Nhân sự giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cần có những tiêu chuẩn gì?

PVCT Thứ hai, ngày 14/12/2020 14:46 PM (GMT+7)
Nhân sự được giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt
Bình luận 0

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 14 khóa XII đã khai mạc sáng 14/12. Tại hội nghị ngày, Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét, bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Cách đây gần 1 tháng, ngày 20/11/2020, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Nhân sự giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cần có những tiêu chuẩn gì? - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước (ảnh TTXVN).

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm). Trung ương sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Nhân sự được giới thiệu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới, cần có những tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào để đánh giá?

Theo Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý:

Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn: Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm. Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.

Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.

Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu. 

Đối với tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương: Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách.

Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương. 

Nhân sự giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngoài những tiêu chuẩn cụ thể, còn có các tiêu chuẩn chung như: Về tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; trình độ phải tốt nghiệp đại học trở lên; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm.

Tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương (tháng 5/2020), ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Về số lượng Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII cố gắng giữ như khóa XII, từ 17 - 19 đồng chí, Ủy viên Ban Bí thư từ 12 - 13 đồng chí.

Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), số Ủy viên Bộ Chính trị được bầu là 19 người, đến nay có 1 trường hợp bị xử lý hình sự (ông Đinh La Thăng), 1 trường hợp qua đời, 1 trường hợp nghỉ chữa bệnh.

Còn Bí thư khóa XII có 14 người, có 4 trường hợp được bổ sung tại Hội nghị Trung ương 6 (năm 2017) và Hội nghị Trung ương 7 (năm 2018).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem