Nhà vườn Lâm Đồng chua xót nhổ bỏ hoa cúc vì virus hoành hành

Văn Long Thứ bảy, ngày 27/04/2019 08:35 AM (GMT+7)
Khi mới đưa cây giống về trồng, hoa cúc phát triển rất tốt, tuy nhiên 2 tháng sau cây bắt đầu còi cọc bắt đầu thối lá, thối rễ và chết dần. Đó là những biểu hiện do virus đốm héo cà chua TSWV (Tomato spotted wilt virus).
Bình luận 0

Thời gian vừa qua, nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đang đau đầu tìm cách chữa bệnh cho cây hoa cúc do virus đốm héo cà chua TSWV gây ra. Tuy nhiên, loại virus này vẫn chưa có thuốc đặc trị khiến người nông dân thua lỗ nặng.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, đây là dịch bệnh nguy hiểm, gây hại trên nhiều loài cây trồng như hoa cúc, xà lách, cà chua, atisô, húng quế… Loài virus này phát hiện lần đầu tại Lâm Đồng vào giữa tháng 4.2017.

img

Anh Võ Ngọc Dương phải nhỏ bỏ những cây hoa cúc bị nhiễm virus.

Là người đã nhiều năm trồng hoa cúc, anh Võ Ngọc Dương (ngụ thôn Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) nhổ những cây hoa cúc bị bệnh, buồn rầu nói: “Gia đình tôi trồng 3.000m2 hoa cúc trong nhà kính, tuy nhiên đã có phân nửa diện tích cây bị bệnh phải nhổ bỏ. Mùa này thời tiết lại rất nóng khiến dịch bệnh ngày càng phát triển mạnh và lây lan nhanh khiến tôi chưa biết làm thế nào. Loại virus này hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, người dân chúng tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc để thử chữa nhưng vẫn không có chuyển biến gì”.

Anh Dương cũng cho biết thêm, những cây hoa cúc trong vườn của anh khi mới đưa cây giống về trồng, hoa cúc phát triển rất tốt. Tuy nhiên 2 tháng sau cây bắt đầu còi cọc, thối lá, thối rễ và chết dần.

Không chỉ gia đình anh Dương, nhiều hộ dân trồng hoa cúc tại Lạc Dương cũng phải chịu cảnh thua lỗ do đầu tư giống, phân, thuốc mà vẫn phải nhổ bỏ cây mới trồng. Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Trần Đức Hiệp (ngụ thôn Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương) nhận định, sau lần này, gia đình anh sẽ phải chuyển qua trồng loại cây trồng khác bởi dịch bệnh trên cây hoa cúc hoành hành gây thua lỗ nặng nề. Anh Hiệp cho biết, anh trồng 1.000m2 hoa cúc nhằm phục vụ Đại lễ Phật Đản, tuy nhiên đến nay đã bị bệnh khoảng 90%.

img

Anh Dương cho biết, sau 2 tháng trồng cây hoa cúc bắt đầu còi cọc, thối lá, thối rễ và chết dần.

“Vì muốn chữa bệnh cho hoa mà tôi đã phải mua hết gần 10 triệu đồng tiền thuốc với mong muốn cứu chữa. Nhưng dù đã thử nhiều loại thuốc nhưng vẫn không có tác dụng. Đặc điểm nhận biết hoa bị bệnh là xuất hiện nhiều sọc đen ở thân cây và lá héo vàng rồi chết dần”, anh Hiệp chua xót nói.

Ông Nguyễn Phú Việt - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương cho biết, địa phương đang hướng dẫn các hộ dân tiêu hủy hoa bị bệnh để đảm bảo an toàn cho sản xuất cho những vụ mùa sau. Hiện nay, tại địa phương có khoảng 200ha hoa cúc, nhưng đã có đến 60ha hoa bị dịch phải nhổ bỏ. Ngoài thị trấn Lạc Dương, các xã Đạ Sar, Đạ Nhim cũng bị ảnh hưởng bởi virus đốm héo cà chua TSWV gây ra.

img

Anh Hiệp bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua thuốc chữa bệnh cho hoa nhưng không có tác dụng gì.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng thông tin, loại virus này lây lan qua bọ trĩ và nhân giống vô tính. Khi canh tác các nhà vườn cần chú ý vệ sinh vườn, xử lý đất thu gom, tiêu hủy nguồn tàn dư thực vật nhiễm bệnh trước khi trồng. Đặc biệt, vườn bị nhiễm nặng phải nhổ bỏ và thu gom toàn bộ cây bị bệnh, tiêu hủy tập trung, không luân canh cây xà lách với hoa cúc, cà chua, húng quế, vì cùng là ký chủ của virus…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem