Sông La, sông Lam hội tụChương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví giặm" sẽ là đêm diễn khai mạc cho Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh lần 2 do UBND 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cùng phối hợp tổ chức. Tại đây hiện còn lưu truyền 15 điệu ví, 8 điệu giặm. Sẽ có 420 nghệ nhân và nhân dân của 2 tỉnh tranh tài trong liên hoan lần này.
HVí phường vải - làn điệu đặc sắc nhất của dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh.
Sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu, sự nghiệp của nhạc sĩ An Thuyên bắt đầu từ 1965 và đến nay, ông vẫn sáng tác sung sức. Thật thú vị khi các tác phẩm nổi bật của An Thuyên đều lấy cảm hứng, chất liệu từ vùng Nghệ - Tĩnh như "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Chỉ tại dòng sông đa tình", "Neo đậu bến quê", "Hà Tĩnh mình thương", "Sông Ngàn Sâu"... Thậm chí, nhiều khi 2 tỉnh còn "tị nhau" và giận dỗi nhạc sĩ vì viết cho quê kia nhiều hơn quê này. Để xây dựng kịch bản “Đôi bờ ví giặm”, nhạc sĩ đã nhiều lần về Hà Tĩnh lấy chất liệu sáng tác. Đây là chương trình quy mô đầu tiên ông làm cho tỉnh này, có truyền hình trực tiếp.
Phần 1 của chương trình là ca cảnh "Đôi bờ ví giặm" diễn tả những chàng trai Nghệ An đêm trăng trốn nhà vượt sông Lam sang hát cùng các cô gái Hà Tĩnh. 130 diễn viên của Hà Tĩnh huy động từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đại học Hà Tĩnh đã nỗ lực tập luyện gần 1 tháng cho tiết mục này.
Phần 2 là những làn điệu sân khấu đã cải biên thành công gồm lảy Kiều, ví giận thương, hát khuyên, tứ hoa. Phần này hội tụ các nghệ sĩ nổi tiếng đang sống tại Nghệ - Tĩnh như NSND Hồng Lựu, NSƯT An Phúc, ca sĩ Nguyễn Phương Thanh, ca sĩ Hồng Oanh, ca sĩ Quang Hưng...
Đại chúng nhất là phần 3, "Mùa trăng sông Lam, sông La". Đây cũng là tên ca khúc mới được nhạc sĩ An Thuyên viết dành riêng cho sự kiện. "Mùa trăng" thực sự là "mùa sao" vì phần này hội tụ các ca sĩ thế hệ 8X, được công chúng cả nước biết đến. Đa số họ đều đã giành giải cao trong các kỳ thi Sao Mai như Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Đinh Thành Lê. Ngoài ra còn có các ca sĩ Vành Khuyên, Quốc Việt, Tố Nga…
Hãy gạt bỏ ích kỷLàm tổng đạo diễn Chương trình "Đôi bờ ví giặm" trong bối cảnh nghệ thuật ví giặm đang được xét lập hồ sơ di sản phi vật thể nhân loại cần bảo vệ để đệ trình lên UNESCO, nhạc sĩ An Thuyên có khá nhiều điều tâm sự. Ông nói: "Thực tâm, lòng tôi trĩu nặng cũng vì yêu Nghệ - Tĩnh và ví giặm nên nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ chính kiến chung về các di sản phi vật thể ở mức quốc gia. Khi được UNESCO công nhận là di sản để bảo tồn và phát huy, không có nghĩa các di sản nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan... đã đạt đẳng cấp thế giới. Trong cách diễn đạt, cách tuyên truyền, quảng bá của truyền thông, báo chí trung ương, địa phương và theo cách hiểu của nhiều người hiện nay có sự ngộ nhận này. Sự công nhận của họ là để cho những người dân đang sở hữu và gìn giữ di sản có ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm rất quan trọng của mình".
"Ví giặm lan tỏa, có sức sống vượt khỏi vùng gốc vì nó buồn, sâu lắng. Vui quá, người ta dễ quên, chỉ nỗi buồn thăm thẳm là ở lại. Nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn mà chạm đến đáy nỗi buồn của con người là chiếm được công chúng. Dân ca Nghệ - Tĩnh thành công bởi nó buồn nhất trong kho tàng dân ca Việt Nam". Nhạc sĩ An Thuyên
|
Trước câu hỏi, “chèo là nghệ thuật đặc sắc, đậm bản sắc Việt thuần khiết, là loại hình bao trùm lâu đời của văn minh sông Hồng, tại sao không thấy địa phương nào đề cử, làm hồ sơ xét di sản”, nhạc sĩ An Thuyên thẳng thắn: "Chèo, tuồng, cải lương đều xứng đáng nhưng vùng hoạt động rộng nên không tỉnh nào khởi xướng để đứng ra làm, đúng kiểu "cha chung không ai khóc".
Theo quan điểm của nhạc sĩ An Thuyên, ở đây dường như có sự ích kỷ khi so đo lợi ích. Nhiều tỉnh có nhiều đoàn chèo chuyên nghiệp nên làm hồ sơ mà được công nhận thì... nhiều tỉnh cùng hưởng. Vì vậy, cứ tỉnh nọ nhìn tỉnh kia không làm. Không ai nghĩ rằng đấy là di sản dân tộc cần bảo tồn cho con cháu chúng ta. Người thời đại này tôn vinh di sản cha ông để đời sau khai thác, hưởng thụ. Điều ấy là chính đáng song hầu hết vẫn làm theo kiểu bệnh thành tích.
Cũng theo nhạc sĩ, dân ca là những làn điệu gốc, cổ nhưng dân ca ví giặm được truyền khẩu chỉ là những "phiên bản" từ 50 - 70 năm trở lại đây, còn cái gốc thực sự thế nào không ai nắm rõ. Sưu tập, thu gom, bảo tồn, phải ghi băng, đĩa, để có tài liệu truyền dạy, lưu giữ bởi lớp nghệ nhân già hao hụt từng năm. “Lớp còn "lửa" cống hiến thì phân tâm lo cơm áo, trong khi Nhà nước và địa phương vẫn bối rối, loay hoay quá lâu về chế độ, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian. Lúc nào cũng lý thuyết suông, sống theo hô hào, động viên chung chung thì chỉ là "ăn xổi", thời vụ” - nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.
Nhạc sĩ cũng nhận định: "Ví giặm Nghệ - Tĩnh giàu, sâu sắc, được đưa lên sân khấu, đủ sức dựng vở kịch, có nhân vật, tính cách, tâm trạng và có giá trị làm chất liệu phát triển thành ca khúc, ca cảnh đi vào lòng người lâu dài. Người Việt ở nước ngoài nhớ về đất nước, luôn xao xuyến khi nghe quan họ và dân ca Nghệ Tĩnh, đấy là vốn quý không vùng nào khác có được.
Mai Khanh (Mai Khanh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.