Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nên in thành cẩm nang tác phẩm đạt giải

Danh Hùng (ghi) Thứ sáu, ngày 04/10/2019 18:45 PM (GMT+7)
Ban giám khảo không hề bàn với nhau, cũng không hề có cuộc họp nào, hoàn toàn là sự khách quan của người chấm, nhưng khi khớp lại với nhau thì kết quả rất tương đồng, nếu có sự chênh lệch cũng không đáng kể.
Bình luận 0

img

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Giám khảo Cuộc thi. Ảnh: Trần Quang

BGK của cuộc thi đều là những gương mặt quen thuộc mà ngoài đời họ cũng là những nhà văn, nhà báo gắn bó mật thiết với nông dân, am tường cuộc sống của nông dân. Họ có kinh nghiệm về viết báo, có kinh nghiệm tuyển chọn và cái nhìn nhanh nhạy để lựa ra được các tác phẩm nổi trội.

Cuộc thi là sáng kiến rất hay của Báo NTNN/Dân Việt, tạo ra sân chơi bổ ích cho nông dân. Từ đây, rất nhiều tấm gương sáng, kinh nghiệm làm ăn, các mô hình làm ăn tập thể hiện đại đã ra đời. Đó cũng chính là những phát hiện rất thú vị của các nhà báo – những người đã lăn lộn với nông dân – ghi lại thành những tác phẩm hấp dẫn, mới mẻ, đọc rất thích.

Tôi đặc biệt đánh giá cao các bài viết về nông dân ở những vùng sâu vùng xa, nơi mà ánh sáng điện lưới còn chưa vươn tới, giao thông không thuận lợi… thế mà ở đó đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương, cách làm ăn mới mẻ... Tôi cũng ấn tượng với tấm gương những nông dân nghèo khởi nghiệp. Với những người có vốn lớn vài chục, vài trăm tỷ đồng mà khởi nghiệp thì chẳng có gì đáng bàn cả, nhưng ở đây là những người đi lên từ 2 bàn tay trắng, hoặc từ 20.000 đồng như trong tác phẩm “Gã khùng lập công ty nuôi tôm khi trong túi chỉ có 20.000 đồng” của tác giả Bùi Hồng Liên. Với số tiền “mong manh” như thế mà trở thành tỷ phú được thì là điều quá đáng nể.

img

Hay như tác phẩm “3 hạt lạc, 11 khóm lúa và chuyện đời chuyện nghề CEO Trần Mạnh Báo” cũng là cách nhìn rất mới về doanh nghiệp, nhà khoa học – những người cũng dành nhiều tâm sức cho nông nghiệp, nông dân. Vai trò của họ cũng quan trọng lắm chứ, họ cũng là người đang từng ngày từng giờ lao động và góp phần xây dựng những cánh đồng no ấm.

Những câu chuyện như thế trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn lao, nó khiến người ta suy nghĩ khác, rằng: Ai cũng có thể vượt khó và làm giàu trên chính mảnh đất mình sống chứ không phải đi kiếm ăn ở xứ người hay ở đâu khác.

Tôi nghĩ sau mỗi một cuộc thi như thế này, Báo NTNN nên tập hợp các tác phẩm hay: Kể cả những tác phẩm chưa may mắn đoạt giải để in thành cuốn sách, coi đó như là cẩm nang làm giàu dành cho nông dân, cũng như chia sẻ cách tiếp cận đề tài làm báo, viết báo về nông dân – nông thôn dành cho các nhà báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem