Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ "Từ Dụ Thái hậu"

Minh Thi Chủ nhật, ngày 27/09/2020 16:22 PM (GMT+7)
Bên cạnh mảng sách giáo dục được quan tâm, mảng sách văn học năm nay đã có chủ - nhà văn Trần Thùy Mai với bộ sách "Từ Dụ Thái hậu". Ở mảng văn học dịch, dịch giả Dương Tường nhận giải Sách hay với cuốn "Chết chịu" của Céline.
Bình luận 0

Tiếp nối thành công của 9 mùa giải trước, Lễ công bố Giải Sách hay lần thứ X - năm 2020 do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức đã diễn ra vào sáng 27/9 tại khách sạn Rex (TP.HCM).

Giải văn học đã có chủ

Nếu như năm ngoái không có tác phẩm văn học đoạt giải Sách hay thì năm nay, tin vui là bộ sách "Từ Dụ Thái hậu" của Trần Thùy Mai thắng giải.

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ sách Từ Dụ Thái Hậu  - Ảnh 1.

Bộ sách của Trần Thùy Mai đoạt giải Sách hay hạng mục sách văn học.

Nhận xét về bộ sách đoạt giải của nhà văn Trần Thùy Mai, tuy không có mặt tại buổi trao giải song nhà văn Nguyên Ngọc đã đánh giá cao về cuốn sách lịch sử. "Đây là một bộ tiểu thuyết lịch sử dày dặn gần 600 trang, viết về một nhân vật ta khá quen tên, nhưng chắc không nhiều lắm những ai biết tường tận đó là một người phụ nữ đặc sắc bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ ở nước ta. Bằng một lối viết trân trọng và khoan thai, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thận trọng tỉ mỉ mà không rối rắm, tác giả dựng lại chân dung suốt 30 năm của một người đàn bà, lạ vậy, vừa dân dã vừa quý tộc. 

Đấy là con người có thể coi là kỳ lạ, có thể kết hợp cái trang trọng phù hoa của một triều đại lớn vừa đang lên vừa đã rối rắm dấu hiệu lúng túng suy đồi trước áp lực xâm lăng hung hãn của phương Tây, với cái chân chất hiền hòa dân dã thậm chí có màu sắc đôi chút quê mùa tự nhiên của phương Nam, hóa giải thành hài hòa ổn định nhẹ nhõm, rất Việt, rất Huế, ngay giữa một thời hỗn loạn của đất nước. 

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ sách Từ Dụ Thái Hậu  - Ảnh 2.

Giáo sư Huỳnh Ngọc Phiên.

Dưới ngòi bút đã thật chín muồi của Trần Thùy Mai, chúng ta không chỉ có được chân dung đậm nét về một người đàn bà đặc sắc và hết sức độc đáo của lịch sử, mà còn cả một bức tranh triều chính và chừng nào đó cả xã hội thật sinh động" - trích bài của nhà văn Nguyên Ngọc.

Về mảng sách giáo dục, 2 cuốn được giao giải là "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" (Tác giả: Nguyễn Quốc Vương) và dịch phẩm "Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng" (tác giả: Fareed Zakaria, dịch giả: Châu Văn Thuận). 

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ sách Từ Dụ Thái Hậu  - Ảnh 3.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương phát biểu tại buổi trao giải.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương có thời gian sống tại Nhật, đưa ra những suy nghĩ day dứt về hai nền giáo dục Nhật - Việt, trả lời cho câu hỏi: "Tại sao một dân tộc lịch sử không dài hơn lịch sử dân tộc Việt Nam là bao nhiêu, nhưng những gì người Nhật làm được là những gì chúng ta ao ước? Tôi tìm hiểu từ thực tế và lý thuyết trên Luật giáo dục cơ bản của Nhật và ngôi nhà thực tế họ xây ra sao. Nếu ở Việt Nam, 1.000 giáo viên dạy ở các trường đều có cách dạy giống nhau thì ở Nhật, 1.000 giáo viên có 800 cách dạy khác nhau".

Ở hạng mục nghiên cứu, thể loại Sách viết được trao cho cuốn "Làng mạc ở châu thổ sông Hồng" của Nelly Krowolski và Nguyễn Tùng. Ông Nguyễn Tùng nhấn mạnh: "Nhiều người (trong đó có tôi) thường băn khoăn không hiểu tại sao người Việt (dù quá ít so với Trung Quốc và dù chỉ sống trên một lãnh thổ chỉ khoảng 20.000 km2) không những đã không bị Trung Quốc đồng hoá trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mà còn giành lại được độc lập dân tộc. 

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ sách Từ Dụ Thái Hậu  - Ảnh 4.

Dịch giả Châu Văn Thuận nói về tác phẩm Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng.

Phải chăng một phần không nhỏ là do từ xa xưa làng Việt đã được tổ chức rất vững chắc? Có lẽ cũng chính vì thế mà người Việt đã bám trụ được, nên đã thành công trong cuộc Nam tiến kéo dài trong nhiều thế kỷ. Theo tôi nghĩ, bản thân làng xã không phải là nguồn gốc của mọi sự trì trệ của xã hội Việt Nam trong cả ngàn năm qua...

Phải chăng, cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết thôn làng vốn đã góp phần to lớn vào việc làm cho người Việt bám rễ rất sâu vào đất nước và trong hơn 2.000 năm, đã biến các làng Việt thành những thành trì kiên cố để bảo vệ tiếng nói, bản sắc dân tộc cũng như để giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc? 

Phải chăng cần dựa trên việc phát triển một mạng lưới ngày càng dày hơn các đô thị vừa và nhỏ, một mạng lưới đường sá và giao thông tiện lợi, chính quyền trung ương mới hoà nhập được một cách hiệu quả các thôn làng vào đời sống quốc gia và vào quá trình phát triển chính trị, kinh tế cũng như xã hội và văn hoá?".

10 năm khuyến đọc hiệu quả

Giải Sách hay lần thứ X năm 2020 đã đánh dấu cột mốc hành trình 10 năm khuyến đọc và góp phần "gạn đục khơi trong", gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ. Đây cũng chính là giải độc lập đầu tiên về sách của Việt Nam có quy mô rộng rãi bậc nhất hiện nay do độc giả đề cử và chuyên gia bình chọn. 

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ sách Từ Dụ Thái Hậu  - Ảnh 5.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn.

Suốt một thập kỉ qua, Giải Sách hay luôn là một sự kiện văn hóa đáng chú ý, giúp công chúng có thêm kênh để tiếp cận những cuốn sách có giá trị, mang trong mình tinh thần khai khóng, giúp người đọc khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình.

Mùa giải năm nay tiếp tục với 7 hạng mục, bao gồm: Nghiên cứu, giáo dục, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và pPhát hiện mới. Sau hơn 5 tháng làm việc nghiêm túc, với uy tín và lòng công bình của mình, 7 hội đồng xét giải, với 35 chuyên gia hàng đầu là những tên tuổi "cây đa cây đề" về từng lĩnh vực, đã hoàn tất công tác lựa chọn và tìm ra 15 tựa sách xứng đáng nhất để trao tặng Giải Sách hay mùa giải năm 2020.

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận giải Sách hay 2020 với bộ sách Từ Dụ Thái Hậu  - Ảnh 6.

Nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ về chặng đường 10 năm của Giải Sách hay.

Tiếc là sang năm không có giải Sách hay, mà theo lời nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung, một trong những người sáng lập giải thưởng này, sẽ 2 năm (năm chẵn) mới có một lần trao giải, kể từ đây đến năm 2022.

KẾT QUẢ GIẢI SÁCH HAY 2020

Hạng mục Sách Nghiên cứu (2 tựa sách): Tác phẩm: Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (Tác giả: Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski); Dịch phẩm: Sự kiến tạo xã hội về thực tại (Tác giả: Peter L. Berger và Thomas Luckmann, Dịch giả: Trần Hữu Quang và Nhóm dịch giả).

Hạng mục Sách Giáo dục (2 tựa sách): Tác phẩm: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản (Tác giả: Nguyễn Quốc Vương); Dịch phẩm: Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng (Tác giả: Fareed Zakaria, Dịch giả: Châu Văn Thuận).

Hạng mục Sách Kinh tế (2 tựa sách): Tác phẩm: Thần kỳ kinh tế Tây Đức (Tác giả: Tôn Thất Thông); Dịch phẩm: Sự giàu và nghèo của các dân tộc (Tác giả: Davis S. Landes, Dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh).

Hạng mục Sách Quản trị (2 tựa sách): Tác phẩm: Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh (Tác giả: Lê Hồng Nhật); Dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Tác giả: Klaus Schwab, Dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép).

Hạng mục Sách Thiếu nhi (2 tựa sách): Tác phẩm: Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy (Tác giả: Nguyễn Khang Thịnh); Dịch phẩm: Hành trình của cá voi (Tác giả: Michael Morpurgo, Dịch giả: Trần Thị Minh Hiếu).

Hạng mục Sách Văn học (2 tựa sách): Tác phẩm: Bộ sách Từ Dụ Thái hậu (gồm Quyển thượngQuyển hạ) (Tác giả: Trần Thùy Mai); Dịch phẩm: Chết chịu (Tác giả: Céline, Dịch giả: Dương Tường).

Hạng mục Sách Phát hiện mới (3 tựa sách): Tác phẩm: Bộ sách 2 quyển: Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Quốc Trị); Dịch phẩm: Vũ Dạ Đàm - Tự truyện Shibusawa Eiichi (Tác giả: Shibusawa Eiichi, Dịch giả: Nguyễn Lương Hải Khôi); Dịch phẩm: Những tìm sâu triết học (Tác giả: Ludwig Wittgenstein, Dịch giả: Trần Đình Thắng (Đào Thị Hồng Hạnh kiểm sửa).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem