Nhắm đến vụ lúa thu đông hiệu quả cao

Thứ ba, ngày 19/07/2011 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khung thời vụ để xuống giống lúa thu đông rất hẹp tại một số tỉnh, thời gian xuống giống lúa cho cả vụ chỉ khoảng 50 ngày, một số vùng chỉ có thời gian chuyển từ hè thu sang thu đông 10 - 15 ngày.
Bình luận 0

Để sản xuất lúa thu đông an toàn, hiệu quả cần phải xem xét các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, thời vụ xuống giống tùy thuộc nhiều vào tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn và tình hình cung cấp, thoát nước của ruộng lúa. Bên cạnh việc tuân thủ xuống giống tập trung, né rầy theo dự báo rầy nâu di trú của cơ quan BVTV địa phương và cơ quan BVTV vùng.

Theo dự báo của Trung tâm BVTV phía Nam, tình hình mưa trong tháng 8 rất cao kết hợp với nước lũ bắt đầu dâng, nên thời vụ thu đông 2011 cần khẩn trương xuống giống trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 8 tùy theo điều kiện mỗi địa phương.

img
Áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật canh tác, sẽ tăng hiệu quả của cây lúa.

Thứ hai, thời gian chuyển giữa vụ hè thu sang thu đông ngắn sẽ dẫn đến việc ngộ độc hữu cơ vào đầu vụ do chưa xử lý tốt rơm rạ của vụ lúa trước, bà con nông dân cần chú ý tháo nước, sục bùn hoặc có thể sử dụng Trico ĐHCT với liều lượng 100g/1.000m2, pha 2 bình 16 lít, mỗi bình 50g, phun đều trên mặt ruộng. Đất cần phải đủ độ ẩm nhưng không được ngập nước để tăng cường hiệu quả của chế phẩm này.

Thứ ba, cần lưu ý thêm vụ lúa thu đông xuống giống trong mùa mưa, nước lũ bắt đầu dâng cao và một số nơi sẽ thu hoạch khi nước dâng cao. Do đó cần phải chuẩn bị máy bơm nước chống úng vào đầu và cuối vụ lúa. Ngoài ra mưa gió trong khoảng thời gian sinh trưởng và phát triển của lúa cũng dễ phát sinh các loại dịch bệnh như cháy lá, đốm vằn, cháy bìa lá…, nên cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, thân thiện với môi trường.

Cuối cùng, lưu ý nhất vẫn là việc bón phân cho lúa thu đông. Cần phải hạn chế việc bón thừa phân đạm, đây là nguyên nhân dẫn đến việc làm sụt giảm năng suất do: Dễ gây phát sinh và phát triển dịch hại, cây lúa dễ bị mềm yếu, đổ ngã, nhất là trong điều kiện mưa, bão. Phân bón cần được cung cấp một cách đầy đủ, nhưng cân đối như đã được hướng dẫn.

Không nên sử dụng phân bón chứa đạm dạng lỏng như một số bà con nông dân ở nhiều địa phương Nam Bộ đã sử dụng trong một vài vụ lúa trước đây, vì lượng cung cấp đạm cùng lúc quá nhiều dẫn đến thừa đạm, cây yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công. Một số bà con cũng cho biết thương lái rất ngại thu mua các loại lúa có sử dụng phân bón dạng này vì chất lượng xay chà gạo rất thấp. Ngoài ra việc sử dụng các loại phân bón qua lá cũng cần được cân nhắc, xem xét về hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem