Trong tập thơ vừa ra mắt "Biên bản thặng dư", Phùng Hiệu tập trung viết về những con người lao động, những số phận hẩm hiu. Nói như nhà nghiên cứu phê bình Bùi Công Thuấn, "Phùng Hiệu lập biên bản phần hiện thực bị che khuất, đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm, cái khó là làm sao nói lên sự thật mà không bị hiểu lầm. Anh đã viết được những bài thơ có thể lay động những trái tim vô cảm".
Nơi đó, những người công nhân, phu hồ... làm việc cả ngày đêm, bị ràng buộc bởi những hợp đồng tăng ca nhưng thứ họ nhận được là những đồng lương không đủ sống. Nhà thơ phát hiện những giá trị thặng dư không mang lại thành quả xứng đáng cho người lao động. "Suốt hành trình ngã giá mưu sinh/ Những bước chân hướng về vô thực/ Họ đi suốt chiều dài thế kỷ/ Những trang đời đổ xuống lại trồi lên" (Biên bản thặng dư).
Nhà văn Trần Nhã Thụy tặng hoa cho Phùng Hiệu.
Và những con người bị hất văng khỏi ngôi nhà - chỗ trú ngụ duy nhất của họ trong cuộc giải tỏa giành chỗ cho cao ốc mọc lên: "Giữa thành phố lấm lem bụi đất/ Đoàn người lê bước chân về phía xóm nghèo/ Dưới túp lều ọp ẹp/ Họ không tìm thấy được quê hương thứ hai/ Sau bức tường giải tỏa/ Tấm bản đồ quy hoạch tự nhiên" (Phía sau bức tường giải tỏa").
Và anh nhìn rộng ra bức tranh lửa cháy ở nóc nhà thế giới Himalaya:
"Lhasa vào mùa bạo lực
Khi đối diện với xiềng xích cực đoan
Những ngôi chùa hóa thành trụ sở
Những tu sĩ trở thành chiến binh
Vẫy cao ngọn cờ bằng lửa
Cháy! Cháy! Cháy!
Những em bé cởi truồng
Những thiếu niên quần rách
Những phụ nữ khăn tang
Quấn lên đầu giấc mơ độc lập
Chảy trong hồn giọt khát tự do"
(Lửa - trên nóc nhà thế giới)
"Chợt một ngày tôi nhận ra tôi
Từng lang thang dưới bầu trời chữ nghĩa
Tôi nghe được tiếng hát của mưa
Tiếng cười của nắng
Tiếng rên của mây
Tiếng buồn của đất
Tiếng núi đồi hoa cỏ yêu nhau!
Tôi nghĩ thế giới này có thể sẽ mất đi
Nhưng còn lại vần thơ nhân cách".
(Ngôn ngữ lên ngôi).
Nói về tập thơ "Biên bản thặng dư", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: "Phùng Hiệu còn là một nhà báo, đó cũng là lý do khiến anh quan sát đời sống này một cách chi tiết và trung thực. Anh đã đối mặt với những bất hạnh và bất công mà không hề sợ hãi, và anh đã thi ca hóa được những thô ráp, trần trụi của đời sống".
Trước "Biên bản thặng dư", Phùng Hiệu từng xuất bản 4 tập thơ, gồm: Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Trong thế giới ngụy trang và Dấu chân biển cả.
Chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Phùng Hiệu cho biết, tập thơ "Biên bản thặng dư" được anh sáng tác trong thời gian 5 năm. Nếu ở các tập thơ trước, Phùng Hiệu chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương thì đến tập thơ thứ 5, anh hướng ngòi bút của mình về những người công nhân, những người lao động.
“Với đặc thù công việc như thế nên tôi có điều kiện đi đến các công trường, đi thực tế ở các nhà máy, xí nghiệp, các công ty; nhờ đó, tôi nhìn thấy được những hoàn cảnh, số phận, những mảnh đời bất hạnh, những người công nhân lao động ngày đêm nhưng giá trị lao động không mang lại thành quả nào tương xứng cho họ. Thậm chí có những đứa trẻ không được đến trường, lang thang ngoài vỉa hè với những nghề như đánh giày, bán vé số, bán kẹo… Từ những hình ảnh đó, tôi tích lũy lại và chuyển hóa thành những bài thơ”, Phùng Hiệu chia sẻ.
Và cứ thế, chợt một ngày nhà thơ nhận ra mình đứng ở đâu, bên lề hay ở dòng xoáy cuộc đời... để biết mình không vô cảm với nỗi đau của người khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.