Nóng chuyện bạo lực
Các án mạng gia đình liên tục diễn ra trong vài ngày gần đây khiến nhiều người sởn gai ốc. Gia đình là bến đỗ bình yên, cha mẹ là người yêu thương, trân trọng thì bỗng nhiên ác hơn hổ dữ.
Chỉ trong 2 ngày 22-23.6, Vĩnh Phúc rúng động với 2 vụ án giết người mà kẻ xuống tay lại chính là những người thân thích cùng chung dòng máu. Một vụ, người mẹ N.T.L (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chỉ vì giận chồng cũ đi lấy vợ mới mà dùng dao chém đứa con trai 8 tuổi đến chết để trả thù. Còn vụ kia là cháu nội dùng gậy hạ sát bà chỉ vì bà khuyên nhủ cô gái mà hắn theo đuổi, không nên yêu cháu bà vì hắn vốn là người hung hăng, thích bạo lực.
Còn ngày 24.6, Hồ Thị Sen (29 tuổi, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà, Quảng Nam) cũng bóp chết đứa con 2 tháng tuổi chỉ vì giận chồng hay đi rượu chè… một mình.
Ông Hoa Hữu Vân – Vụ phó Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng là do cấu kết trong cộng đồng thôn ấp bị lơi lỏng, tình người nhạt. Đó là lý do nhiều vụ BLGĐ tuy đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không hề có tổ chức nào đứng ra can thiệp, giúp đỡ, khiến bạo lực ngày càng leo thang. Sau khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra, dư luận đặt câu hỏi sao không can thiệp sớm thì cán bộ chính quyền thường đổ tại “nạn nhân không có đơn kêu cứu”. Điều này là trái luật, vì trong Luật Phòng chống BLGĐ đã có quy định, chỉ cần bất cứ ai thông báo về BLGĐ thì chính quyền đều có nhiệm vụ phải đứng ra giải quyết.
Ông Vân phân tích thêm, tình làng nghĩa xóm hiện nay nhạt là do di dân, người làng ra đi, người nhập cư nơi khác đến, gia đình vắng vẻ, đóng cửa, các sinh hoạt chung thưa vắng, dẫn đến nếp sống “tối lửa tắt đèn có nhau” cạn kiệt.
Gay gắt thế hệ
Bữa cơm của gia đình bà Lê Thị Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam) trước đây luôn “tanh bành” như trận chiến. Gia đình bà có tới 14 người. Mẹ chồng đã 93 tuổi, vợ chồng bà cùng vợ chồng 2 con trai và 5 đứa cháu nội. Vài năm trước, con gái bà chia tay với chồng, mang theo đứa con gái nhỏ về sống cùng bố mẹ. Bà nghĩ đơn giản là ăn chung để gia đình đông đúc, sum vầy, đỡ bày biện bát đũa, bếp núc. Bà còn khỏe, cũng đỡ đần việc nội trợ cho các con dâu. Nhưng bữa ăn 14 người, cả già lẫn trẻ quá phức tạp, mỗi người một khẩu vị, một giờ giấc. Vì vậy bà chỉ lo được 2-3 tháng rồi đầu hàng, đành cho các con ra ở riêng. “Ngày xưa ông bà tôi đẻ tới 7 con, sau khi lập gia đình vẫn ở chung, ăn chung mà ít khi thấy tiếng cãi cọ. Sao bây giờ khó thế” – bà Thủy chia sẻ.
“Sự thay đổi chóng mặt của xã hội khiến không ít người bị nhiễu loạn giá trị, mất định hướng cho hành vi cá nhân. Do đó, họ trở nên mất kiểm soát. Khi giận dữ, đau khổ, căm giận, họ không biết cách giải quyết mâu thuẫn mà trút hận lên bất cứ ai họ “đổ tội”.
- TS Vũ Mạnh Lợi - Trưởng phòng Nghiên cứu gia đình (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm Tư vấn An Việt Sơn cho biết, mâu thuẫn gay gắt, khó giải quyết nhất chính là sự khác biệt về tâm lý, nhu cầu giữa các thế hệ. Ngày nay, khi mức sống được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng tinh tế và mang màu sắc cá nhân hơn, giữa các thế hệ rất khó tìm ra mẫu số chung. Nếu như ai thiếu sự nhường nhịn, thông cảm, đặt cái “tôi” cá nhân lên trên hết thì khó tránh sự cãi cọ, tranh giành, bạo lực. Do đó, muốn hóa giải mâu thuẫn gia đình, mỗi người phải biết lựa chọn giữa thỏa mãn cái “tôi” và dung hòa cái chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.