Trong không gian ấm cúng của một quán cà phê nhỏ tại Hà Nội tối 23.2, những bạn văn, nhà nghiên cứu - phê bình văn học và cả những bạn đọc vẫn luôn quan tâm đến sáng tác của Hồ Anh Thái nhiều năm qua đã cùng ngồi lại để chia sẻ sự quan tâm chung dành cho hai cuốn sách mới nhất của ông do NXB Trẻ ấn hành là “Lang thang trong chữ” và “Tự kể”.
Hai tác phẩm mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái vừa được NXB Trẻ ấn hành
Mở lời buổi gặp gỡ, người dẫn dắt chương trình - nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên không giấu được sự ngạc nhiên thú vị khi có dịp khám phá những câu chuyện đời, chuyện nghề qua những trang sách của một nhà văn kiêm rất nhiều công việc quan trọng: công chức ngoại giao, lãnh sự, và từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Hồ Anh Thái vốn là một người khá kín tiếng, nhưng hai cuốn sách lần này lại bộc lộ nhiều nhất con người riêng tư của nhà văn, với những hồi ức chân thật về thời chiến và thời bao cấp – nơi một đứa trẻ đã bước ra từ đó để thành một nhà văn tên tuổi, với những câu chuyện về nghề viết đầy ắp tinh thần nghiêm khắc của đòi hỏi sáng tạo…
Sau nhiều năm cộng tác cùng nhà văn Hồ Anh Thái và có chung nhiều chuyến công tác, nhà văn Lê Minh Khuê bày tỏ niềm vui trước thành tựu mà đồng nghiệp của mình đạt được, bà chia sẻ suy nghĩ về hai cuốn sách mới của Hồ Anh Thái. Theo đó, những trải nghiệm, những điều ông quan sát, nhìn thấy đã được tái hiện rất rõ, và hai tập sách của Hồ Anh Thái cho ta thấy hình ảnh của một người làm nghề luôn cẩn trọng trong từng câu chữ tiếng Việt và luôn luôn muốn tìm tòi để làm mới mình.
Còn PGS.TS. Bích Thu từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn học và của một giảng viên đào tạo cho biết, những tác phẩm của Hồ Anh Thái luôn thu hút sự quan tâm của các học viên cao học và nghiên cứu sinh, trở thành một trong nhiều đề tài được nghiên cứu, học tập trong các trường đại học. Mỗi tác phẩm của Hồ Anh Thái khi ra đời đều thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu phê bình và đặt ra những vấn đề có thể trao đổi, tranh luận và gợi mở mang tính học thuật.
Đặc biệt quan tâm đến tập tiểu luận “Lang thang trong chữ”, PGS.TS. Văn Giá khẳng định đây là tác phẩm giúp ích rất nhiều không chỉ cho người sáng tác văn chương mà ngay cả những cây bút làm báo, phê bình, đặc biệt là các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường văn học nghệ thuật rất nên tham khảo. Với tư cách là chủ nhiệm khoa Viết văn – Báo chí của trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ông tự “cam kết” sẽ phổ biến và khuyến khích những nhà văn tương lai đọc và học tập một cách nghiêm túc những điều mà nhà văn Hồ Anh Thái đã thể hiện trong cuốn tiểu luận này.
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái thì lại hết sức tâm đắc với cuốn “Tự kể” bởi tác phẩm giúp người đọc hiểu về con người đời thường của nhà văn. Cùng với việc đánh giá cao câu chữ của nhà văn Hồ Anh Thái, bà cũng mở rộng liên hệ với những cuốn tự truyện, hồi ký của những nhân vật gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua như hồi ký của Thương Tín “Một đời giông bão”, tự truyện “Lê Vân – Yêu và sống”,…
Tại buổi gặp gỡ, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cũng khẳng định: “Hai tác phẩm mới xuất hiện của Hồ Anh Thái đã cho người đọc thấy một Hồ Anh Thái vừa quen vừa lạ. Quen ở tầm văn hóa và giọng điệu trào lộng vốn là một thế mạnh của nhà văn. Lạ ở “Tự kể” khi gặp một Hồ Anh Thái trong sáng, dễ thương với những hồi ức về gia đình và tuổi thơ, qua đôi mắt của một người để dựng lại không khí của cả một thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng rất đẹp và đáng yêu, đáng nhớ”.
Vốn là một người hâm mộ tác phẩm của Hồ Anh Thái nhiều năm, nhà văn Trần Thanh Cảnh dịp này đã bày tỏ sự tri ân cảm kích khi nhà văn Hồ Anh Thái luôn khuyến khích, động viên và nâng đỡ anh – một người ngoại đạo văn chương, giúp anh thực hiện ước mơ của mình. Anh đặc biệt đánh giá cao khả năng đặt tên tác phẩm của Hồ Anh Thái. Trong khi đó, Th.S Mai Anh Tuấn đến từ trường Đại học Văn hóa bày tỏ mong muốn nhà văn sẽ có một tác phẩm gây được dấu ấn thật đậm nét trong sự nghiệp của mình, giống như “Thời xa vắng” của Lê Lựu hay “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Và bên cạnh chất trữ tình của “Tự kể”, anh cũng mong muốn nhà văn phát huy hơn nữa sự sắc nhọn của ngòi bút châm biếm giàu tính hài hước vốn rất thành công trước đó.
Không chỉ những bạn nghề trong giới văn chương chữ nghĩa mà cả những họa sĩ như Kim Duẩn và Đặng Hồng Quân cũng chia sẻ niềm vui và sự hứng thú khi được cộng tác với nhà văn Hồ Anh Thái để đưa đến bạn đọc một sản phẩm với bìa và hình minh họa hết sức độc đáo. Cả hai họa sĩ trẻ đều cho rằng được làm việc cùng nhà văn đối với họ như một “cái duyên”, một điều may mắn để tạo ra sản phẩm không chỉ có chất lượng về nội dung mà còn hấp dẫn cả về hình thức.
Kết thúc buổi giao lưu, những chia sẻ hết sức tình cảm và chứa đầy kỷ niệm của Hoàng Tuyên – một cán bộ công tác ở văn phòng Hội Nhà văn Hà Nội đã có 5 năm cộng tác cùng nhà văn Hồ Anh Thái - đã khiến mọi người không khỏi xúc động. Bà không nói nhiều về tác phẩm mà chỉ chia sẻ những hình ảnh đời thường của Hồ Anh Thái - một con người chu đáo, tình cảm và có trách nhiệm trong công việc.
“Lang thang trong chữ” gần như là một bút ký chuyện đời và chuyện nghề của Hồ Anh Thái – tác giả của hơn 30 tập sách đã xuất bản với nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận… – một người viết nhiều trải nghiệm, đã công tác ngoại giao tại nhiều nước, từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội… 376 trang sách là tập hợp của những “mẩu nho nhỏ” bày tỏ thái độ, quan niệm của tác giả về rất nhiều điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thực ra là đại diện cho văn hóa sống, văn hóa công sở… của người Việt Nam.
“Tự kể” là hồi ức chân thật về thời chiến và thời bao cấp qua đôi mắt, trái tim nhà văn, tái hiện cả một đời người, cả một thời. Những mẩu ngăn ngắn, những câu chuyện kể rù rì, thủng thẳng, ghép lại như bức tranh liên hoàn, hay như cuốn phim thời sự hấp dẫn về thời chiến tranh, thời bao cấp nghèo khổ mà không thấy khổ. Tưởng là chỉ kể thế thôi, nhưng hiện lên cả một thời, cả một đời người, và bao nhiêu chuyện khác nữa đằng sau con chữ. Một cuốn sách mang những kỷ niệm của một người thành kỷ niệm chung của nhiều người.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.