Nhãn lồng dính “thảm họa kép”

Thứ ba, ngày 30/08/2011 19:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bị nhãn Thái Lan, Trung Quốc và nhãn ở các vùng khác “đánh cắp” thương hiệu cùng với sức ép được mùa rớt giá đang gây những khó khăn cho đất nhãn nổi tiếng ở miền Bắc: Hưng Yên.
Bình luận 0

Chợ nhãn Bảo Châu, Phố Hiến (TP. Hưng Yên) những ngày này tấp nập ô tô, xe máy ra vào “ăn” nhãn. Theo Sở NNPTNN Hưng Yên, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh năm nay khoảng 3.300ha, trong đó giống vải chất lượng cao chiếm hơn 60-70% Ước tính sản lượng nhãn đạt hơn 40.000 tấn, gấp đôi năm 2010.

img
Dù được mùa nhưng người trồng nhãn Hưng Yên không vui vì giá bán thấp.

Sản lượng gấp đôi, giá còn một nửa

Gia đình ông Bùi Quang Thái (xã Tân Hưng, Ân Thi) trồng hơn 8 sào nhãn và năm nay được mùa lớn nhất từ trước đến nay với sản lượng ước đạt hơn 5 tấn. Tuy nhiên, ông Thái trăn trở: “Bán nhãn cho tư thương, dù nhãn ngon nhưng cũng vẫn bị ép giá, giá chỉ bằng hơn nửa năm ngoái”.

Được biết phần lớn người dân các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, TP.Hưng Yên… đã đưa những giống nhãn chất lượng cao như nhãn cùi, nhãn đường phèn nên quả mọng hơn, da trơn, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, nhãn chất lượng cao mà giá lại không tương xứng khiến người trồng nhãn nản lòng. Với người trồng nhãn Hưng Yên được mùa cũng đồng nghĩa là thực tế buồn: Rớt giá.

Khảo sát của NTNN tại chợ Bảo Châu (Phố Hiến, TP. Hưng Yên), phần lớn các thương lái ở đây cho rằng, giá nhãn khi thu hoạch đại trà năm nay chỉ từ 12.000 - 15.000 đồng/kg đối với nhãn bình thường và 20.000 - 25.000 đồng/kg đối với nhãn ngon, đẹp mã; riêng nhãn nước, nhãn thóc dùng xoáy long nhãn chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/2 năm ngoái.

Chị Trần Thị Phụng chuyên buôn bán hoa quả ở chợ Bảo Châu khẳng định: “Được mùa không rớt giá mới là lạ”. Chị Phụng tiết lộ, đối với những mặt hàng hoa quả tươi ở VN, vì không được bảo quản tốt nên người dân khi thu hoạch rộ phải bán tống, bán tháo. “Nhãn tươi, vải tươi mà không tiêu thụ ngay thì “hao” (giảm trọng lượng-PV) nhanh lắm em à”- chị Phụng nói.

Bị “đánh cắp thương hiệu”

Dù đã có một thương hiệu nổi tiếng ở khắp cả nước, nhưng cứ đến hẹn lại lên, người trồng nhãn luôn thấp thỏm nỗi lo được mùa rớt giá. Thực tế, bài toán thu hoạch, bảo quản nhãn vừa nhằm đảm bảo chất lượng nông sản vừa tạo ra lợi nhuận xứng đáng cho người trồng nhãn vẫn chưa có lời giải hiệu quả. Được biết, có đến hơn 90% sản lượng nhãn ở Hưng Yên đều bán tươi tại vườn hoặc ở chợ qua tay thương lái. Vì thế với việc thời gian thu hoạch ngắn, loại hoa quả này khó tránh khỏi bị tư thương ép giá.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tính đến năm 2011, diện tích nhãn cả nước vẫn duy trì khoảng 100.000ha với tổng sản lượng quả ước tính 500.000 tấn. Trong các loại cây ăn quả, diện tích cây nhãn nhiều chỉ đứng sau cây chuối và được xếp vào danh sách cây ăn quả chủ lực của VN.

Bên cạnh thực tế được mùa rớt giá, người trồng nhãn Hưng Yên năm nay còn phải đối mặt với một cơn bão mới: Bị đánh cắp thương hiệu. Ngay từ tháng 7, người trồng nhãn đã phải mất ăn mất ngủ vì trong khi nhãn nhà chưa thu hoạch thì trên các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh… đã ngập tràn “nhãn lồng Hưng Yên”.

Theo một cán bộ Phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hưng Yên), tại thời điểm đó, nhãn trên thị trường chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Thái Lan. Ông này cũng cho biết, nhãn lồng Hưng Yên vỏ dày, màu vàng tự nhiên, cùi giòn, hạt nhỏ, có mùi thơm tự nhiên. Còn nhãn “nhái” vỏ mỏng, màu vàng sậm, múi mềm, ăn có vị ngọt hắc, lá dài to…

Tìm hiểu của NTNN, do thời tiết khắc nghiệt, nhất là giá rét đầu năm nên trà nhãn sớm ở Hưng Yên hầu như bị mất mùa. Tranh thủ thời cơ này, các thương lái ồ ạt nhập nhãn Thái Lan, Trung Quốc và một số nhãn có nguồn gốc khác rồi tự ý dán mác… nhãn lồng Hưng Yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem