Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Mô hình nuôi cá chép lai dày đặc trong những cái ao rộng mênh mông của anh Nguyễn Văn Hợp (SN 1972), thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Anh Hợp được bình chọn là Nông dân xuất sắc Việt Nam 2024.
Sau nhiều lần lỡ hẹn cũng như bị gián đoạn bởi hoàn lưu cơn bão số 3, khi thời tiết nắng ráo, đường giao thông cơ bản đã thông suốt, chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Hợp (SN 1972), thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Chúng tôi đi thăm những ao cá rộng thênh thang, nước trong xanh, cá ngoi lên mặt nước ao đón thức ăn tanh tách bằng máy bám cán tự động.
Anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Phúc, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên tôi chỉ học hết bậc THCS rồi rời quê hương lên huyện Bảo Thắng (Lào Cai) làm thuê cho một số công trình xây dựng, năm đó tôi còn chưa tròn 18 tuổi.
Làm thuê thu nhập cũng không khấm khá, tôi quyết định vào trong thị trấn Nông trường Phong Hải để làm thuê xây bể cá, làm đường ống dẫn nước cho gia đình ông Khổng Văn Doanh, một chủ nuôi cá lâu năm ở vùng quê này.
Mô hình nuôi cá, trong đó có nuôi cá chép lai to bự của anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.
Theo anh Hợp, điều mừng nhất với anh đó chính là gặp được ông Hợp một cán bộ hưu từng công tác ở Sư đoàn 345 thuộc Quân khu Tây Bắc (nay là Quân khu 2) đã truyền dạy kinh nghiệm và bí quyết cho anh về cách ương cá giống, nuôi cá thương phẩm.
Và rồi như sợi tơ se duyên, trong những năm tháng, anh học hỏi kinh nghiệm, làm thuê cho ông Doanh, anh Hợp gặp được cô con gái hiền lành, tốt bụng đến năm 1994, 2 người nên vợ chồng và được bố, mẹ vợ chia một ít đất để làm nhà ở riêng và bắt đầu lập nghiệp từ con số 0, với đôi chân đất bên ao cá.
Những năm đầu tiên khó khăn, thiếu vốn anh Hợp chỉ xây 3 bể, mỗi bể khoảng 20m2 để nuôi 300 đôi cá trắm cỏ bố, mẹ và ương cá bột giống.
Thời điểm đó, không có mạng internet, sóng thông tin liên lạc... nên mọi thứ đều phải học hỏi, tiếp thu tỷ mỷ.
Anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho thức ăn vào công nghệ máy cho cá ăn tự động. Ảnh: Mùa Xuân.
Sau gần 10 năm ương cá trắm bột giống cung cấp cho người dân nuôi, anh Hợp chuyển sang nuôi ương giống cá chép lai và nuôi cá chép lai thương phẩm.
Hiện nay, ao ương giống cá chép lai của gia đình anh Hợp có diện tích gần 2 ha, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 100 nghìn con cá chép giống.
Cá chép giống do anh Hợp ương được chia thành 3 loại, với giá bán cũng khác nhau. Loại 1 từ 500 - 1.000 con/kg, với giá bán 300 - 500 đồng/con. Loại 2 từ 300 – 800 con/kg, bán với giá 500 - 800 đồng/con; loại 3 là loại cá chép lai giống to hơn từ 100 - 500 con/kg, bán với giá 800 - 1.200 đồng/con.
Từ bán cá giống, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu về từ 200 – 500 triệu đồng, tuỳ thuộc từng thời điểm và nhu cầu thị trường.
Nuôi cá chép lai to bự, hễ nghe âm thanh máy tự động phân phối thức ăn, đàn cá nhô lên khỏi mặt nước. Ảnh: Mùa Xuân.
Ngoài nuôi ương cá chép lai giống để bán cho người dân, cung cấp ra thị trường, anh Hợp còn nuôi cá chép lai, cá trắm, cá rô phi thương phẩm, với diện tích mặt ao 2 ha, nuôi theo hình thức thâm canh gối vụ.
Với hình thức nuôi này, anh Hợp nuôi khoảng 8 tháng, cá đạt trọng từ 1,5 – 2kg thì xuất bán ra thị trường, với 2 vụ/ năm, thu về khoảng 100 tấn cá thương phẩm, với giá bán dao động từ 37 – 50 nghìn đồng/kg, thu về 4 tỷ đồng.
Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu được xuất bán tại các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang...
Nuôi cá chép giòn phải dùng thức ăn nhập ngoại. Ảnh: Mùa Xuân.
Bên cạnh đó, cùng với xu thế của thị trường ngày càng tăng, yêu cầu chất lượng cá phải cao hơn, năm 2021, anh Hợp bắt đầu nuôi thử nghiệm cá chép lai giòn. Đây là mô hình mới và đang có nhiều khách hàng ưa chuộng loại cá này.
Hiện nay, anh Hợp đang thả khoảng 10 tấn cá giống chép giòn để nuôi trong ao, đây là loại cá có giá trị kinh tế cao.
Anh Hợp chia sẻ thêm: Nuôi cá chép giòn phải chọn cá đạt trọng lượng 2kg trở lên và thức ăn chủ yếu là hạt đậu tằm nhập khẩu từ nước ngoài.
Nuôi khoảng 6-8 tháng là xuất bán ra thị trường. Riêng năm 2023, gia đình tôi bán được 5 tấn cá chép giòn, với giá 130 nghìn đồng/kg, thu về hơn 600 triệu đồng.
Nói về kỹ thuật nuôi cá giống, cá thương phẩm anh Hợp cho rằng điều quan trọng nhất là phải có kỹ thuật tốt, môi trường nước phải sạch, nhiệt độ... Đặc biệt là trong việc lựa chọn cá bố, mẹ để làm giống phải chọn loại cá tốt.
Để có thêm kỹ thuật chăm sóc cá, anh Hợp đã đi tham quan, học tập nghiên cứu tại các trại giống, trại cá như ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng và xã Cốc San, huyện Bát Xát (Lào Cai) và nhiều địa phương ở ngoài tỉnh.
Nghiên cứu cách làm của các hộ sớm thực hiện chăn nuôi cá công nghiệp ở địa phương từ việc lựa chọn con giống, thức ăn, xử lý nước, các máy móc hỗ trợ như sục khí, diện tích ao nuôi,… qua đó đưa vào thử nghiệm và thực tế sản xuất của hộ gia đình.
Anh Hợp đã giúp đỡ trên 100 hộ dân trong và ngoài vùng phát triển kinh tế, trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cá, kỹ thuật ao nuôi, cách lựa chọn các loại cá giống đẹp, nhanh lớn, dễ bán, cách phòng bệnh cho cá, lựa chọn thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, hướng dẫn cách lắp đặt máy móc hỗ trợ như sục khí, thời gian sục, cảnh báo thời tiết gây ảnh hưởng cho cá để hạn chế tối đa việc thiệt hại do dịch bệnh, thời tiết, cung cấp giống chất lượng cho người chăn nuôi,…
Bên cạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Hợp còn luôn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho cho nhân dân trong thôn và địa phương phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, giúp đỡ trên 60 hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nuôi cá theo hướng công nghiệp.
Cùng với đó, được sự quan tâm của Hội Nông dân các cấp, năm 2016, anh Hợp đã tham gia tổ hội nông dân nghề nghiệp nuôi thuỷ sản Phong Hải, sau 2 năm hoạt động và nhận thấy nuôi thuỷ sản có hiệu quả kinh tế nên cùng với các tổ viên trong tổ hội đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang thành lập HTX thuỷ sản Phong Hải, với 15 thành viên, anh Hợp kiêm Giám đốc HTX.
Với vai trò là Giám đốc HTX thủy sản Phong Hải, bản anh Hợp đã cùng Ban Giám đốc lãnh đạo mọi hoạt động của HTX và hướng dẫn, định hướng chăn nuôi. Hiện HTX có quy mô diện tích 25 ha ao cá, mỗi năm xuất bán trên 200 tấn cá thương phẩm, đem lại doanh thu khoảng 8 tỷ đồng.
Từ đó, đã góp phần tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong HTX, với mức thu nhập ổn định, doanh thu mỗi thành viên trên đều từ 200 triệu đồng trở lên, có hộ đạt doanh thu trên 500 triệu đồng và đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, tạo việc làm cho 25-30 lao động thời vụ có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
HTX ngoài hỗ trợ thức ăn chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm đầu ra của các loại cá thương phẩm cho các thành viên, HTX còn cung cấp thức ăn chăn nuôi và góp phần bao tiêu sản phẩm cá cho nhân dân trong và ngoài vùng. Hiện có trên 20 hộ đang duy trì nguồn thức ăn cho cá từ HTX cho các hộ nuôi cá theo phương thức trả chậm.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh ở địa phương, anh Nguyễn Văn Hợp đã được UBND huyện Bảo Thắng, UBND tỉnh Lào Cai tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen; được công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều giai đoạn.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.