Nhà văn Hoàng Anh Tú: "Từ bao giờ phụ nữ lấy nhiều chồng trở thành tội nghiệt, đáng bị bạo lực?"

Nhà văn Hoàng Anh Tú Thứ bảy, ngày 26/06/2021 14:36 PM (GMT+7)
Diễn viên Hoàng Yến đã dũng cảm tố cáo việc chị bị chồng cũ đánh. Điều khiến nhà văn Hoàng Anh Tú kinh ngạc và phẫn nộ là không ít ý kiến cho rằng diễn viên này bị bạo lực "là đúng", việc cô ấy lấy nhiều chồng là "cái tội".
Bình luận 0

Dưới đây là bài viết nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ với Dân Việt về những định kiến đang "nuôi dưỡng" bạo lực trong đời sống chúng ta: 

"Một nữ diễn viên vừa gửi đơn tố cáo việc mình bị chồng cũ đánh. Bên cạnh những ý kiến lên án người chồng cũ đánh vợ ở nơi công cộng là sai trái thì có khá nhiều những bình luận cho rằng "Sao lại đánh cô ấy? Để cô ấy còn đi lấy chồng thứ 5 nữa chứ", rồi "Cô này lăng nhăng bị đánh là đúng rồi", hay "4 đời chồng rồi vẫn chưa biết sợ hay sao? Bị đánh thế này chắc biết tởn chuyện lấy chồng rồi nhỉ?". 

Có bình luận còn cay nghiệt hơn, của chính phụ nữ với nhau: "Bà này ngu. Chứ phải tay mình thì mình đập lại. Chẳng qua lấy đến 4 chồng rồi nên bị đánh không dám phản kháng lại thôi. Đã vậy còn là người nổi tiếng nữa. Sau lần này thôi nhé, đừng ngu nữa"…

Vụ diễn viên Hoàng Yến: Nhà văn Hoàng Anh Tú "Lấy 4 chồng, bị chồng cũ đánh là đáng?" - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Hoàng Yến tố bị chồng cũ đấm vào mặt, cầm dao đe đọa lúc 17h50 ngày 22/6 tại một quán ăn phường Xuân La, Hà Nội. (Ảnh cắt từ trang cá nhân của diễn viên Hoàng Yến)

Từ bao giờ việc một phụ nữ nhiều lần kết hôn là một tội nghiệt và nếu bị hành hung thì đó là lỗi của việc đã lấy nhiều chồng? Và từ bao giờ, việc hành hung một người khác là phải có lý do thích đáng thì mới lên án? Hay những quan niệm đàn ông đánh phụ nữ là sai nhưng phụ nữ đánh phụ nữ hay phụ nữ đánh đàn ông là "không có lửa sao có khói?". 

Muôn kiểu cổ súy cho bạo lực

Bạo lực có lý lẽ bao biện thì vẫn cứ là bạo lực. Nhưng với nhiều người, ở nhiều nơi, mọi người vẫn cổ suý bạo lực bằng nhiều lý do. Như tiểu tam cướp chồng là phải đánh. 

Như "gặp kiểu vợ thế này không cho vài cái bạt tai thì anh là thằng chồng nhu nhược, đội váy lên đầu". Như "thằng thầy giáo dâm ô ấy mà làm vậy với con em thì nhất là bét, em cho nó 1 xiên rồi đi tù cũng được"…

Nhiều lúc, đọc những bình luận trên mạng thật sự tôi thấy rợn người. Bởi tinh thần bạo lực của không chỉ cánh đàn ông, cả các chị em cũng sục sôi kinh dị. Một bức ảnh phụ nữ cầm dao hô hào chị em đi xử tiểu tam và kêu gọi chị em nào cần người đi đánh ghen cùng hãy nhắn trong nhóm nhận được hơn 20.000 yêu thích và bình luận khiến tôi vừa kinh sợ, vừa phẫn nộ. 

Nhân danh chính nghĩa, quá nhiều người coi việc đánh một ai đó là điều đúng đắn, nên làm và được ca tụng như… hiệp sỹ. Hay câu chuyện một phụ nữ đạp người đàn ông đánh vợ nổi tiếng một dạo khiến quán ăn của chị ta đông khách nườm nượp là một ví dụ. 

Cái thời bạo lực lên ngôi này là từ ai? Để rồi con cái chúng ta bạo lực học đường thì chúng ta đổ lỗi cho nhà trường, réo tên Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Trong khi chính chúng ta đang hàng ngày cổ suý cho bạo lực.

Tôi không phải là một nhà nghiên cứu xã hội học, chỉ là từ những gì tôi đang chứng kiến mỗi ngày, tôi không ngừng tự hỏi mình: Liệu có phải việc mạng xã hội ra đời chính là nguồn cơn khiến tình trạng bạo lực gia tăng? Liệu có phải mạng xã hội chính là nơi dung dưỡng những mầm ác bạo lực, xúi bẩy người ta thể hiện phần hung hãn ẩn giấu trong mỗi người, biến những sự thoá mạ người khác trở nên dễ dàng hơn? 

Ẩn danh khiến người ta dễ phơi bày sự xấu xí của bản thân

Khi tính ẩn danh trên mạng xã hội, con người núp sau màn hình, chỉ đối diện với bàn phím nên tự do bung toả phần xấu xí nhất của họ ra? Họ có thể làm được những điều mà nếu mặt đối mặt, giữa nơi công cộng, họ không dám làm, không được làm? Và sau đó, nó thành thói quen khiến họ ra tay đánh người ngoài đời mà vẫn nghĩ mình đang… trên mạng?

Nhiều người phản đối bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và cho rằng đó là xâm phạm quyền tự do ngôn luận, cho rằng đó là việc làm thừa thãi bởi gốc rễ vẫn là giáo dục ứng xử ngoài đời. Tôi không cho là vậy. Tôi vẫn cho rằng rất nhiều người lớn tuổi cũng cần được học lại về giao tiếp ứng xử trên mạng.

Và lũ trẻ của chúng ta càng cần điều đó trong những tiết học kỹ năng sống, giáo dục công dân. Nhất là khi Luật An ninh mạng đã có. Đừng để việc ai đó bị xử phạt là chuyện để nói với nhau mà không nghĩ đến mình, răn dạy người khác quên dặn dò bản thân.

Vụ diễn viên Hoàng Yến: Nhà văn Hoàng Anh Tú "Lấy 4 chồng, bị chồng cũ đánh là đáng?" - Ảnh 2.

Nhà văn Hoàng Anh Tú. (Ảnh: NVCC)

Từ câu chuyện một nữ diễn viên bị hành hung, thứ chúng ta cần nói với nhau là việc bạo lực là điều không được dù với bất cứ lý do gì. Kẻ hành hung cần phải bị nghiêm trị vì việc hành hung chứ không phải vì anh ta là chồng cũ thứ 4 của cô ấy. 

Đừng báo chí nào cần phải đưa lý do gã chồng đó vì sao hành hung nữ diễn viên nọ. Không lý do. Không bao biện. Không thông cảm. Không cả tình tiết giảm nhẹ nào đáng được đưa ra áp dụng cả. Hãy xử lý vụ hành hung đó như một vụ gây thương tích. 

Và thưa những ai đem câu chuyện nữ diễn viên nọ 4 đời chồng vào đây nữa, Luật An ninh mạng đã có, hãy đọc kỹ trước khi viết ra một bình luận. Bởi rất có thể, bạn sẽ phải chịu án phạt hành chính. Một bình luận cổ suý bạo lực, dù với bất kể lý do gì, là bạn đã góp một lá phiếu cho phép con mình, người thân của mình bị bạo lực trong một thời điểm nào đó mai này. 

Bởi dù bạn đang ngồi sau màn hình, không ai nhìn thấy bạn, nhưng môi trường xung quanh bạn, người thân của bạn là người thật. Con bạn sẽ nhận được những điều bạn đang cho phép nó xảy ra trong xã hội này". 

"Cuối cùng, thứ tôi thiết tha mong đợi vẫn cứ là mỗi người khi tham gia vào mạng xã hội, xin hãy dừng lại 6 phút sau khi đọc xong một bài viết, một bình luận, một hiện tượng. Đủ thời gian để cơn phẫn nộ hay cảm xúc tiêu cực dịu xuống. Rồi hãy bình luận hoặc bày tỏ ý kiến của mình. Đừng để tay phím nhanh hơn não bộ và huỷ hoại chính con người của bạn trong mắt mọi người xung quanh".

Nhà văn Hoàng Anh Tú


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem