Nhà văn Trần Huy Quang sinh ngày 9/1/1943 tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng là bộ đội pháo binh. Sau giải ngũ, ông trở thành phóng viên rồi sau đó làm Biên tập viên tuần báo Văn nghệ.
Nhà văn Trần Huy Quang để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu, có thể kể tới: "Sự trắc trở đã qua" (1984); tiểu thuyết "Ngày mai" (1985); tiểu thuyết "Ngọn khói" (1986); tập truyện ký "Người làm chứng" (1988); tiểu thuyết "Khúc hoàn lương" (1995); tiểu thuyết "Những cô gái Đồng Lộc" (1998)...
Không chỉ gây chú ý ở mảng truyện ngắn và tiểu thuyết, các phóng sự của nhà văn Trần Huy Quang như "Câu chuyện về ông vua lốp" và "Lời khai của một bị can" cũng từng gây xôn xao dư luận bởi sự dấn thân, cách tiếp cận vấn đề mới lạ, hấp dẫn. Trong đó, "Câu chuyện về ông vua lốp" đoạt giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1986 và bút ký "Lời khai của một bị can" được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.
Sự ra đi của nhà văn Trần Huy Quang để lại niềm thương tiếc với đồng nghiệp và nhiều thế hệ độc giả. Trong bài viết tiễn biệt nhà văn Trần Huy Quang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Những năm tháng làm việc cùng cơ quan với ông, tôi chưa thấy ông nổi giận với đồng nghiệp trong cuộc sống và công việc bao giờ. Nhưng tôi thấy lương tâm ông luôn nổi giận. Xin cúi đầu tiễn biệt ông".
Trong khi đó, tác giả Vương Tâm khẳng định, văn chương của nhà văn Trần Huy Quang là "sự mơ mộng đến không cùng của một tấm lòng hướng thiện cầu mong cho cuộc sống an lành", như lời tự bạch của ông trong tác phẩm "Khoảng trống": "Để nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, nâng tôi lên trong cơn tuyệt vọng, đưa tôi vượt qua sự chán nản và đừng ngã lòng trước những hiểm họa và thất vọng" (Khoảng trống - 2008).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.