Nhà vườn phá bỏ dâu tây Đà Lạt

Thứ ba, ngày 23/11/2010 17:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xu hướng nhà vườn phá bỏ dâu tây, một loại đặc sản của Đà Lạt (Lâm Đồng) để thay thế các cây trồng khác đang khá phổ biến.
Bình luận 0
img
Diện tích, sản lượng dâu tây Đà Lạt đang giảm sút.

Ở thời điểm giữa tháng 11-2010, diện tích cây dâu tây Đà Lạt (Lâm Đồng) còn không đến 40ha, giảm khoảng 50ha so với thời điểm "đỉnh" cách nay vài năm.

Nông dân bó tay

Cơ sở của ông Ngô Danh ở phường 8 (Đà Lạt) khá nổi tiếng, bởi du khách đến đây, không chỉ mua các đặc sản như mứt mận, mứt đào… và đặc biệt là mứt dâu mà còn được tham quan vườn dâu tây đặc sản nằm ngay trong khuôn viên nhà; nếu muốn, có thể hái trái cây ngay tại vườn.

Theo tài liệu của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, dâu tây (Fragaria chiloesis) là giống cây ôn đới được người Pháp đưa qua Việt Nam trồng thử nghiệm từ hơn 80 năm trước. Hiện mới chỉ Đà Lạt có điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên cây dâu tây mới "trụ" được và trở thành thứ đặc sản của xứ này.

Thế nhưng, trong những ngày này, dòng chữ quảng cáo trên tấm biển hiệu phía trước của cơ sở này: "Tham quan vườn dâu, hái trái tại nhà" đã không còn ý nghĩa. "Bất lực trước hàng loạt thứ bệnh trên cây dâu, mùa này, tôi đành phá bỏ gần hết, chỉ còn để lại vài luống. Nhiều du khách đến mua hàng có hỏi vườn dâu, tôi đành "khai thật" với họ như vậy!" - ông Danh ngậm ngùi.

Cũng thuộc phường 8 và nằm trên đường Phù Đổng Thiên Vương, vườn cây trái của ông Võ Đức nằm tận cuối một con hẻm thuộc tổ 63 của khu phố 3. Dẫu "hẻo lánh", nhưng khi hỏi "vườn dâu tây của ông Đức" thì trẻ con ở đây cũng rành lối, bởi vườn dâu 3 sào của ông Đức rất nổi tiếng. Mới hôm rồi, khi chúng tôi đến, ông Đức vắng nhà.

Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Quang Thanh - người cháu ông Đức, có nhiệm vụ trông coi vườn dâu tây. Anh Thanh xót xa: "Vườn dâu tây của ông tôi nổi tiếng là "miễn dịch", nhưng nay đành chào thua, vì dịch bệnh tấn công dữ dội quá!". Chỉ cho chúng tôi một vạt dâu tây rũ lá, anh Thanh cho biết thêm: "Mấy chục m2 dâu này đang được Công ty Nam Việt ở Bình Dương xử lý thuốc bảo vệ thực vật và điều chỉnh chế độ phân bón nhưng xem ra không mấy hy vọng".

img
 

Cứu lấy cây đặc sản

Hội ND TP.Đà Lạt ước tính, Đà Lạt có không đến 90ha dâu tây được canh tác thường xuyên trong tổng diện tích 1.000ha rau của thành phố. Tuy nhiên, do sâu bệnh, diện tích đặc sản dâu tây Đà Lạt hiện chỉ còn không đến 40ha; đồng thời, năng suất cũng giảm từ 40kg/sào/2 ngày (theo chu kỳ thu quả) xuống 15 - 20kg/sào.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, biểu hiện phổ biến trên cây đặc sản dâu tây Đà Lạt hiện nay là cây đến kỳ cho trái bỗng đột nhiên vàng lá, nổ đốm, thân khô dần rồi chết; nhổ gốc quan sát thì thấy bộ rễ nhũn thối. Hiện tại, khó khăn mà cơ quan chức năng (Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Lâm Đồng…) là không có nhiều tài liệu nói về cây dâu tây, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh. Người trồng cũng đã tìm mọi cách để cứu vườn dâu nhưng kết quả không mấy khả quan, nên đành phá bỏ hàng loạt diện tích loại cây trồng đặc sản đang rất được giá này.

Hiện, giá dâu tây Đà Lạt đã lên đến 90.000 đồng/kg- cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhà vườn không có đủ sản phẩm để cung cấp. Nông dân Đà Lạt đã thực sự "bó tay" trước tình trạng cây dâu tây đặc sản chết hàng loạt. Họ rất mong các cơ quan chức năng cứu cây trồng từng góp phần làm nên thương hiệu Đà Lạt này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem