Nhà văn Thương Hà và hai cuốn tiểu thuyết mới đáng đọc

M.T Chủ nhật, ngày 17/07/2022 13:55 PM (GMT+7)
Hai tiểu thuyết mới nhất của Thương Hà – "Vùng biên không yên tĩnh" và "Những oan hồn bất tử" khiến người đọc ngạc nhiên về ý thức viết đề đề tài hậu chiến và tâm linh ở một nhà văn trẻ thế hệ 8x.
Bình luận 0

"Vùng biên không yên tĩnh" viết về chiến tranh biên giới và "Những oan hồn bất tử" viết về tình yêu và nạn nạo phá thai đã và đang tạo nên những vết thương trong nhiều gia đình Việt.

Nhà văn Thương Hà và hai cuốn tiểu thuyết mới đáng đọc - Ảnh 1.

2 cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn 8x Thương Hà

"Những oan hồn bất tử" với 300 trang sách viết về nạn nạo phá thai ở các cô gái trẻ. Những cô gái say sưa trong cuộc tình trung học có thể dâng hiến tất cả cho người yêu, nhưng khi đối diện với hậu quả có thai thì họ ngơ ngác, còn cha mẹ thì lập tức đòi phá bỏ đứa con đang mang trong bụng. Rồi ký ức đau đớn bị xóa nhòa, khi trưởng thành, chuẩn bị bước vào hôn nhân hay tình yêu mới, họ lại chợt bị ám ảnh vì những đứa trẻ vô hình không ngừng theo đuổi, đeo bám họ trong tiềm thức. Chỉ sự hối hận chân thành và lời cầu xin tha thứ tận đáy lòng của những người phạm tội mới có thể giúp đứa trẻ siêu thoát, và cứu mạng người mẹ…

"Nhà văn Thương Hà học chuyên ngành luật và tâm lý, có lẽ vậy nên các nhân vật trong Những oan hồn bất tử được tác giả khai thác và diễn đạt tâm lý rất lôi cuốn. Dù đề tài viết về nạn nạo phá thai nhưng tiểu thuyết này, tất nhiên không phải là một bản báo cáo, mà lột tả được số phận của nhân vật. Các nhân vật như Linh, như Hoài có thể là bất kỳ cô gái nào trong cuộc đời này", nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn nhìn nhận.

Nhà văn Thương Hà và hai cuốn tiểu thuyết mới đáng đọc - Ảnh 2.

Nhà văn Thương Hà ra nhiều tập sách liên tục

Còn cuốn tiểu thuyết "Vùng biên không yên tĩnh" của nhà văn Thương Hà dắt độc giả vào một không gian khắc khoải và trầm. Câu chuyện quá khứ khắc khoải trong trầm tư, và câu chuyện số phận trầm tư trong khắc khoải. Một tác giả sinh ra trong hòa bình như Thương Hà, dám động bút vào đề tài hậu chiến đã là một thử thách đáng ái ngại, không ngờ chị lại viết rất khéo và viết có văn.

Nhà văn Thương Hà và hai cuốn tiểu thuyết mới đáng đọc - Ảnh 3.

Nhà văn Thương Hà: Viết như một nhu cầu tự thân.

Nhân vật chính - Bình, một nhà văn bị ám ảnh vì những ký ức thời chiến tranh biên giới Tây Nam, bị hội chứng sợ bẩn, lúc nào cũng phải rửa tay thật sạch. Rồi những cơn ác mộng về sự ra đi của đồng đội hay bạn bè bị thương.

Và ông không ngừng tranh luận với thần Rắn với ngổn ngang truy vấn không thể can thiệp bằng cái khóa an toàn của khẩu súng hay cái chốt an toàn của trái lựu đạn: "Lịch sử không thể thay đổi những tội ác mà các người đã gây ra. Nhưng lịch sử sẽ phán xét những tội ác của các người đã để lại".

Nhà văn Thương Hà và hai cuốn tiểu thuyết mới đáng đọc - Ảnh 4.

Chân dung nữ nhà văn Thương Hà

Ám ảnh chiến trường Campuchia cồn cào hơn, càng dữ dội hơn khi Bình có chuyến đi Hà Giang cùng đồng nghiệp Hoàng Mai thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam từng được nhiều nhà văn cựu binh thể hiện như "Miền hoang" của Sương Nguyệt Minh, "Mùa xa nhà" của Nguyễn Thành Nhân, "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn, "Đất K" của Bùi Quang Lâm... Vậy mà, tác giả Thương Hà vẫn tìm được một góc độ riêng để viết. "Vùng biên không yên tĩnh" của Thương Hà nhẹ nhàng, linh hoạt mà cũng đầy day dứt.

Tiểu thuyết của Thương Hà không gợi lại vết thương chiến trang để thêm đau đớn mà dự phần hóa giải tang tóc và thù hận. Bình để lại lá thư: "Mấy chục năm đã đi qua, tôi sống mơ hồ trong quá khứ và thực tại. Tôi mù mờ đi tìm một giá trị, một lý tưởng mà kỳ thực bản thân mình đã bỏ quên. Tôi hoài nghi về những ý nghĩa mà người ta thường ra rả nhắc tới. Để rồi cuối cùng, khi đã gặm nhấm đủ nỗi đau của bản thân, tôi nhận ra thế giới này đang đi về hướng mà tôi vẫn hằng tìm kiếm. Con đường để đi đến một thế giới hòa bình".

Thương Hà cho biết cô viết như một nhu cầu tự thân, không mưu cầu gì khác ngoài được trải lòng thành câu chữ. Viết với Thương Hà còn là "để chơi" như mỗi chúng ta đều có thú vui, niềm đam mê vậy.

"Khi viết, tôi chỉ mong được in thành sách và để các cuốn sách của mình bên cạnh sách của bố tôi" – Thương Hà chia sẻ.


Tác giả Thương Hà tốt nghiệp chuyên ngành luật và tâm lý học, vài năm gần đây chị đã xuất bản các tiểu thuyết "Người PTSD", "Bóng đêm của Diệu", "Một con đường", "NALIS xô dạt bờ định mệnh"...

Với tiểu thuyết "Vùng biên không yên tĩnh", tác giả Thương Hà chứng minh chị đủ bản lĩnh để viết được đề tài gai góc như hậu chiến với thông điệp tự tin chưng cất qua số phận mỗi nhân vật: "Cái lịch sử trên trang sách chỉ là những thứ mà người đời muốn con cháu mình đọc mà thôi. Lịch sử thật sự chính là những người như chúng ta đây".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem