Anh sống cùng bố. Việt Anh kể lại: Có những đêm dài anh thức trắng, hai tay bế hai đứa con bị ốm vì viêm phế quản mà lòng nặng trĩu. Lo cho con nhưng anh cũng chẳng biết phải làm thế nào khi trước mắt mình là cả một màn đêm. Lúc ấy, không thể đánh thức bố hay ông bà nội, một mình anh tự  tay làm tất cả, pha sữa cho con uống, chườm mát cho con, thay tã bỉm, quần áo, giặt giũ, phơi phóng, sấy là...

Tôi hỏi Việt Anh, làm sao anh có thể làm tất cả những việc ấy? Việt Anh cười: vừa làm vừa mò mẫm, vừa nếm, vừa đo tay... tất cả mọi thứ đều quen hết. Thời gian ấy, Việt Anh gần như bỏ hết công việc bấm huyệt để chăm con, cô con gái thứ hai còn quá bé bỏng và thiệt thòi. Mãi gần đây, năm 2013, vợ anh khi đã ổn định cuộc sống mới trở về đón bé gái.

Dẫu biết mọi sự chia lìa đều đầy đau đớn, nhưng cuộc sống đã an bài, Việt Anh đành ngậm ngùi chia xa con. Cậu con trai lớn đang ở cùng bố nay đã học lớp 4 dường như cũng hiểu nỗi lòng của bố, nên thường quan tâm, chăm sóc bố nhiều lắm. Việt Anh mừng nhất là con anh không bị mặc cảm với bạn bè vì có bố là một người khiếm thị và đang ở trong một gia đình ly tán, bởi vì anh vẫn dành mọi tình cảm cho con, để con anh hiểu rằng, cha nó dù không nhìn thấy ánh sáng, nhưng có một trái tim yêu thương vô bờ để có thể chở che cho con mọi lúc, mọi nơi...

Và với bản thân anh, anh cảm ơn hai đứa con mình rất nhiều, bởi vì trong những đêm thức trắng, Việt Anh đã viết thức cùng con, cùng tâm thức mình viết nên những bài thơ tặng con và đã in thành tập "Bầu trời nhỏ" (NXB Thanh Niên - 2015). Anh không nhìn thấy được các con mình, nhưng cảm nhận được con với một tình yêu thương mãnh liệt, cảm nhận con bằng tiếng cười của con trong một đêm thức: “Những gấu bông đã nằm yên/ Những búp bê mắt đã lim dim rồi/ Bé cũng theo giấc mơ trôi/ Chỉ còn chúm chím nụ cười thức khuya” (Thức khuya).

Thơ ca là niềm tin cứu rỗi...

Một chấn động lớn nhất trong cuộc đời của Việt Anh, là sự ra đi của người bố anh rất mực yêu thương và gần gũi, khi ông bị ung thư thực quản hai năm trước đây.  Việt Anh vẫn nhớ như in ngày bố anh ra đi ông chỉ trăn trở không biết mai này, Việt Anh sẽ xoay xở thế nào khi không có ông bên cạnh. Một năm trời đối mặt với bệnh tình của bố, của những đau đớn hiện hữu, một Việt Anh ít nói, lặng im đã quẫy đạp với những ý nghĩ miên man.

Việt Anh đã bất chợt nảy ra những ý thơ, nhờ bà nội chép lại và in thành một tập thơ "Thức cùng bóng tối" đầy tâm trạng: "Hải âu giờ đã khác rồi/ Ốc xà cừ cũng qua thời mê say/ Cát là cát của hôm nay/ Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa” (Trước biển).  Hay: “Giọt mưa làm ướt nỗi buồn/ Hay buồn làm ướt tâm hồn giọt mưa?”... Trong tập thơ của mình, Việt Anh viết nhiều bài dành cho một tình yêu không đi tới bến bờ hạnh phúc. Việt Anh là một anh chàng khiếm thị đào hoa, nên có nhiều nỗi niềm trăn trở trước tình yêu: Viết cho em: “Suốt đêm thức với mưa rơi/ Thức hoài chẳng biết trả lời sao đây/ Tâm tư thật khó giãi bày/ Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh”.

Trong chặng hành trình đến với thơ ca, Việt Anh đã gặp được tiếng lòng đồng điệu cùng một người bạn vong niên, một nhà thơ tuổi đã 70 nhưng có tâm hồn nhân hậu và tinh tế, đó là nhà thơ Phạm Đức, nổi tiếng với bài thơ "Đơn phương" một thời được chép trong sổ tay của rất nhiều người yêu thơ.

Việt Anh chia sẻ: "Tôi nghe ông chia sẻ về thơ ca, về cuộc đời, nghề viết đặc biệt là về tình yêu, và ngay lập tức tôi có sự đồng cảm sâu sắc. Tôi đã đi tìm ông và thật may là hai bác cháu rất hợp nhau. Ông như là một người cha thứ hai của tôi vậy. Trong niềm yêu thích, tôi đã được nhà thơ cho mượn các tập thơ cũ từ ngày xưa của ông để đọc.

Tôi thích bài thơ "Nỗi đau" vì nó như nói hộ những tâm trạng của lòng mình: “Ai người nhìn thấu nỗi đau/ Con cá lặn giữa dòng sâu mịt mù/ Chỉ nhìn mặt nước nhẹ rung/ Với mây gió, với vô cùng trời cao/ Nỗi đau ai thấy đâu nào/ Ở trên gương mặt ngọt ngào sáng êm/ Mặt hồ càng đáng yêu thêm/ Khi tôi biết đáy ẩn chìm xót xa/ Trái tim có đủ thiết tha/ Để yêu cả mặt hồ và nỗi đau”.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật tuổi 70 của nhà thơ Phạm Đức và 50 năm vào nghề của ông, Việt Anh đã biên soạn 50 bài thơ và 50 bài viết của các nhà phê bình, các nhà văn để in thành một tập sách dày dặn tặng riêng ông với một số tiền không nhỏ trích từ tiền tiết kiệm bao năm của mình. Đó là việc duy nhất Việt Anh có thể làm để tỏ lòng ngưỡng mộ và kính yêu với một nhà thơ đã cho anh nhiều trải nghiệm quý giá trong chặng đường đời đường thơ này.

Bởi vì, với Việt Anh, trước mắt anh dù là một màn đen tối sẫm, muốn bước đi anh phải dò dẫm, lần tìm hoặc phải có người dìu bước, nhưng với thơ ca, với trái tim nhạy cảm và đầy đa cảm, nó tự phát ra một ánh sáng mê hoặc và linh diệu, để anh có thể "vịn câu thơ mà đứng dậy", mà bước đi bằng chính nội lực của chính mình...

Trần Hoàng Thiên Kim (Công An Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem