Nhận thức từ cơn lũ dữ

Thứ sáu, ngày 22/10/2010 14:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lũ miền Trung qua đi để lại quá nhiều đau thương. Người dân cả nước theo dõi từng khắc công tác trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn và các nạn nhân xấu số, xót xa trước những cái chết thương tâm...
Bình luận 0

Người hảo tâm trong và ngoài nước cũng đã đóng góp hỗ trợ người dân vùng lũ, mỗi lần thiên tai xảy ra, là mỗi lần thấy được tình đồng bào thắm thiết.

Nhưng ngoài những cảm xúc về sự mất mát, câu chuyện sẻ chia nghĩa tình, cần phải có sự tỉnh táo nhìn nhận, đánh giá lại nguyên nhân của những đợt lũ lớn tại miền Trung vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, bão lũ là do thiên tai, nói như vậy quá dễ, bởi vì có những cơn lũ không phải chỉ do thiên tai mà nó còn có sự "góp sức" của chính con người. Trong cơn lũ hung dữ tại miền Trung, con người đã góp sức thêm cho thiên tai những gì, đó là câu hỏi cần phải có lời giải đáp.

Trả lời báo chí, ông Trần Đình Đàn - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng: "Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thuỷ điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển".

Ông Đàn khẳng định, trong thời gian làm lãnh đạo tại Hà Tĩnh, ông đã đi thực tế và tận mắt chứng kiến sự thay đổi dòng chảy tự nhiên do các công trình giao thông và thủy điện. Ông phân tích, trong quá trình làm hồ đập thủy điện, không có quy hoạch từ trước nên thấy chỗ nào có điều kiện là địa phương giao chủ đầu tư.

Khi làm thủy điện, người ta lại chặt cây, mở đường rộng cả trăm mét. Có những nơi, tỉnh cho diện tích khoảng 200ha gồm cả đường lẫn khu vực thi công nhưng doanh nghiệp chặt lên đến 300ha. Trong trường hợp này, vùng đó sẽ mất đi các cây cổ thụ, cây lớn - điều kiện để bảo vệ khu rừng đó khỏi nước lũ. Theo ông, đường Hồ Chí Minh được xây dựng cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước.

Những phân tích của ông Trần Đình Đàn hoàn toàn có cơ sở và việc quan trọng là cần phải khảo sát hệ thống giao thông, các công trình thủy điện để có biện pháp khắc phục. Chúng ta can thiệp quá nhiều vào tự nhiên nhưng lại không tuân theo quy luật của tự nhiên, cho nên khi có thiên tai bão lũ, người dân vùng hạ lưu phải chịu toàn bộ hậu quả từ việc làm thiếu khoa học và tôn trọng tự nhiên đó.

Nói về các công trình thủy điện gây hậu quả về lũ lụt, ông Trần Đình Đàn cho rằng bản thân cũng có trách nhiệm vì lúc đó ông đang là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Vậy thì, những người khác, cho phép xây dựng các công trình dẫn đến thay đổi dòng chảy tự nhiên cũng phải có trách nhiệm. Các công trình giao thông, thủy điện là cần thiết, nhưng không thể vì thế mà làm bằng mọi giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem