Nhà thơ Trần Đăng Khoa "châm ngòi", dân mạng tranh cãi về chữ Hiếu

Thảo Nguyên (Tổng hợp) Thứ sáu, ngày 06/01/2017 09:24 AM (GMT+7)
Sau bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ quan điểm Tết mà bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu, cộng đồng mạng lại tiếp tục dậy sóng tranh luận.
Bình luận 0

img

Tết là ngày sum họp cả gia đình, gói bánh trưng và chúc Tết ông bà.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Chơi tết là …đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái. Nó không còn là một niềm vui trọn vẹn. Niềm vui của sự đoàn tụ. Hay nói đúng hơn, nó vừa vui lại vừa buồn. Vui cho lũ trẻ mà buồn cho người già.

Vì thế, có không ít cụ già rất sợ Tết đến. Bởi cái Tết không còn vui nữa. Nó lạnh lẽo và hiu hắt lắm. Một năm chỉ có 365 ngày. Trong đó có đến 360 ngày bận mọn, tất tả. Con cháu đi làm ăn xa. Chỉ có 5 ngày Tết là chúng về. Chúng về, mới hy vọng được gặp cháu con. Gặp cháu con là đoàn tụ đại gia đình. Người già sống vì con, vì cháu. 

Với người già, ngắm cháu con ríu rít sum vầy vui lắm. Vui vì thấy được chính mình. Thấy tuổi thơ mình trong cháu. Thấy thời trẻ mình qua con. 

Nhìn gương mặt con cháu, thấy thấp thoáng hình bóng của mình và đâu phải chỉ có hình bóng của mình, còn thấy thấp thoáng cả gương mặt của bố mẹ, của ông bà, tiên tổ xưa. Hóa ra ông bà, tổ tiên đâu có xa.

Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Không phải  trong khói hương huyền ảo trên bàn thờ, mà trong vóc dáng gương mặt con cháu. Vì thế,  con cháu về là mang theo cả mùa xuân về. Đấy mới là mùa xuân đẹp nhất. Cho nên, không ngoa khi nói rằng, Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu.

Trong khi nhìn đời sống hiện đại hiện tại, không ít người già đã bị con cháu lãng quên. Hoặc có nhớ, thì chúng nhớ cũng như quên. Bởi chúng chỉ ghé qua bố mẹ, ghé qua ông bà.

Chúng thăm chớp nhoáng như một cách thực thi nghĩa vụ. Rồi thay cho việc chung vui Tết với bố mẹ, ông bà, chúng dúi cho ông bà, bố mẹ một cục tiền. Rồi chúng còn sắm cho các cụ cả một cái “a lô”. “A lô” đủ chủng loại. Cái để bàn. Cái di động. Lúc nào nhớ con, muốn gặp cháu con thì cứ “A lô”. 

Nhưng người già đâu có thích cái trò chơi trẻ ranh “A lố a lồ” ấy. Với người già, một đống tiền cũng chỉ là mớ giấy lộn. Có ăn tiêu gì được nữa đâu. Điện thoại thì chả khác gì cái ống nhổ. Trò chuyện với cháu con mà cứ phải dí mồm vào cái ống nhổ thì còn gì là lý thú…"

img

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu.

Sau bài viết trên của nhà thơ Trần Đăng Khoa, cộng đồng mạng cũng đã có cuộc tranh luận gay gắt.

Một số ý kiến đồng quan điểm với nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, Tết mà đi du lịch, đóng cửa nhà im ỉm không thắp hương lễ cúng 3 ngày Tết thì đánh mất truyền thống. Con cháu vi vu, 'bỏ đói' ông bà tổ tiên hay sao? Quanh năm đi làm ăn xa, bận rộn, nay có mấy ngày Tết thăm hỏi, sum họp gia đình, bà con, bè bạn, lại bỏ đi chơi.

Facebooker B.T cho hay, một năm rất nhiều ngày nghỉ lễ Tết để đi du lịch như: ngày 30.4; 1.5; ngày giỗ tổ Hùng Vương; ngày 2.9... nên ngày nghỉ cuối năm, Tết Nguyên Đán nên về với bố mẹ. Bởi, mình không chỉ đơn thuần là ở cạnh, hỏi thăm bố mẹ, mà còn có nghĩa vụ mang tiền về biếu bố mẹ sửa nhà, chữa bệnh…đấy là người con làm tròn bổn phận, có hiếu với cha mẹ.

Ngược với ý kiến ủng hộ về quê ăn Tết, rất nhiều bạn trẻ lại nghĩ khác, theo họ, sau vài năm làm tròn bổn phận làm con trong nhà, đã từng có những cái Tết suốt ngày ngập mặt trong cỗ bàn, bát đũa, phục vụ cúng kiếng rất phức tạp. "Từng vác bụng bầu đi 2.000 cây số về quê ăn Tết, đứng nấu ăn và ngồi rửa chén gần như từ sáng tới tối…thì đã đến lúc bứt ra khỏi nghi lễ, dù rất tôn trọng nghi lễ dịp Tết. Thế nhưng, hạnh phúc thật sự là không bó hẹp trong bất cứ khuôn khổ nào"- facebooker L.L tâm sự.

Facebooker T.H lên tiếng: “Chữ 'Hiếu' lớn nhất con cái có thể dành cho bố mẹ là sống tử tế và hạnh phúc, không nhất thiết phải ở ngay bên cạnh”.

Còn blogger Nguyễn Ngọc Long cho hay: "Người trẻ sống bằng tương lai, người già sống bằng quá khứ. Nếu đánh giá việc này, mình sẽ dựa trên việc các bạn có dung hoà được hai giá trị đó hay không, chứ không phải việc đi hay ở?".

Anh Long cho rằng, nhiều người ở nhà song không mang lại giá trị sum họp ngày Tết. Bên cạnh đó, cũng có người đi lại làm cho gia đình cảm thấy yên vui và ấm áp bằng cách nào đó. Cá nhân anh thì luôn cố gắng làm tròn bổn phận chăm sóc mọi người trong gia đình để "ngày nào cũng là ngày Tết sum họp, đoàn viên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem