Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "Giáo sư Trần Văn Khê là người vĩ đại"

Mai An Thứ năm, ngày 25/06/2015 08:30 AM (GMT+7)
Vẫn biết ngày này rồi sẽ đến bởi ông đã nhập viện và nằm gần 1 tháng trong phòng cách ly, nhưng khi nghe tin Giáo sư Trần Văn Khê qua đời vào 2 giờ sáng 24.6, ai cũng nghẹn ngào xúc động. Vĩnh biệt ông - một tượng đài, một cây đại thụ âm nhạc dân tộc. 
Bình luận 0

50 năm gắn đời với âm nhạc

Giáo sư (GS) Hoàng Chương- Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam xúc động nhớ lại: “Hồi năm 2002, tôi đến thăm GS Trần Văn Khê trong căn nhà nhỏ của ông tại Clement Perrot 94400 Vittry – Sur Seine, Paris (Pháp). Ông tỏ ra lúng túng, vì nhà cửa quá chật chội, toàn bộ tầng lầu ở tầng 9 rộng lớn biến thành kho sách và tư liệu nghệ thuật khổng lồ. Sách và băng đĩa nhạc được giáo sư sưu tầm, tích lũy suốt 50 năm đã chiếm hết chỗ sinh hoạt của ông, chỉ có nhà bếp và buồng tắm là còn trống thôi. Mà nhà bếp cũng trống không vì ông không có thì giờ để nấu nướng”.

img
Giáo sư Trần Văn Khê trong một buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Ảnh:  M.A

Suốt từ năm 1949, khi để lại cả gia đình ở Việt Nam sang Pháp học tiến sĩ, GS Trần Văn Khê đã quyết gắn bó cả đời mình sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Ông sống độc thân suốt 50 năm từ đó, tất cả thời gian và tâm huyết dành cho việc nghiên cứu âm nhạc. “Có lẽ chưa có người Việt Nam thứ hai nào suốt nửa thế kỷ chỉ sống một mình và chỉ làm một việc là giảng dạy, sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân tộc cùng với việc đi quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam trên khắp năm châu như GS Trần Văn Khê”- GS Hoàng Chương cho biết.

Còn với nhạc sĩ lão thành Nguyễn Văn Tý, trong con mắt ông, GS Khê là một người vĩ đại. Người nhạc sĩ 90 tuổi rưng rưng nói về người anh lớn trong nghề: “Cái vĩ đại nhất của GS Trần Văn Khê là hiểu biết của ông về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông là một kho tri thức về chèo, tuồng, ả đào, hát xẩm, hát ví, hát bài chòi, điệu hò, điệu lý, nhạc tài tử… Cả kho tàng âm nhạc dân gian, ông là người hiểu nhất”.

Nếu ai đã có may mắn tham gia các buổi nói chuyện của GS Trần Văn Khê sẽ thấy, ông đúng là một kho tri thức khổng lồ. Chưa ai vượt qua được ông về trí nhớ, kiến thức và những cảm nhận tinh tế trong âm nhạc dân tộc. Và cũng chưa ai vượt được ông ở bầu nhiệt huyết dành cho thế hệ trẻ trong nước. Năm 2006, ông về nước định cư với quyết tâm đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với thế giới tuổi thơ. Ông thực sự buồn khi thấy sách dạy âm nhạc cho trẻ em trong nhà trường soạn theo hệ thống ký âm phương Tây “đồ, rê, mi, pha, son…” chứ không phải “hò, xừ, xang, xê, cống” theo hệ thống ký âm ngũ cung của âm nhạc dân tộc. “Cái ấy nó không tốt cho tim óc trẻ thơ, vì nó tách các cháu ra khỏi cái nôi âm nhạc dân tộc mình”- giáo sư đã có lần tâm sự như vậy.

Khoảng trống và bóng mát

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, một học trò gần gũi của GS Trần Văn Khê chia sẻ cảm xúc khi nghe tin ông mất: “Càng làm việc với thầy Khê càng kính nể sự uyên bác của ông. Ông có 3 bằng tiến sĩ, nói lưu loát nhiều ngoại ngữ, đã đi qua 68 nước dự hàng trăm cuộc hội thảo về âm nhạc dân tộc. Sẽ khó tìm được ai nối bước sau ông. Một khoảng trống rất lớn và hầu như không thể bù đắp”.

Ca sĩ Tùng Dương tâm sự với phóng viên NTNN: “Đối với tôi, GS Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu và truyền bá văn hoá, âm nhạc dân gian vĩ đại của Việt Nam. Tôi có duyên được gặp gỡ cả gia đình giáo sư trong rất nhiều buổi biểu diễn tại Pháp và Việt Nam. Tôi nhớ như in câu nói của ông sau đêm diễn “Tùng Dương và Nguyên Lê” khi ông gặp tôi: "Tùng Dương là 1 trong những nghệ sĩ trẻ có thái độ tử tế với âm nhạc dân gian trong khi rất nhiều người phá hỏng nó. Bác mong cháu tiếp tục con đường “Độc đạo” như ngày hôm nay cháu đã làm với Nguyên Lê". Nghe tin ông mất, tôi thực sự thấy buồn và trống vắng”.

GS Trần Văn Khê là một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, được tất cả các nhạc sĩ từ già đến trẻ đều yêu quý, ngưỡng mộ bởi chính ông, bằng kiến thức, tài năng và tâm huyết của mình đã giúp cho nhiều người Việt Nam và nhiều người trên khắp thế giới hiểu và yêu vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc.

Ngôi nhà của giáo sư ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa, âm nhạc dân tộc nổi tiếng. Rất nhiều nghệ sĩ đã đến để xin làm học trò của giáo sư, tiếp nối con đường làm rạng rỡ kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam. Và trong di nguyện của ông, căn nhà này sẽ vẫn là một địa chỉ văn hóa để âm nhạc dân tộc được vang lên trong một không gian ấm áp và thuần khiết.

Đã ngừng đập một trái tim lớn, một bầu máu nóng, một tình yêu nước nồng nàn chảy trong huyết quản người con trai của làng Vĩnh Kim (Tiền Giang). Cũng bởi tình yêu quê hương xứ sở ấy mà ông đã vượt qua mọi khắc nghiệt của số phận, làm nên một sự nghiệp lớn, rạng danh đất nước. Sau lưng cây đại thụ ấy là khoảng trống khó có người thay thế, nhưng di sản của ông để lại vẫn tỏa bóng mát cho các thế hệ học trò và cho những người yêu mến âm nhạc dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh ngày 24.7.1921 tại làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình 4 đời làm nhạc sĩ. Năm 1958, ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ khoa Âm nhạc tại Trường ĐH Văn khoa Paris (Pháp) với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Ông đoạt được rất nhiều giải lớn của các giải thưởng âm nhạc danh tiếng trên thế giới như Giải thưởng lớn của Hàn lâm viện Đĩa hát Pháp các năm 1960, 1970; Giải thưởng Đĩa hát Đức năm 1969, Giải thưởng Âm nhạc UNESCO năm 1981... Năm 1998, ông được nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa dân tộc; năm 1999 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem