Ngày quốc tế phụ nữ năm 2022: Chuyện xúc động về cô Hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời"

Lan Anh – Nguyệt Minh Thứ ba, ngày 08/03/2022 07:04 AM (GMT+7)
Ngày quốc tế phụ nữ năm 2022 khá đặc biệt với cô Nguyễn Thị Thúy Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam (Hà Nội), người vừa được vinh danh "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0

Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2022 đối với cô Nguyễn Thị Thúy Hường - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai,TP Hà Nội) cùng các cô giáo trong trường khá đặc biệt.

Trường Tiểu học Lĩnh Nam tĩnh lặng, vắng tiếng nô đùa của học sinh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong ngày Quốc tế phụ nữ năm 2022.


Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 1.

Trưởng Tiểu học Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Minh

Phần thưởng bất ngờ

Trước ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chỉ có mình cô Hường đến trường làm việc. 

Gặp cô Hường, chúng tôi cảm nhận như được gặp lại người thân quen. Có lẽ, cũng bởi sự gần gũi toát ra từ trong tâm của người phụ nữ dành cả tâm huyết cho trẻ và cho việc làm thiện nguyện nên khiến chúng tôi, người ngồi đối diện cảm thấy như vậy.

Cô Nguyễn Thị Thuý Hường sinh năm 1977 quê gốc ở Vĩnh Phúc, nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam quận Hoàng Mai, Hà Nội. 

Cô từng học Trung cấp sư phạm tiểu học, Cử nhân Khoa học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi Cử nhân Khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và tiếp tục theo học và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục. 

Năm 2000, cô Hường được Thành phố Hà Nội tuyển dụng vào ngành Giáo dục. Trải qua nhiều vị trí công tác và nhiều năm phấn đấu, được sự tin yêu, tín nhiệm của đồng nghiệp và sự tin tưởng của cấp quản lý, tháng 5/2019 cô được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND về việc tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2022 cho 12 cá nhân. 

Cô Nguyễn Thị Thúy Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam vinh dự là một trong các cá nhân được vinh danh.

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Thuý Hường sinh năm 1977 quê gốc ở Vĩnh Phúc, nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Lan Anh

"Thông tin tôi được vinh dự là 1 trong 12 người được trao danh hiệu, tôi được biết đầu tiên từ cuộc điện thoại của nhà báo. Đến sáng nay (7/3), tôi cũng đã nhận được quyết định chính thức từ cấp trên. 

Quả thật, tôi rất vui mừng khi nhận được sự động viên này. Nhưng điều tôi vui mừng nhất là tinh thần và tâm nguyện của mình đã được ghi nhận và lan tỏa tới mọi người. 

Tôi tin rằng sẽ còn nhiều người nữa ở ngoài xã hội, nếu họ được truyền cảm hứng sẽ làm tốt hơn tôi rất nhiều" - cô Hường chia sẻ.

Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

Trường Tiểu học Lĩnh Nam nằm ở quận Hoàng Mai. Ngôi trường 4 tầng được xây dựng khang trang, với đầy đủ các phòng học, khu vui chơi. 

Vì nằm ngay cửa ngõ của Thủ đô, Hoàng Mai cũng là khu vực luôn đón nhận rất nhiều người lao động từ các tỉnh lên sinh sống và làm việc. 

Chính vì thế, sức ép lên những trường công như Trường Tiểu học Lĩnh Nam là rất lớn khi bị quá tải về số lượng học sinh; tuy nhiên trường đã nhận được sự quan tâm, đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất của quận. 

Cũng bởi thế, đứng trước khó khăn cũng như thuận lợi cô Hường luôn suy nghĩ, bàn bạc tham khảo ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, của phụ huynh học sinh để có thể đảm bảo được môi trường học tập tốt nhất cho các em học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần.

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 3.

Cô Hường trong một buổi sinh hoạt cùng các em học sinh (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19). Ảnh nhân vật cung cấp.

Trong quá trình làm quản lý, từ tâm huyết với nghề, với trăn trở cho các em học sinh, cô Hường đã tham mưu với lãnh đạo cấp trên xây dựng, đầu tư cho các em đầy đủ trang thiết bị giảng dạy, tổ chức tốt nhiều hoạt động tập thể ý nghĩa để học sinh được giao lưu, vui chơi, phát triển toàn diện.

Năm 2020, cô Hường đã đề xuất xây dựng một sân bóng mini. Đối với cô, đây không chỉ là sân bóng để cho các em học sinh vui chơi, thỏa niềm yêu thích với môn thể thao "vua" mà cô còn gửi gắm vào đó những hi vọng về những mầm non tươi sáng cho bóng đá Việt Nam giống như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hoàng Đức…

Nói về sân bóng, cô Hường hạnh phúc chia sẻ: "Đã có nhiều em học sinh học xong lớp 5 ở trường được tuyển thẳng vào đội tuyển bóng đá nhi đồng của thành phố. 

Tôi mong muốn rằng đây sẽ nơi ươm mầm ước mơ của các em và nhiều thế hệ học sinh trường kế tiếp. Để sau này nếu các em có thành công, có thể quay về trường và ôn lại kỉ niệm về những bước chân đầu tiên trên sân bóng của trường mình".

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 4.

Sân bóng để cho các em học sinh vui chơi, thỏa niềm yêu thích với môn thể thao "vua". Ảnh: Lan Anh

"Có sức khỏe là có tất cả", tâm niệm vậy nên cô Hường nhiều đêm trăn trở về việc tìm giải pháp lo cho sức khỏe của các em học sinh ở trong trường. 

Thế rồi, cô mạnh dạn đề xuất với quận xin kinh phí đầu tư khu vui chơi đầy đủ cho các em; lắp đặt 92 vòi rửa tay cho học sinh; trồng cây xanh quanh trường tạo môi trường xanh.

"Việc lắp đặt hệ thống vòi nước rửa tay đã hình thành thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày cho học sinh và đem lại hiệu quả tác động đến các em rất lớn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Các em sau khi hoạt động vui chơi, ăn uống được rửa tay sạch sẽ, an toàn. Điều này đảm bảo cho các em một sức khỏe tốt, thói quen tốt, học tập tốt hơn", cô Hường bộc bạch.

Trong thời ky phòng chống dịch bệnh, nhà trường phải tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian dài. Để nâng cao chất lượng, sự hấp dẫn của các bài dạy trực tuyến, cô đã mời chuyên gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên kĩ năng thiết kế giáo án điện tử, tổ chức cuộc thi tại trường bổ sung vào thư viện số giáo án điệt tử có chất lượng và có 24 giáo viên tham gia, có 15 bài giảng điện tử gửi Bộ GD&ĐT tham gia dự thi.

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 5.

Ngày quốc tế phụ nữ năm 2022 rất đặc biệt với cá nhân cô Hường và các cô giáo Trường Tiểu học Lĩnh Nam. Ảnh: Nguyệt Minh

Đặc biệt, qua chuyên mục "mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp, 1 cuốn sách hay, 1 tấm gương sáng" khuyến khích học sinh tóm tắt lại câu chuyện, rút ra bài học cho bản thân, nhiều học sinh đã có ứng dụng vào đời sống thực tế. Có nhiều đầu sách phát hành online đã có hơn 22 ngàn lượt xem và nghe.

Cô Hường và đồng nghiệp còn xây dựng các video giáo dục rèn luyện thể chất cho học sinh với các động tác, âm nhạc hiện đại, phù hợp tâm lí, lứa tuổi… tiếp tục xây dựng thư viện số với các sách nói có nội dung liên quan đến pháp luật qua các câu hỏi rất thực tế trong đời sống hằng ngày dưới kiến thức pháp luật được tư vấn của Tiến sĩ luật Nguyễn An, tác giả của sách Giáo dục công dân.

Việc bổ sung kiến thức pháp luật cơ bản đã giúp giáo viên và học sinh có thể chủ động tự bảo vệ mình trong cuộc sống, trước bạo lực gia đình ngày càng gia tăng như vừa qua. 

Làm thiện nguyện cho đến khi chân không thể bước đi

Không dừng lại ở việc quan tâm đến những em học sinh, cô Hường luôn muốn chia sẻ tấm lòng của mình đến với cộng đồng, những người đang ấp ủ ý tưởng làm thiện nguyện.

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 6.

Cô Hường cùng các bạn tình nguyện trong một lần trao quà cho bệnh nhân chạy thận trên phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cũng bởi vậy, Hà Nội trong những đợt dịch khó khăn, người ta càng cảm nhận rõ sự đoàn kết và cần tấm lòng của con người hơn bao giờ hết. 

Hiểu được những khó khăn đó, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô Hường đã cùng các giáo viên, phụ huynh làm mặt nạ chống giọt bắn với hơn 4.360 chiếc tặng cho các cơ sở y tế, khu cách ly, Bệnh viện Sơn Tây, Khu cách ly Pháp Vân và Y tế phường đại Kim, Hoàng Mai…

Cũng trong dịp này, cô Hường cùng mọi người chung tay đóng góp vào chương trình "Máy tính cho em". Kết quả, chương trình huy động được hơn 40 triệu đồng góp một phần nhỏ vào việc mua thiết bị cho học sinh nghèo vượt khó.

Cô Hường chia sẻ, cá nhân con gái của cô cũng ủng hộ 1 chiếc máy tính, còn đối với bản thân cô cũng trao tặng một chiếc điện thoại thông minh mới cho em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Dù bận rộn với công việc, song với lòng nhân ái, mong muốn giúp đỡ được nhiều người, từ năm 2014, cô Hường sáng lập quỹ "Gieo mầm nhân ái". Xuất phát từ cái tâm, mỗi năm, cô Hường tự trích thu nhập hàng năm của mình gửi vào quỹ với mục đích chia sẻ với cộng đồng.

Đến nay, Quỹ đã tặng quà cho 41 học sinh của trường Tiểu học Lĩnh Nam; 107 em học sinh trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thọ, Văn Chấn, Yên Bái; 123 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai; tặng 800 mũ ấm cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phải điều trị hóa chất bị rụng tóc tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi TW. 

Hơn 5 tấn gạo, 300 tùng mì tôm cũng được trao tặng tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở bãi giữa sông hồng, ở thị trấn Hương Canh, Vĩnh Phúc; Nhiều bộ quần áo cho các trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An; Hơn 2.000 khẩu trang KT N95 và hơn 5.000 hộp sữa nhu yếu phẩm với nhân viên y tế, bác sĩ, chiến sĩ tham gia chống dịch Covid-19.

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 7.

Nhóm thiện nguyện do cô Hường đứng đầu trao quà cho Trung tâm máu Quốc gia. Ảnh nhân vật cung cấp

Quỹ "Gieo mầm nhân ái" đã đồng hành với những bệnh nhân ở "xóm chạy thận" Bệnh viện Bạch Mai ngay từ năm đầu tiên thành lập đến nay. Đều đặn mỗi năm 1 lần vào dịp Tết Nguyên đán, quỹ đến trao tặng quà Tết, lì xì, bánh kẹo, gạo,… cho những người bệnh đang cư ngụ ở xóm này.

May mắn khi được chia sẻ!

Tuổi thơ đã một phần tạo nên cái tâm của cô Hường bây giờ. Cô nhớ về những điều được kể lại từ gia đình: "Bố tôi kể lại rằng, có rất nhiều người đàn ông cùng thời của bố đã tham gia chiến đấu ở cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhiều người đã ra đi mãi chẳng bao giờ trở về. Bố tôi cùng vài đồng đội may mắn là thương bệnh binh còn sống sót trở về nhà. 

Và tôi là một trong những đứa trẻ được sinh ra bởi những người thương bệnh binh đó. Đứa trẻ may mắn có một cơ thể đầy đủ lành lặn, biết ăn, biết nói, biết cười và đi học mỗi năm một lớp. Chỉ điều giản dị đó thôi cũng là cả một bầu trời hạnh phúc đối với gia đình tôi sau những mất mát và hy sinh, gian khổ trong chiến tranh".

Cũng chính bởi thế, trong tâm niệm cô Hường luôn cho rằng cuộc sống của mình đã may mắn hơn rất nhiều so với người khác, vì vậy bản thân cô muốn hiện sự biết ơn về điều mà mình đã nhận được bằng cách chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, kém may mắn hơn mình với tinh thần "Lá rách ít đùm lá rách nhiều", những người có khả năng giúp đỡ người khác là người rất may mắn.

Chuyện xúc động về cô hiệu trưởng cần mẫn mang "trái ngọt cho đời" - Ảnh 8.

Ngoài lĩnh vực giảng dạy, cô Hường còn được biết đến như một họa sĩ, có nhiều tác phẩm đẹp. Ảnh: Nguyệt Minh

Cô Hường tin rằng không phải là cứ cho tiền mới là thiện nguyện. Cô quan niệm, thiện nguyện không nhất thiết là phải quên góp ủng hộ tiền, vật chất mà nó có thể là lời nói ái ngữ, nụ cười, sự chân thành hoặc ánh mắt vui vẻ, dịu dàng đến những người xung quanh.

Mỗi khi làm việc thiện nguyện, hạnh phúc là điều mà cô Hường cảm nhận rõ rệt từ trong trái tim. Khi đến thăm tặng quà cho hơn 600 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cô Hường được học rất nhiều điều từ các bệnh nhân về sự kiên cường, tinh thần lạc quan, thái độ sống tích cực…. 

Cô Hường ấn tượng và nhớ nhất với 1 bác bị rụng hết tóc do tác dụng phụ của hóa chất điều trị ung thư, bác nói với cô rằng: "Năm sau không biết có gặp lại cháu không nhưng đây là sẽ món quà với kỷ niệm đẹp và bác thấy ấm lòng, cảm ơn các cháu!".

Đó là một lời cảm ơn giản dị nhưng rất xúc động giúp cô Hường có động lực để chia sẻ nhiều hơn nữa. Niềm vui, hạnh phúc cứ thế nhân nhiều lên mỗi khi cô làm thiện nguyện. Cho đi một chút về vật chất nhưng nhận lại món quà tinh thần vô giá. Những điều đó luôn là một phần động lực trong hành trình cuộc sống của cô.

Cô nói trước khi chia tay: "Khi nào còn thở thì sẽ còn làm, thiện nguyện không phải chỉ là trao cho nhau vật chất, tiền bạc mà thiện nguyện còn là cho đi sự quan tâm chân thành, cho đi nụ cười, cho đi ánh mắt nhìn trìu mến, cho đi lời động viên tích cực, trao đi cái nắm tay, cái ôm ấm áp tình người".

Nhân dịp ngày quốc tế phụ nữ năm 2022, cô Hường đón nhận nhiều niềm vui từ cuộc sống, trong sự nghiệp "trồng người". Cô Hường chia sẻ: "Năm nay, ngày 8/3 có ý nghĩa lớn đối với bản thân, tôi cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn vì được nhận danh hiệu gương người tốt, việc tốt năm 2022, được phụ huynh, học sinh yêu mến. Những món quà này là động lực to lớn giúp tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong công việc, quản lý, chăm lo cho các em học sinh, đặc biệt, là đối với hoạt động làm thiện nguyện trong tương lai".




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem