Với 30 năm cầm bút và quyết định dừng bút vào cuối năm 2014 này, ông cảm thấy sự nghiệp văn học cũng như mọi trải nghiệm cuộc đời này ra sao?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Hội thảo“Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt văn xuôi Việt Nam sau 1975” tổ chức ngày 6.12. Thanh Hà
- Tôi nghĩ thế giới chỉ nằm trong một bàn tay, bàn tay chính trị và bàn tay con người thực sự. Thế giới vẫn đi theo một quy luật duy nhất, đó là kẻ mạnh thắng người yếu. Ngay từ khi mới bắt đầu viết văn, tôi đã hiểu rõ điều này. Khi bước vào văn học, nếu tôi chỉ bằng lòng với một thân phận anh giáo bên núi, viết cho vui, sẽ chẳng có được sự nghiệp văn chương như bây giờ. Tôi đến với văn học, tôi thấy cuộc sống của tôi trở nên ngân nga và vợ con tôi tôn trọng tôi hơn, tôi có nhiều bạn bè hơn. 30 năm viết lách không phải dễ dàng và tôi bằng lòng với những gì mình viết ra.
Quan điểm
Văn học nhiều khi phải trả giá, mà sự trả giá ở đây đôi khi rất mù mờ mà khi kể ra cụ thể thì rất khó. Tôi cũng như nhiều người, cũng có đầy tật xấu này kia, mắc lỗi với vợ, con cái… cuộc sống là như vậy. Tuy nhiên để hiểu được đến đâu là điểm dừng thì chúng ta, mỗi người phải tự biết, có người còn phải học cả đời để nhận ra được điều đó...
Tôi nghĩ rằng, văn học là cuộc chơi khắc nghiệt, cuộc chơi sinh tử, nhưng cũng rất tuyệt vời vì nó hướng con người đến chân thiện mỹ. Tiếng nói của văn học là tiếng nói của lương tâm, của tâm linh. Tôi vẫn nói với các bạn trẻ, văn học là cuộc chơi khó khăn, muốn theo đuổi nó thì phải “chân chân chân, thật thật thật” chứ không phải “chân thật”. Cuộc chiến ấy không hề dễ dàng.
30 năm qua tôi đã tận tụy với văn học, đã đi theo nó và 30 năm ấy cũng là tất cả những gì mà tôi có. Tôi vẫn nhớ một câu nói của Cổ Long trong cuốn truyện chưởng “Ai uống rượu cùng tôi” là “Chỉ với một cây bút, mà cuối cùng tôi có tất cả, đến cả ngay sự tĩnh mịch là điều người ta không nên có thì tôi cũng có”.
Qua 3 thập kỷ với rất nhiều thành công trong văn học, ông nói rằng mọi vinh quang đều được xây dựng trên đau khổ?
- Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà bất cứ nhà văn nào cũng vậy, những vinh quang, những thành công đều được xây dựng trên đau khổ. Ở đời có một quy luật có phúc thì có họa.
Luật nhân quả là có thật, không phải tự nhiên người xưa hay nhắc về những bài học cuộc sống, trong đó người ta phải đối mặt với cuộc sống, với thiện - ác, hay - dở. Những điều tôi viết trong tác phẩm của tôi, thường được tôi viết trong những lần đau buồn. Ví dụ trong tác phẩm “Tướng về hưu” tôi viết khi tôi vừa đưa tang mẹ.
Văn học nhiều khi phải trả giá, mà sự trả giá ở đây đôi khi rất mù mờ mà khi kể ra cụ thể thì rất khó. Tôi cũng như nhiều người, cũng có đầy tật xấu này kia, mắc lỗi với vợ, con cái… cuộc sống là như vậy. Tuy nhiên để hiểu được đến đâu là điểm dừng thì chúng ta, mỗi người phải tự biết, có người còn phải học cả đời để nhận ra được điều đó.
Sống với văn chương chữ nghĩa là sống trong bể thị phi. Chữ nghĩa nó hóc hiểm vô cùng, nhiều khi người ta nói thế này mà lại là thế kia, và chuyện đó mình phải vượt qua bằng tất cả sự nhẫn nại, sự đau đớn của mình. Không phải mình không biết, nhưng mình vẫn phải gìm lại để đi tiếp, chỉ để sống thôi.
Nhìn lại quá khứ, khi sống giữa những dòng khen chê dữ dội, ông thấy như thế nào?
- Tôi không quan tâm nhiều lắm đến những khen chê. Khen tôi cũng không sung sướng gì hơn, mà chê tôi thì không ảnh hưởng gì. Trong cuộc đời tôi đã đối mặt với rất nhiều vinh nhục rồi.
Điều gì đã khiến một nhà văn với những tác phẩm lẫy lừng một thời như: “Tướng về hưu”; “Những người thợ xẻ”; “Thương nhớ đồng quê”... không muốn viết lách nữa?
- Tôi nghĩ làm gì cũng phải nghỉ, già rồi thì nên dừng, bởi cuộc đời đâu phải chỉ có văn học, còn bao nhiêu niềm vui hay công việc khác. Mặc dầu tôi cũng có rất nhiều vinh quang, hạnh phúc, nhưng xét cho cùng cũng bình thường như mọi người. Với lại mỗi người có một thế hệ độc giả, khó nói là những người trẻ sẽ cần tôi, họ cần một tuýp nhà văn khác. Mỗi thời một ngôn ngữ riêng của nó.
Có thông tin là ông vừa bán toàn bộ tác phẩm của mình cho NXB Trẻ với số tiền bản quyền khá cao? Và được biết ông còn một tác phẩm nữa chưa ra mắt?
- Không ăn thua, tôi tiêu hết tiền rồi. Tôi tiêu cũng hoang lắm. Đúng là tôi còn một tác phẩm “Bên kia rìa nước” viết cách đây 3 năm và đang ở nhà xuất bản, nhưng chưa được phát hành vì chưa xin được giấy phép. Đó có lẽ là cuốn sách cuối cùng của tôi.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.