Tôi đã tham dự lần này là lần thứ 4 Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, bắt đầu từ năm 2000-khi tôi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sinh hoạt tại Hội Nhà văn TP HCM.
Ấn tượng mạnh nhất của tôi trong đại hội lần này là nhà văn đã giải quyết được 2 vấn đề quan trọng: bầu BCH mới và bầu Ban Kiểm tra mới của Đại hội IX với một tinh thần dân chủ thật sự mới mẻ so với các đại hội khác.
Việc thảo luận dân chủ tại đại hội này nhằm đi tới thống nhất và đồng thuận về sự sửa đổi điều lệ của Hội Nhà văn thuộc đại hội trước, đã không còn cập nhật với đời sống văn học hiện đại. Và việc làm dân chủ này đã đạt được thành công trên ba vấn đề cơ bản: Để nhà văn trở thành hội viên Hội NVVN, nhất thiết phải có hai tác phẩm sách đã được xuất bản và phải được hai hội viên giới thiệu; nhà văn đã vào hội nhà văn Việt Nam thì không vào hội nhà văn khác chưa được nhà nước cấp phép hoạt động và công nhận.
Các đại hội trước, BCH sau khi được bầu mới, được tự bầu ra Ban kiểm tra, nhưng đại hội IX đã quyết định Ban kiểm tra được toàn thể đại biểu đề cử, ứng cử và bầu chọn ngay tại đại hội và không tính đến những đại biểu không có mặt. Tôi đã lên diễn đàn ủng hộ ý kiến dân chủ và mới mẻ này: “Ban kiểm tra cần hoạt động độc lập với BCH, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, hoạt động dựa trên tinh thần dân chủ của các nhà văn có mặt trong đại hội. Và phải bảo vệ tinh thần dân chủ này trong việc đề cử, ứng cử và bầu cử BCH!”.
Chính vì vậy, không khí dân chủ được dâng trào nay từ ngày làm việc thứ nhất và là không khí này đã thực sự xuyên suốt trong ngày làm việc thứ hai, khi đại hội đã đồng thuận đề cử, ứng cử, thậm chí có ứng viên đã từ chối việc đề cử. Kết quả danh sách 38 nhà văn được chốt lại để đại hội lựa chọn 15 nhà văn vào BCH mới. Nhưng kết quả cuối cùng đại hội đã chỉ bầu được 6 người có số phiếu quá bán. Vậy mà ngay sau đó, một rừng cánh tay đã giơ lên cùng biểu thị: “Chúng tôi nói không với lần bầu thứ hai, muốn giữ nguyên 6 người được bầu với lần duy nhất”.
Rõ ràng lần bầu này đã hiển thị kết quả nhỡn tiền, các nhà văn trong BCH mới đều tập trung ở Hà Nội và theo cách đùa vui của đại biểu: Cánh nhà văn này hầu hết là nhà văn quân đội, trừ Nguyễn Quang Thiều. Thế nhưng, có điều thú vị và bất ngờ là không có ý kiến nào phản đối từ nhà văn các địa phương khác. Đến như nhà phê bình lý luận Mai Quốc Liên của Tp Hồ Chí Minh còn nói với tôi: “Anh không thích bầu thêm một lần nào nữa, anh muốn giữ chỉ sáu người cho lần bầu duy nhất”.
TS văn học Nguyễn Thị Minh Thái. Ảnh: Thể thao & Văn hoá
Còn thi sĩ Mai Quỳnh Nam của đoàn nhà văn Hà Nội nói rất vui: “Đây là kết quả chói sáng của tinh thần dân chủ”. Các nhà văn tự quyết định lấy vận mệnh của chính mình, của BCH do chính mình bầu chọn, của ban kiểm tra do chính mình bầu ra. Như thế họ đã không vô can với xã hội và với chính sự phát triển văn chương Việt hiện đại.
Đối với tôi, có lẽ đây là đại hội nhà văn VN thực sự của thế kỷ XXI. Tất nhiên, trong quá trình diễn ra đại hội, vẫn còn đó chuyện đại biểu vỗ tay mời nhà văn phát biểu lê thê, dài dòng, thiếu thông tin và tính vấn đề, hoặc có nhiều hội viên mặc dù không tập trung trong quá trình đại hội-suốt ngày thích vui vẻ, chụp ảnh, gặp gỡ, chuyện trò…như có vẻ vô can với diễn biến của đại hội.
Đã có lúc, tôi những tưởng đại hội lần này cũng chỉ là nơi đồng nghiệp văn chương vui vẻ, gặp nhau đối thoại, thông tin…nhưng không ngờ mọi người vẫn hết sức chăm chú vào việc bầu cử và quan tâm đến những vấn đề thời sự văn chương nóng bỏng đặt ra từ đại hội. Ở đây, đã không còn sự hoang mang, do dự, và những “xung đột” nội bộ không đáng có trong một đại hội đại biểu của nhà văn và đặc biệt, các nhà văn đã tránh được thái độ vô cảm, vô can vẫn thường thấy xuất hiện trong các đại hội gần đây.
Trái lại, các nhà văn đều nhất quyết phải được bày tỏ thái độ bằng cách tham luận, cách đưa ra ý kiến trực tiếp, quyết liệt tại nghị trường hoặc bằng lá phiếu. Thế nên, các nhà văn đã xếp hàng rất hân hoan và kiên nhẫn để bỏ phiếu bầu BCH và Ban kiểm tra đến tận trưa muộn và chiều muộn…
Tuy nhiên, với những gương mặt ấy trong BCH mới của ĐHNV lần 9, theo tôi đây vẫn chưa phải là cuộc cách mạng về nhân sự của đại hội. Và 6 nhà văn này sẽ phải cùng nhau gánh vác rất nhiều công việc chung của một Hội nhà văn có tới hơn 1000 nhà văn tham gia. Vậy nên, tôi rất tiếc tinh thần dân chủ của đại hội chỉ đạt đến ngưỡng…neo người đến thế.
Và như thế, các nhà văn VN TK XXI, cho dù đã quan tâm đến số phận của chính mình, nhưng lại chưa quan tâm thật thích đáng đến một BCH hoàn hảo và có đủ số người gánh vác công việc của một Hội đông người…Đó cũng có phải là thách thức của sự phát triển cho BCH mới này chăng?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.