Những đứa trẻ trung du...
Dù gần nửa thế kỷ đã qua, nhưng mỗi khi về làng, nhà văn Hà Phạm Phú vẫn tìm thấy hình ảnh của mình trong những đứa trẻ hôm nay. Tất cả trở thành nỗi khắc khoải trong tâm trí Hà Phạm Phú.
|
Chốn đi về của nhà văn Hà Phạm Phú tại làng quê Phú Thọ |
Ám ảnh thiếu thốn của Phú, không phải miếng ăn, mà đói sách, hết lớp 3 cậu và các bạn vẫn chưa từng được nhìn thấy, được chạm vào một cuốn truyện nào. Việc dịch chuyển từ rừng về làng khi hoà bình lập lại, là dấu mốc của một ấn tượng đẹp mãi mãi.
Trường Tiểu học Đan Hà là trường duy nhất của xã khi ấy, nhờ thầy hiệu trưởng, học trò mới biết cuốn truyện đầu đời. Thầy Hiệu trưởng Lăng đạp xe lên thị xã Yên Bái mua sách về đọc cho học sinh. Hà Phạm Phú nghe đọc, nuốt từng lời. Đó là truyện “Con nuôi của trung đoàn” (Liên Xô) và “Gương chiến đấu của thiếu nhi Việt Nam”... Một thế giới mới mở ra... Cậu thấy mình mê truyện từ khi ấy. Song, dòng họ, cả làng quê cậu, không ai ước mơ thành nhà văn.
Lên lớp 5, chú bé Phú xa nhà 10km, trọ học thị trấn Ấm Thượng - ở đó có xã, có ga mang tên này, đều nằm dọc sông Thao. Dịp hè, trở về nhà là chú phải giúp gia đình đủ việc. Rồi hết cấp 2, lớp 7, Phú định đi học trung cấp hoá chất, nhưng bố mẹ bảo cứ tiếp tục học lên nữa, bố mẹ sẽ gắng nuôi.
Mỗi lần về, lại thấy làng thay đổi cây trồng, theo các phong trào. Họ phá cọ, trồng cây sơn (nhựa sơn để vẽ tranh sơn mài), rồi phá sơn để trồng sắn, trồng chè. Bãi sông lúc nào cũng mướt ngô và những cô thôn nữ mặc váy, tắm sông mỗi chiều. Thời nào, hoàn cảnh nào, những con người Đan Hà đều sống lạc quan, yêu văn nghệ và nhân ái.
Những câu chuyện của mẹ, người phụ nữ tháo vát tảo tần 16 - 17 tuổi đã buôn vải ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) thực sự tác động đến anh. Đi nhiều, biết nhiều chuyện, lại ở một làng có tích về "ma cà rồng" giống người Chăm ở miền Trung (vùng Phú Thọ có một số bộ tộc người Chăm di cư ra theo lệnh Vua Lý), bà mẹ đã thổi vào con trai khả năng tưởng tượng theo những chuyện ly kỳ...
Làng của văn chương
Nửa đời người, 28 năm quân ngũ, nhà văn Hà Phạm Phú có tính nghiêm cẩn và chu đáo, nhưng tâm hồn văn chương vẫn chi phối tinh thần ông khiến con người này giàu chất nhà văn hơn là nhà binh. Năm 1990, từ Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, ông về Hội Nhà văn VN làm Chánh văn phòng Hội, lúc đó ông mới vào Hội Nhà văn. Đây là thời kỳ ông viết rất nhiều những tập thơ, tập truyện ngắn truyện vừa, dịch các tác phẩm của Trung Quốc.
Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome. Tôi nghĩ, những người nặng tình với quê hương, lại có quê đẹp, đi mãi cũng chỉ để trở về nơi chôn rau cắt rốn, trở về chính giá trị đích thực của đời người.
Làm Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn từ 1995 - 2008, ông là Giám đốc sản xuất của những phim truyện nhựa có tiếng vang: “Cạm bẫy tình”, “Ông cố vấn”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hà Nội Hà Nội”... Một phim truyện nhựa sắp ra mắt là “Vượt qua bến Thượng Hải” do ông viết kịch bản cùng nhà biên kịch Lê Ngọc Minh và GS Giả Phi (giảng viên ĐH Tế Nam, sống tại Quảng Châu, Trung Quốc) nói về thời kỳ 1933 - 1934, Nguyễn Ái Quốc từ Hongkong về Hạ Môn tới Thượng Hải, vượt biển bằng tàu thuỷ tới Vladivostock.
Hễ viết nhân vật, bối cảnh nông thôn, ông liền cho quê của nhân vật là ở làng Hạ Đan (gọi ngược của Đan Hà). Từ truyện có chất huyền ảo, ma quái, hay phong cảnh trữ tình, sinh động... đều là cảnh làng Hạ Đan. Quê hương trong sáng tác của Hà Phạm Phú đeo đuổi ông như món nợ ân tình, miền cảm hứng không hề vơi cạn. Năm 2001, ông ra tập truyện ngắn Chuyện người làng Hạ Đan (NXB Hội Nhà văn).
"Ngày tôi còn nhỏ, hươu còn về vườn. Nhà nuôi gà phải làm rào cẩn thận kẻo cáo bắt mất. Lâu lắm rồi có thấy bóng dáng con thú nào đâu. Đồi trọc. Làng vắng. Lâu không gặp nam thanh nữ tú, rặt người già, trẻ con" - nhà văn bùi ngùi tiếc nuối.
Năm ngoái, Hà Phạm Phú rút gia tài sách của mình 200 cuốn tặng thư viện xã. Mới đây, ông lại lái ô tô chở 500 cuốn sách về tặng Trường Tiểu học Đan Hà. Ông biết sau mình 50 năm, những đứa trẻ của làng vẫn đói sách. Báo Văn nghệ, Văn nghệ dân tộc và miền núi hưởng ứng, nhà thơ Trang Thanh xin sách NXB Kim Đồng... Vậy là báo, tạp chí, sách gom được chất lên xe. Thầy Hoà hiệu trưởng, cô hiệu phó và các giáo viên, học sinh đón nhận hân hoan.
Gọi người biết yêu...
Khi nghe nhà văn Hà Phạm Phú nói chuyện về làng cũ và ý định tặng sách cho trường cũ, tôi rất hồ hởi. Ông hẹn cuối tháng 9 này sẽ chở tôi và một hai nhà văn nữa về thăm làng ông, chúng tôi sẽ góp sách để tặng Đan Hà.
|
Nhà văn Hà Phạm Phú (phải) tặng sách cho Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Hà |
Đường làng thơm mùi khói mùi cây quả nơi trung du bình yên, được khởi từ buổi tối ở Thanh Xuân Nam (Hà Nội), nhà của "người làng Hạ Đan" Hà Phạm Phú trồng cây dạ hương 17 năm, rực mùi hương say đắm. Mỗi lần về làng, lại có một cảm xúc mới. Cảnh đẹp, người đáng yêu, làm sao không nhớ!Thực tình, lý do lớn nhất thôi thúc tôi muốn tới Đan Hà, lên vùng trung du ấy, là vẻ đẹp lưu truyền trong văn chương. Ước sẽ lại thấy những quả đồi kín cọ, rợp quýt trĩu quả...
Về làng, để được hồn nhiên thư thả, Hà Phạm Phú giữ tâm hồn như thời 17 tuổi, mà háo hức say mê. Cả huyện chỉ mình ông là nhà văn có tên tuổi. Không biết sau này, những đứa trẻ hôm nay lớn lên ai sẽ thành nhà văn viết tiếp chuyện Đan Hà và nhớ đến Hà Phạm Phú, người tặng sách cho chúng thời thơ ấu.
Tôi viết về Đan Hà từ khi chưa đến.
Nhiều văn nhân, nghệ sĩ đã đến và viết cái làng nên thơ này. Hà Phạm Phú đã và sẽ tiếp tục viết. Ông là người - đang - yêu...
Vi Thuỳ Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.