1. Đã là nữ nhà văn, ngoài công việc viết, nhiều người trong số họ đã là những người vợ, người mẹ trong gia đình. Thế có nghĩa là, ngoài viết lách, các chị còn ti tỉ thứ việc phải lo, nào con cái học hành, nào nấu nướng, giặt giũ… Chẳng thế mà, trong buổi nói chuyện mới đây chỉ toàn là các nhà văn nữ, nhà văn Y Ban đến muộn 20 phút. Vừa tất tả đến, chị vừa phân trần, con trai tôi bị phạt vì tội đánh nhau trên lớp, thế là cả bố cả mẹ đều bị “triệu tập” đến trường.
Nhà văn Y Ban từng bỏ dở nghề Y để chuyển sang viết văn
Chia sẻ với nhà văn Y Ban, nhà thơ Phong Điệp, cây bút nữ được xem là bút lực dồi dào nhất nhì văn đàn chia sẻ: “Tôi đã từng rất khủng hoảng khi sinh 2 cháu gần nhau. Trước khi chưa có gia đình, tôi sáng tác về đêm. Nhưng khi có con nhỏ thì con lên giường mẹ cũng phải lên giường. Thế nên ban ngày tôi tranh thủ từng phút để viết. Khi ngồi chờ đón con trong quán cà phê, tôi cũng lôi máy tính ra gõ”.
Nói vậy để thấy, nếu văn chương phải đầu tư nhiều sức lực, thời gian, hao tổn tâm trí, các cây bút nữ xem ra phải gánh phần thiệt hơn rất nhiều so với nam giới khi vừa làm nghề, vừa tề gia nội trợ. Thế mà họ vẫn sống, vẫn viết, thậm chí, ngòi bút của họ mạnh mẽ chẳng kém gì nam giới.
2. Đằng sau những hào quang, danh tiếng đã được thừa nhận của các nhà văn nữ là những hy sinh mà họ phải đánh đổi. Nữ nhà văn - dịch giả Bích Lan là một trong những người như thế. Mọi người biết đến Bích Lan như một dịch giả với nhiều đầu sách nổi tiếng. Chị tâm sự đã từng âm thầm viết văn từ rất lâu, nhưng chỉ dám giấu ở đáy tủ, giữ làm “của chìm” cho mình. Từ một cô nữ sinh chuyên Văn yêu đời, nhiều hoài bão, đến năm lớp 8, chị buộc phải nghỉ học vì căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác. Chính căn bệnh này đã tước đi của chị cơ hội được đi đây đi đó, được trải nhiệm nhiều trong nghề viết, nhưng với Bích Lan, nhờ tài năng văn chương trời phú, sự chăm chỉ và tình yêu cuộc sống mới gắn chị với nghiệp cầm bút cho đến bây giờ.
Nữ nhà văn - dịch giả Bích Lan đã phải nghỉ học từ năm lớp 8 vì căn bệnh quái ác
Nói về con đường khởi nghiệp viết, chắc cũng không mấy ai biết những ngày tháng cơ cực của nhà văn Y Ban. Năm 1989, chị từ bỏ tương lai, tiền đồ xán lạn của một giảng viên Đại học Y Thái Bình để theo nghiệp viết. Quyết theo cái nghề mà theo nhiều người không đủ sống, lại mới về nhà chồng, gánh nặng cơm áo đè lên vai, chị hàng ngày vừa theo học viết, vừa đi… bán gà tần. Công việc mà chị coi là “công chức vỉa hè”, bởi chẳng ai biết đến chị là nhà văn, chỉ biết chị ngày cùng mẹ chồng ra đầu phố bán hàng để kiếm từng đồng tiền về cho gia đình.
Và đến sau này, khi đã thành danh, có lúc chị vẫn cảm thấy nhói lòng khi nghĩ về những người thân đã kề vai sát cánh cùng chị trong những biến cố về nghề. Năm 2007, khi cuốn “I am Đàn bà” của chị gặp những sóng gió chưa từng có. Người khen người chê, người tâng bốc, kẻ dè bỉu, chị bị tổn thương một, các con chị đi học cũng bị chúng bạn bàn tán. “Đôi khi sáng tác đi ngược lại đám đông khiến chúng tôi bị ném đá, thậm chí bị nhấn chìm. Áp lực với chúng tôi là quá lớn, nhất là sau lưng chúng tôi còn có một gia đình…” - chị chia sẻ.
3. Văn chương phải làm gì để sống trong lòng độc giả? Đó là băn khoăn trăn trở của nhà văn nói chung trong guồng xoáy nghiệt ngã của văn chương. Không ít cây bút đương đại là những gương mặt nữ đang chạy theo xu hướng tạm gọi là “shock”, “sex”, “sến” để cho ra đời những tác phẩm được “PR” rầm rộ, được tâng bốc hết lời, được độc giả săn đón. Nhưng đằng sau sự nổi tiếng nhanh, những thành công dễ dãi như lời của nhà văn Y Ban, những người đó thì văn chương còn lại gì.
Và trong cuộc chạy đua đó, người viết văn chân chính sẽ phải tự khẳng định mình. Xin mượn lời của nhà văn Bích Lan: “Độc giả khi lựa chọn một cuốn sách, có quyền được quên nếu nó xứng đáng bị lãng quên. Thời gian là bộ lọc, chỉ giữ lại những gì chúng ta cần. Tôi chỉ mong sáng tác của chúng tôi được độc giả coi như món rau nhà trồng. Lành mạnh mà ai cũng muốn ăn”.
Mai Anh (An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.