Nhạc sĩ "Cả nhà thương nhau" mê đồng dao

Thứ tư, ngày 24/04/2013 08:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có lẽ nhiều người biết bài hát "Cả nhà thương nhau" nhưng không phải ai cũng biết tác giả của nó lại là một nhạc sĩ tay ngang. Ông là Phan Văn Minh, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0

Có duyên với giải thưởng

Hẳn mọi người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng Phan Văn Minh theo học ngành Hóa của Đại học Khoa học Sài Gòn, nay là Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông được cử đi học lớp sư phạm cấp tốc tại Quy Nhơn, mấy tháng sau, về dạy trên vùng cao huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam). Dù đi dạy, nhưng với niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, ông vẫn tranh thủ thời gian sáng tác. Chuyện "tranh thủ" đó lại mang đến cho ông nhiều vinh dự.

img
Phút ngẫu hứng của nhạc sĩ Phan Văn Minh.

"Năm 1988, tôi viết ca khúc “Cả nhà thương nhau” tặng vợ con sau những năm công tác ở miền núi xa xôi. Bài hát này tôi chỉ sáng tác trong vòng 15 phút. Năm 1989 có cuộc thi ca khúc thiếu nhi, tôi gửi đi thi cho vui, đâu ngờ được giải Nhất. Khi vào TP.HCM nhận giải, tôi tìm đến thăm để cảm ơn cháu bé đã thể hiện thành công ca khúc. Cháu sống cùng mẹ trong một căn gác nhỏ. Ba cháu đã bỏ đi từ khi cháu chưa chào đời. Trên căn gác này, tôi thật xúc động khi nghe bé vừa ca vừa khóc".

Sau thành công này, ông tiếp tục viết về xứ Quảng thân yêu, về sông Hoài, phố Hội, về thành phố trẻ Đà Nẵng và nhiều miền đất mỗi khi có dịp đi qua. Đến nay, sự nghiệp sáng tác của Phan Văn Minh với hơn 400 ca khúc. Theo ông, thành công nhất vẫn là những ca khúc về gia đình, đặc biệt là sáng tác dành cho thiếu nhi (với hơn 100 ca khúc).

Sau "Cả nhà thương nhau", "Khúc trầm hương giao thừa" cùng được ông sáng tác chỉ trong một đêm và ngay lập tức đoạt giải Nhất trong một cuộc thi sáng tác toàn quốc. Bạn bè ông có người nói vui rằng, chỉ mất một đêm mà lãnh giải thưởng hàng chục triệu đồng thì… hời quá. Ông cười bảo: "Đúng là mình viết chỉ trong một đêm, nhưng đấy là kết quả của sự ngưng đọng kéo dài nửa thế kỷ". Ông có nửa thế kỷ tuổi đời, nửa thế kỷ để làm con, làm chồng, làm cha, nửa thế kỷ để trải nghiệm và biết thế nào là cô đơn, trống vắng, hụt hẫng, chạnh lòng...

Nuôi dưỡng tinh thần từ tuổi thơ

Nhạc sĩ Phan Văn Minh tâm sự: "Tôi may mắn khi sinh ra trong gia đình yêu nhạc. Ngay từ nhỏ tôi được nghe mẹ tôi hát nhân ngãi, hò khoan đối đáp. Một cách tự nhiên, âm nhạc truyền thống đi vào sáng tác của tôi, nhất là về quê hương xứ Quảng và những ca khúc có đề tài đồng dao dành cho thiếu nhi".

Vừa nói ông vừa ngâm ca những ca khúc thiếu nhi tâm đắc. "Kỳ nhông là ông kỳ đà/kỳ đà là cha cắc ké/cắc ké ấy mà kỳ nhông/kỳ nhông là ông kỳ đà"… trong bài hát "Họ nhà kỳ nhông". Hay bài "Con nít con nôi": "Con nít con nôi/suốt ngày ăn học rồi chơi/đi tắm đi bơi/cái mình thì nhỏ xít/đội mũ lá mít/cưỡi con ngựa bằng tàu cau/. Em trước em sau/ra đồng đánh trận cờ lau/ Con gái con trai/trưa hè thì xúm xít/mẹ gọi thì rối rít/chạy u dìa nhà…

Mỗi năm nhạc sĩ Phan Văn Minh thường nhận từ 3-5 giải thưởng cho các sáng tác nhạc, truyện ngắn... Ông nói vui: "Sau khi nghỉ hưu, mình sống nhờ giải thưởng đấy".

Nhạc sĩ Phan Văn Minh bảo: "Đồng dao song hành cùng trẻ thơ trong vai trò là những người bạn nhỏ dễ mến để vui chơi nhưng đồng thời cũng là người thầy gần gũi đầy kinh nghiệm. Lời đồng dao là những bài học thường thức về ngôn ngữ, về thế giới xung quanh, nhiều khi là những bài ngụ ngôn dạy trẻ biết yêu ghét, biết khen chê, biết ứng xử trong cuộc sống. Thế nhưng cùng với số phận của các thể loại dân ca khác như hát nhân ngãi, hát sắc bùa, hò, lý... ngày nay đồng dao gần như đang "tuyệt tự" vì không có bài bản mới nào tiếp tục được khai sinh, còn những bài bản cũ thì không tìm được không gian diễn xướng tự nhiên như ngày xưa, có chăng chỉ là không gian mô phỏng trên truyền hình hay sân khấu".

Có lẽ vì thế mà những ca khúc sáng tác cho thiếu nhi, ông đều mô phỏng giai điệu, tiết tấu hoặc lời ca theo thể loại đồng dao chỉ mong góp phần bảo tồn một thể loại âm nhạc dân gian dành cho trẻ thơ...

"Tôi đã phỏng tác được khoảng 20 ca khúc từ đồng dao. Những bài hát trước đây được tuyển in trong tập "Họ nhà kỳ nhông". Nhưng bài ưng ý nhất có lẽ là bài "Con nít con nôi", "Họ nhà kỳ nhông", "Chú kiến con", "Đập chang chang"- nhạc sĩ Phan Văn Minh cho biết.

Mỗi năm nhạc sĩ Phan Văn Minh thường nhận từ 3-5 giải thưởng cho các sáng tác nhạc, truyện ngắn... Ông nói vui: "Sau khi nghỉ hưu, mình sống nhờ giải thưởng đấy". Nhưng giải thưởng có lẽ không phải là điều duy nhất khiến người ta nhớ về ông. Những người từng tiếp xúc và được nghe những ca khúc của Phan Văn Minh đều nhận ra rằng, ông thật bao dung, bình thản, hồn hậu trong quan niệm về cuộc sống và sáng tác. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem