Thi pháp và nhân vật, một thành công lớn về "Lốc xoáy" của nhà văn Võ Minh

Lê Đình Hoà Thứ sáu, ngày 17/06/2022 13:56 PM (GMT+7)
Dòng văn học hiện thực phê phán của nước ta từ giai đoạn 1930 – 1945 nở rộ nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết sáng giá về góc độ thi pháp và nhân vật. Là bức tranh phản ánh chế độ bất công mà trong đó đáng thương nhất là người cùng khổ.
Bình luận 0

Sau cách mạng tháng 8/1945, truyện và tiểu thuyết tập trung viết về những con người anh hùng trong lao động sản xuất và chiến đấu. Văn chương phải là khen, phải là ca ngợi. Đọc "Lốc xoáy", ta phần nào nhớ lại "Cái sân gạch" và "Vụ lúa chiêm" của Đào Vũ. Nhưng Đào Vũ chỉ tô điểm, cổ động cho con đường làm ăn tập thể, tập đoàn trong phong trào hợp tác hóa. Nhân vật lão Am, người nông dân chất phác bị coi là tự tư tự lợi, một lực cản phong trào. May ra có le lói nhân vật trẻ tiến bộ là Trọng, con Lão Am.

Cùng thời điểm trước và sau đó cái đáng viết…? Một đòi hỏi khách quan của văn chương khi viết về cuộc cách mạng cải cách ruộng đất và hệ lụy kéo dài của nó thì không nhà văn nào dám cầm bút. Gần 70 năm rồi, để hôm nay ta mới có trong tay cuốn "Lốc xoáy" của nhà văn Võ Minh.

Thi pháp và nhân vật, một thành công lớn về Lốc xoáy của nhà văn Võ Minh - Ảnh 1.

Nhà văn Võ Minh - tác giả của tiểu thuyết "Lốc xoáy". Ảnh: NVCC


Bởi, văn chương trước và sau cách mạng tháng 8/1945 đều hướng về "Văn đi tải đạo" và "Thư ký của thời đại". Nhân vật trong tác phẩm hầu hết là những con người trong sạch, lành lặn và có chất anh hùng, nhằm phục vụ cho chế độ mới, cuộc sống mới. Gần đây ta mới bắt gặp Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp... cho ta cái nhìn mới lạ về số phận nhân vật thời đương đại.

Ở Võ Minh, với "Lốc xoáy" đã táo bạo đưa lên màn hình những nhân vật vừa có "tiền", vừa có "hậu", cả những nhân vật có "tiền" mà "vô hậu", hoặc chỉ "có tiền có kết". Thật đa dạng! Đó là cái lạ trong xây dựng tính cách nhân vật.

Xưa nay trong văn tự sự, tiểu thuyết nhân vật đều được phân chia 2 tuyến chính diện và phản diện. Trong "Lốc xoáy" lại chia thành đa tuyến. Phe tương đồng như Ngô Kiểm đội trưởng cải cách ruộng đất, sát theo sau là những nhân vật cốt cán Du, Mận, Xuân, Xoan và con cháu của họ. Phe tương phản là những địa chủ Nguyễn Văn Năm, Lê Văn Bá, Lê Văn Hàm, Hoàng Thị Mùi, Lương Văn Hợi, Lương Văn Quyến. Trong đó có đến bốn địa chủ bị tử hình. 

May mắn cho địa chủ Nguyễn Văn Năm, trước đó ông đang bị trói chặt vào cọc xử bắn, nhưng đã thoát chết ngoạn mục, vì được Chánh án tha trong trường hợp hỏa tốc. Ông Năm là Đảng viên Cộng sản Đông Dương, từng có nhiều công lao cho quê hương, đất nước. Những địa chủ còn lại cũng không đáng là địa chủ, vì chưa có ai là kẻ có tội với nông dân. Họ giàu có là do tự mình làm nên, mà không hề cướp của ai… Oan trái khắp vùng quê, không chỉ riêng một xã Đức Lộc. Đau xót nhất cho những người gọi là có của đó đã bị những kẻ như Xuân "lắc", Xoan "trầu"… vừa tố vừa tát vào mặt họ. Cho dù họ hoàn toàn vô tội mà còn là ân nhân một thời của chúng nó.

Võ Minh còn cho thêm tuyến nhân vật trung gian vừa tích cực vừa tiêu cực, tiêu biểu như Hoe Quýnh, Hoàng, Minh Quang, Tạo, Hoa, Lãng, Hùng "lì", Kiều Trinh… Hoàng Kiền, Bí thư tỉnh ủy, ông quan to nhất tỉnh cũng có mặt. Một số nhân vật là con em thuộc các gia đình vừa chính diện vừa phản diện. Nhưng với tiểu thuyết bao giờ cũng xoay quanh nhân vật chính, nhân vật trung tâm. 

Với "Lốc xoáy", họ là những cốt cán cải cách ruộng đất và hệ lụy kéo dài được thăng chức quan to, quan nhỏ trong bộ máy quản lý Nhà nước. Trong đó không ít gia đình quan mà "Cha ăn mặn, con khát nước". Khi xây dựng tính cách nhân vật, tác giả đã nhận thức: "Lịch sử chỉ là những giá trị đã ổn định, chỉ cho người ta chiêm ngưỡng trong thời điểm nhất định, mà con người không nên và không được trở thành nô lệ của những hào quang lịch sử. 

Con người phải đủ sức mạnh và lòng quả cảm, cao hơn sự ngổ ngáo mới thoát khỏi những tinh thần "đã chết". Tác giả "Lốc xoát" đã vượt xa dần "Thư ký của thời đại – Balzac" để có một Võ Minh cùng những nhân vật khác người. Chính diện đã thành phản diện. Tố khổ địa chủ là bóc lột là xấu xa, nhưng mình lại là kẻ tệ hại nhất. 

Mọi tuyến nhân vật được đều trải dài theo không gian và thời gian nghệ thuật trong suốt 30 năm. Không gian chính, không gian phụ được đan xen tạo nên những mảnh ghép nhân vật lý thú. Ngô Kiểm là ai? Có đáng tôn vinh không? Gốc ông ta từ một cán bộ miền Nam tập kết, trước khi lên đường ra Bắc đã có vợ và hai con trai. 

Khi ra Bắc, ông ta chỉ mang theo mỗi một Ngô Trung đi cùng. Ngô Trung, sau này anh là một chiến sĩ đặc công, đã hy sinh khi trở về miền Nam chiến đấu. Trình độ của Ngô Kiểm cũng không là bao chỉ làm đội trưởng, nhân vật "chỉ đâu đánh đó". Khổ nỗi, cả hệ thống chỉ đạo cải cách đều ham thành tích, ham khen thưởng. Họ đề ra phải có 5% trong số dân một xã là địa chủ, trong đó phải có ba đến bốn án tử hình. Kiểm lo sốt vó.

Lão Ngô Kiểm này lại háu gái. Chớp lấy cơ hội khi Du "him", chồng Mận đi uống rượu thịt chó thâu đêm ở nhà Xuân "lắc"... Cơn dục vọng đã đưa Ngô Kiểm đến với vợ Du. Hai người vội vàng quấn quýt lấy nhau, Kiểm trên, Mận dưới, được ví như "cơn mưa đầu mùa, ếch nhái, ễnh ương gọi tìm nhau giao phối".

Cái kết sau ngày thống nhất đất nước, Khánh Hòa, từng là con của Du và Mận, giờ lại được Ngô Kiểm nhận là cha đẻ của mình. Thực ra, ngay từ khi Khánh Hòa mới chào đời, Du "him" đã nghi ngờ đứa con đó không hề giống lão chút nào. Quả là linh tính!

Sau chục năm ở trên đất Bắc, Ngô Kiểm mất liên hệ với người vợ là Hai Thương, bị kẹt lại ở miền Nam sau cái đêm chia ly ấy. Không thể chờ đợi thêm, ông đã lấy bác sĩ Ái Liên làm vợ… Trong ngày thống nhất đất nước, Ngô Kiểm được trở về với gia đình, gặp được ba má… Nhưng cũng bắt đầu từ đây mối gắn kết của ông với gia đình, máu mủ ruột rà lại bị chia rẽ và tan tác. "Ngô Kiểm lấy tay ôm lấy ngực, gục đầu xuống nghẹn lời… Nỗi đau xé nát tâm can ông vì đã để mất ba, mất má, mất hai đứa con, mất vợ, mất em...". Thật có "tiền" mà chỉ có "kết". Nỗi đau này vì chiến tranh và vì cả chính mình.

Những nhân vật cốt cán như Mận, Xuân, Xoan, tiêu biểu nhất là Du là những nhân vật trung tâm của "Lốc xoáy". Du "him" là ai mà sau trên 20 năm đã là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hình thù lão ta như thế nào? Hãy nghe Mận mắng Du, khi nghi ngờ đứa con gái Khánh Hòa không giống mình: "Vớ va vớ vẩn! Giống lão mới đáng sợ! Báu gì đôi mắt him và bộ răng hô lúc nào cũng chìa ra. Chứ giống Ngô Kiểm thì phúc nhà mình quá đi rồi". 

Quá khứ Du từng là một tay hoạn lợn, đã có lần ăn trộm gà hàng xóm. Cải cách đã đẩy ông ta lên xã đội phó, Phó Chủ tịch xã kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã bậc cao, Bí thư Đảng Ủy xã …. Rồi Phó Chủ tịch huyện, Chủ tịch huyện, Phó chủ tịch tỉnh. Ông ta chỉ kết thúc khi cái chết đến lãng xẹt, do tai nạn giao thông. Thời đương chức, Du cùng ban chủ nhiệm HTX đã thông đồng kê khống công điểm gián tiếp để cướp thóc gạo xã viên. 

Khi đã là Phó Chủ huyện, ông ta từng tranh giành chức Chủ tịch với đồng nghiệp bằng những thủ đoạn mưu hèn, kế bẩn. Đáng xấu hổ là Du đã mua chuộc biếu ông Huyện đội để cho thằng con vào lính, mà không phải ra trận tiền. Để thực hiện được mưu đồ đó, ông ta đã giúi cho Lãng, thằng con ngố ngáo ham chơi của mình một bịch máu tươi, để viết quyết tâm thư nhập ngũ. 

Lãng có đi bộ đội thì ông ta mới được làm Chủ tịch huyện. Đi đêm, biếu ông Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh để tranh chấp chức Chủ tịch huyện với ông Luận. Ngay khi đã là Phó Chủ tịch tỉnh, vẫn dùng mưu kế hiểm cho Lãng gặp Bí thư tỉnh ủy để thành lập Công ty Xuất khẩu gỗ. Đổi lại, Lãng đã mất cho ông Bí thư tỉnh Hoàng Kiền 4000 USD…

Xuân "lắc" là một tay lèo lá, láu cá, gian dối, háu gái không chỉ với Xoan "trầu" mà cả với Lan "rượu". Xoan "trầu", vốn là kẻ đanh đá, chua ngoa, dữ tợn, bất chấp tất cả, miễn là đạt được cái "lợi" cho mình. Còn Mận không xuất hiện nhiều, nhưng cũng là con người mưu kế, tham lam. Ăn nằm với Ngô Kiểm cũng mong được cấp một căn nhà gỗ, mái lợp ngói. 

Thành công của Du từ một tay hoạn lợn leo dần lên đến chức Phó Chủ tịch tỉnh đều nhờ mưu sâu, kế hiểm của mụ Mận. Những cốt cán này đã từng làm mưa làm gió một thời tại xã Đức Lộc trong phong trào hợp tác hóa. Như Xuân "lắc" leo lên chức chủ nhiệm, kết cặp với Xoan "trầu" là đội trưởng của một đội lớn. Bọn chúng từng gian đối công điểm gián tiếp để cướp thóc gạo của xã viên… 

Bọn chúng là những kẻ hách dịch, tham ô hủ hóa với nhau, thao túng, làm mưa làm gió cả một thời. Khi còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, Xuân "lắc" đã đúc chì vào quả cân cho nặng thêm. Bởi thế, mỗi lần người dân đem lợn đi bán bán đều bị mất cho hắn ta từ hai đến ba cân lợn hơi trên đầu con. Gian ác, tham lam tàn bạo là vậy, nhưng kết cục cuối đời Xuân "lắc" đã bị chồng Xoan "trầu" chém đứt gót, khi ông ta bắt quả tang hai đứa đang ăn nằm với nhau trong nhà kho. 

Cuối cùng Xuân "lắc" và Xoan "trầu" đều mất hết chức quyền để trở với hai bàn tay trắng của ngày xưa. Xuân chết trong đơn độc, xơ xác, đói nghèo vì bệnh hen suyễn. Trong một lần đi viếng mộ, vợ chồng Minh Quang và những người rất hoảng sợ khi được Tạo cho biết: "Trong ngôi mộ Xuân có nhiều rắn độc". Ghê sợ quá! "khi Xuân chỉ còn bộ xương khô dưới ba tấc đất vẫn còn hù họa người đang sống".. Một chi tiết lạ mà hay! 

Hùng "lì", con Xuân đã trở thành kẻ chuyên nghề bảo kê. Hắn xuất thân từ băng cướp, từng bị ngồi tù sáu năm. Sau này Hùng "lì" làm bảo kê cho Công ty Lãng và Kiều Trinh. Mưu "què" con Xoan "trầu", từng là niềm tự hào, hy vọng của bà ta, nhưng kết cục lại là kẻ tham ô, ngổ ngáo, vào tù ra tội.

Đáng nói đến nhân vật Lãng, vốn là tên láu cá, lươn lẹo lại núp dưới bóng quyền thế của cha mình. Hắn ta là một tay lợi dụng cơ chế, "chung chi" nổi tiếng để " Đục nước béo cò", kiếm tiền rất béo bở của thời làm ăn theo cơ chế thị trường, nên trong kinh doanh hắn "phất" lên rất nhanh. Nhưng cái kết lại tan nát do thua lỗ, nợ hàng chục tỷ vì bị lừa. Phải chăng "của thiên trả cho địa". Con đẻ và người thân thì hắn thẳng tay đuổi đi, để chăm bẵm nuôi con cho "tu hú". Lấy Kiều Trinh làm vợ (nhân vật do Lý Tàu cài vào) để cuối cùng Lãng trắng tay, mất tất cả. Đấy là một cảnh báo cho những ai khi quan hệ, làm ăn với nước ngoài.

Có một nghịch lý khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm của Võ Minh, đó là càng làm quan to càng hách dịch, càng tham lam, vơ vét không thương tiếc. Tiêu biểu như Bí thư tỉnh ủy Hoàng Kiền, một người mà hàng triệu người tưởng như đáng ngưỡng mộ, kính nể lại rất tồi tệ. Lão ta từng im lặng cho vợ nhận hối lộ của Lãng để xin mở Công ty xuất khẩu gỗ. Và khi công ty nổi lên giàu có, lão đã từng được chia 4 tỷ… Ngay đến như những đứa con của lão, cũng có lần nhận cả một chiếc xe Cam-ry do Lãng đút lót.

Đọc "Lốc xoáy" với nhiều nhân vật lớn, bé chằng chịt, xen cài nhau, nhưng mỗi người đều có số phận riêng biệt. Ngay như những nhân vật trung gian, tiêu biểu như Minh Quang con trai địa chủ Năm, Thìn con Hoe Quýnh đã trở thành những chiến sĩ đặc công quả cảm chưa từng thấy trong mặt trận Tây Nguyên, trong không gian thời chiến tranh. 

Có lẽ, đây là một bức tranh nhân vật hào hùng, tài giỏi và mưu kế trong chiến trận. Minh Quang, sau đó đã tu nghiệp nước ngoài, trở thành cán bộ cao cấp, giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược kinh tế Trung ương. Minh Quang mang đậm dấu ấn cho những nhân vật trung tâm điển hình hóa. Thành công lớn chính là tác giả đã đưa ngôn ngữ trần thuật qua các thủ pháp: lúc thì trực tiếp, nửa trực tiếp, lúc chuyển từ nhân vật này để minh họa, mô tả nhân vật khác. 

Nhiều đoạn đối thoại giữa hai hoặc ba nhân vật rất hay, qua đó làm rõ dần chân dung từng nhân vật, mỗi người một vẻ. Có lúc dùng ngôn ngữ "nhái lại", hoặc mạnh mồm cho cả ngôn ngữ "thiếu văn hóa" để  miêu tả những cán bộ nam nữ đĩ thọa với nhau. Đây là thủ pháp tả thực được tác giả khai thác táo bạo. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm, gần nghĩa với văn chương dòng ý thức được tác giả khai thác như cùng thời với Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, những nhà văn đã tuyên chiến với văn chương tự sự cổ điển. Để làm sâu sắc hơn tính cách nhân vật, Võ Minh đã khai thác các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa đến nỗi con chó, con ếch như là một nhân vật.

Đọc "Lốc xoáy" với ngót 500 trang sách thật lý thú. Diễn tiến sự kiện và con người viết từ cải cách ruộng đất và hệ lụy sâu xa kéo dài 30 năm, có thể coi đây là một vết thương âm ỉ trong mọi người có lương tâm. Những nhân vật tốt không nhiều vì sao? Và một thời mà xã hội bị thụt lùi cũng bắt nguồn từ cuộc cách mạng "Long trời lở đất" máy móc, giáo điều đến làm liều. Hãy coi LỐC XOÁY là bài học cho mọi nhà lãnh đạo, quản lý xã hội, đừng có bao giờ lặp lại.

 Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 24/04/2022 - bài viết của nhà giáo Lê Đình Hòa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem