Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cái làng Yên Trung chính thực là quê nhà của tác giả Ngô Xuân Hội thuộc xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cái tên sách vì thế đã mách cho độc giả biết đây là tác giả kể chuyện ở làng mình. Và khi đọc vào sách thì độc giả càng thấy rõ: "ngày ấy" là năm tháng tuổi thơ của những đứa trẻ ở cái quê Yên Trung ấy. Hai chữ "tiểu thuyết" ghi tên thể loại để tác giả rộng đường viết hơn, nhưng mạch tự truyện thì đã rõ, và nhân vật Kháng xưng "tôi" trong truyện chính là nhà văn Ngô Xuân Hội hồi nhỏ cùng chúng bạn sống ở làng.
NGÀY ẤY Ở YÊN TRUNG
Tác giả: Ngô Xuân Hội
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023
Số trang: 294 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 150.000đ
"Tuổi thơ như chiếc gối êm/ Êm cho tuổi già úp mặt". Đọc cuốn truyện này tôi chợt nhớ đến câu hát đó của nhạc sĩ Trần Tiến trong bài "Mẹ tôi". Ấy bởi câu truyện được kể một cách mộc mạc, sống động, không hề cố ý làm văn, và vì thế nó cuốn hút người đọc một cách tự nhiên, chân thực. Nhà văn bước qua tuổi bảy mươi nhớ lại tuổi lên chín lên mười của mình cùng chúng bạn với biết bao trò nghịch ngợm hồn nhiên khi đi bơi, đi chơi, đi học. Nghịch ngợm đến làm cả thầy giáo dạy văn lao cả xe đạp và người từ đê xuống sông. Hôm sau vào lớp thầy hỏi "thủ phạm" và ra hình phạt cậu học trò bằng cách bắt phải học thuộc 1000 câu truyện Kiều trong vòng một tháng. Một hình phạt phải nói là rất văn chương nhưng cũng thật là "khốc liệt" đối với những chú học sinh trường làng. Vậy mà Dương Quốc Đảo, người học sinh ấy, đã vượt qua thử thách hình phạt của thầy giáo. Và còn vượt qua một cách xuất sắc khiến đến thầy hiệu trưởng và cả chúng bạn cũng kinh ngạc: Đảo đã thuộc lòng cả cuốn Truyện Kiều 3254 câu trong vòng một tháng. Cho đến khi viết lại chuyện này trong sách tác giả vẫn không biết bằng cách gì mà đứa bạn học của mình lại giỏi được đến thế. Đó có phải là nhờ tư duy toán học đã sớm nảy nở ở cậu học trò trường làng dù phải vất vả đêm hôm thả câu thả trúm kiếm sống cho gia đình. Một tư duy toán học hứa hẹn một tài năng về sau. Nhưng chiến tranh đã cắt ngang việc học lên của Đảo. Anh vào lính và đã hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị trong "Mùa hè đỏ lửa", để lại những ước mơ dang dở và một tình yêu vừa chớm nở. Nhưng chính Đảo và cuộc "trả phạt" bằng Truyện Kiều đã thôi thúc Ngô Xuân Hội nhớ về tuổi thơ của mình và bạn bè để cho ra đời "Ngày ấy ở Yên Trung".
Tác giả viết ở cuối sách: "Cầm cuốn sách trong tay, tôi không biết mình phải cảm ơn Đảo – người bạn thuở thiếu thời, hay cảm ơn Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc. Đúng hơn tôi phải cảm ơn cả hai, bởi chính Đảo và Nguyễn Du vĩ đại đã thổi bừng lên trong tôi tình yêu văn chương, cuộc sống, tình yêu thiêng liêng đối với cái đẹp trong cuộc đời còn nhiều lo toan khốn khó." (tr. 262).
Những đứa trẻ ở Yên Trung được vây bọc trong cảnh sắc làng quê và cuộc sống của những người dân họ hàng làng mạc quanh mình. Chuyện trẻ con nhưng có những việc của người lớn âm thầm nhân nghĩa đã thấm vào chúng, cho chúng cảm nhận được bài học sống làm người. Đó là việc bà Lam và ông Chắt Uyên cưới nhau, nhìn ngoài ai cũng thấy đó là một việc hợp lẽ trong cảnh hai bên "rổ rá cạp lại". Nhưng khi bà Lam quyết rời làng lên vùng núi để lo liệu cuộc sống cho hai đứa con thì sự thật mới được bà tiết lộ với mọi người. Bà Lam có thai với một ông đội cải cách. Để tránh cho bà khỏi búa rìu dư luận trong làng ngoài xóm, ông Chắt Uyên theo cách "đạo diễn" của ông bố tác giả, đã bày ra màn kịch cưới hỏi của hai ông bà. "Rời quê ra đi, bà thấy chẳng cần phải đóng kịch thêm làm chi cho mệt nên công khai tất cả. Bà cảm ơn cha tôi khéo bày mưu tính kế. Cảm ơn ông Chắt Uyên, một chính nhân quân tử, không lộng giả thành chân, tôn trọng luật chơi cho đến phút cuối cùng khiến bà vững tâm tiến bước khi biết phía sau lưng mình còn rất nhiều người tốt." (tr. 223-225). Câu nói chia tay của bà Lam với ông Chắt Uyên là: "Kiếp sau, tôi xin được nguyện làm vợ ông." Chỉ thế thôi đã đầy ân sâu nghĩa nặng và đám trẻ làng nhìn vào đó sẽ biết cách mà sống nên người.
Cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện này của Ngô Xuân Hội đã đem lại cho tôi nhiều bâng khuâng cảm xúc. Cách viết sinh động, hồn nhiên của tác giả khiến tôi như được sống trong cảnh đó, việc đó, tình đó. Tới mức mới rồi về Vinh, đi xe qua huyện Hưng Nguyên tôi có hỏi người bạn xã Hưng Thịnh nằm đâu để ghé qua xem làng Yên Trung thế nào. Cảnh cũ người xưa hẳn đã lắm chuyển dịch, đổi dời. Làng lên phố nay đã nhiều và phố thì khác làng. Chỉ ký ức là giữ lại những cái đã qua để người đã sống không quên và người đang sống và sẽ sống thì biết tìm lại, níu lại. Ngô Xuân Hội cũng như bao người đã đi qua một thời thơ trẻ nay mỗi dịp về làng hẳn sẽ phải "sống với thời gian hai chiều" như tên một tác phẩm của nhà văn Vũ Tú Nam. Chiều quá khứ hôm qua và chiều hiện tại hôm nay. Người đi trong không - thời gian bây giờ nhưng chìm trong không - thời gian ngày xưa. Tôi đã luôn ở trong tâm trạng giăng mắc đó mỗi khi về quê tôi. Cuốn sách của Ngô Xuân Hội vì vậy càng làm trĩu thêm trong tôi nỗi hoài niệm luyến tiếc. Đọc nó tôi thấy mình như trong câu thơ của Lê Thị Kim "tuổi thơ ai không tuổi thơ mình". Và quả thực là "tuổi thơ xa rồi, xa mãi" như tên một tiểu thuyết xô viết ngày trước.
Cậu bé Kháng trong truyện tốt nghiệp cấp ba (hệ 10 năm trước đây) thi đậu đại học Mỏ - Địa chất, ra trường làm việc tại vùng mỏ Quảng Ninh. Kháng tự nhận không có năng khiếu văn học so với Đảo, nhưng Ngô Xuân Hội ra đời đã thành nhà văn sau khi học xong học Khoá I (1979 – 1982) Trường viết văn Nguyễn Du. Cậu học trò làng Yên Trung ngày nào giờ đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", đã có sau lưng mình chục đầu sách văn thơ và những giải thưởng văn chương về đề tài công nhân. Cuốn sách "Ngày ấy ở Yên Trung" xuất bản lần đầu năm 2019 (Nxb Phụ Nữ) nay được tái bản lần thứ nhất là một thành công của Ngô Xuân Hội.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 4/4/2023
Vui lòng nhập nội dung bình luận.