Chán vì luật loằng ngoằng
Rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Vũ Mão, Đoàn Bổng, Trương Ngọc Ninh, Doãn Nho… đang tỏ ra vô cùng bức xúc với Thông tư 01.2016 của Bộ VHTTDL ban hành liên quan tới chủ sở hữu quyền tác giả. Ngày 13.4, tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã diễn ra cuộc thảo luận giữa hội đồng tư vấn của trung tâm và truyền thông để nghe chia sẻ của các nhạc sĩ về Thông tư 01.2016.
Các nhạc sĩ trong buổi thảo luận vào sáng 13.4 tại VCPMC. Ảnh: T.H
Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC cho biết: “Cách đây 2 tuần, chúng tôi đã ngồi đây để cùng chia sẻ niềm vui khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho những người làm sáng tác như chúng tôi. Bởi với nghị định sửa đổi này, quyền tác giả đã được pháp luật công nhận chính thức để giới nhạc sĩ sẽ không phải lo lắng, buồn phiền mình bị ngó lơ, bỏ quên bởi đã có quy định khi sử dụng ca khúc sẽ phải xin phép các tác giả”.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì Bộ VHTTDL ra Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79 và Nghị định 15. Điều đặc biệt theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, thông tư đó chỉ yêu cầu các mẫu văn bản cam kết về tác quyền được cấp phép bởi Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Sở VHTTDL mà không nhắc đến quyền lợi của tác giả.
Cụ thể, Nghị định 15 nói rõ, Cục NTBD và Sở VHTTDL sẽ là nơi cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn, sau khi các đơn vị này nộp đầy đủ hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép; nội dung chương trình… và đặc biệt là một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Một trong các điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước cấp phép là đơn vị tổ chức biểu diễn phải có cam kết bằng văn bản với chính người chủ sở hữu tác phẩm hoặc người được chủ sở hữu tác phẩm ủy thác (Trung tâm VCPMC).
Thế nhưng, kèm theo Thông tư 01, Bộ VHTTDL lại có luôn mẫu “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Tức là đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ việc nộp bản cam kết này với cơ quan cấp phép trong bộ hồ sơ, mà không cần biết là tác giả, chủ sở hữu có biết và có đồng ý hay không. Chính sự thiếu hợp lý này đã khiến rất nhiều nhạc sĩ bức xúc.
85% tiền tác quyền “mất tích”
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng, Nghị định 15 đã có quy định rất rõ tại Điều 9: Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Thế nhưng khi Thông tư 01.2016 được đưa ra thì quyền lợi của tác giả, tác quyền đã bị gạt ra bằng một mẫu văn bản không liên quan tới người sáng tác.
“Tôi chưa bao giờ nhận được một cuộc điện thoại hay một lời xin phép dùng ca khúc của tôi. Và giờ đây, nếu tuân thủ theo Thông tư 01 tôi e là sẽ chẳng bao giờ còn có thể trông mong một cuộc điện thoại xin phép chứ đừng nói tới có văn bản cam kết, hoặc hợp đồng giữa tác giả và người sử dụng tác phẩm. Một điều nữa tôi muốn chia sẻ thêm để nhà báo và công chúng hiểu về thu nhập của các nhạc sĩ như chúng tôi. Trung tâm thành lập được 14 năm nhưng đến hôm nay mới chỉ thu được tối đa 15% tiền tác quyền đối với các nhạc sĩ. Vẫn còn tới 85% tiền tác quyền tác phẩm chưa thu được”- nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói.
Chiều 13.4, PV NTNN đã liên lạc với ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục NTBD để đề nghị phỏng vấn về một số nội dung liên quan đến tác quyền trong Thông tư 01. Tuy nhiên, ông Chương cho biết, hiện tại ông đang đi công tác phía Nam và đã ủy quyền cho ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn nghệ thuật để trả lời vấn đề này, tuy nhiên đến hết chiều 13.4, PV vẫn chưa thể liên lạc với ông Lê Minh Tuấn.
|
Nhạc sĩ Doãn Nho bức xúc nói: “Với Thông tư 01, các đơn vị sản xuất tập thể, cá nhân, bầu show, ca sĩ khi sử dụng ca khúc chỉ cần làm mẫu đơn cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mà không cần sự đồng ý, hợp đồng, cam kết từ chính tác giả ca khúc. Vậy thông tư này trái với Nghị định 15, trái với Điều 47, 48 của Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là thời điểm chúng ta đang hội nhập thế giới nên hơn bao giờ hết chúng ta cần phải làm rõ ràng, minh bạch về tác giả, tác quyền”.
Còn theo chuyên gia về sở hữu trí tuệ, ông Đỗ Khắc Chiến thì Thông tư 01 là để hướng dẫn Nghị định 15, nhưng lại không hướng dẫn đúng với tinh thần của nghị định, mà làm sai lệch với nghị định. Thậm chí trầm trọng hơn nữa, thông tư còn gây ra không chỉ ảnh hưởng tới các sản phẩm âm nhạc mà toàn bộ mọi thứ liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật như quyền tác giả, tác quyền của sân khấu, kịch bản…
“Tôi nghĩ thông tư này có tác hại với việc thực thi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Bởi nếu một tổ chức, cá nhân nào đó có tờ giấy cấp phép thì yên tâm cứ thế mặc sức làm”-ông Đỗ Khắc Chiến cho hay.
Ngay sau những bức xúc của các nhạc sĩ, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết VCPMC sẽ có công văn gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện để thể hiện rõ quan điểm này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.