Tái đàn lợn thời dịch tả lợn châu Phi: Nông hộ nhỏ lẻ "hết cửa" (Bài 3)

Trần Khánh Thứ năm, ngày 04/06/2020 19:00 PM (GMT+7)
Một số ý kiến cho rằng, dịch bệnh, bão giá chính là những "phép thử" để qua đó thanh lọc ngành chăn nuôi lợn, thúc đẩy tái cơ cấu ngành theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Bình luận 0

Nếu coi đây là "phép thử", thì có lẽ nông hộ "hết cửa" sản xuất khi hiện có tới 60-70% nông hộ sống dựa vào nghề chăn nuôi với cách thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún...

Khó chồng khó

Ông Lý Văn Hương (ở huyện Đức Linh, Bình Thuận) kể, trang trại 750 con lợn của ông đã bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) càn quét sạch bách. Khó khăn lớn nhất bây giờ là ông không còn tiền để đầu tư lại trang trại. Trong khi đó, chăn nuôi an toàn sinh học rất tốn kém. Chưa kể hàng loạt những khó khăn khác như con giống giá cao; giá thức ăn chăn nuôi, chi phí phòng bệnh đàn lợn, kiểm dịch... cũng đội lên.

20 năm gắn bó với con lợn rồi mất hết gia sản vì dịch bệnh, sự thận trọng của ông Hương là điều dễ hiểu. Ông Hương cho biết, việc tái đàn hầu như chỉ diễn ra ở những hộ may mắn còn lợn sống sót qua đại dịch. Một số hộ khác có tái đàn thì cũng rất ít, do giá con giống đang ở mức cao và e ngại dịch bệnh.

Bà Trần Mộng Tuyền (ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) thì chia sẻ, bà vẫn còn đang nợ ngân hàng 500 triệu đồng chưa thể trả hết. Vì thế, gần như gia đình bà "không còn cửa" để vực lại nghề chăn nuôi. Với bà, khó khăn lớn nhất là đàn nái đã bị thiệt hại nặng nề sau dịch. Không có nái, đồng nghĩa phải đi mua con giống bên ngoài, trong khi nguy cơ tái phát dịch thì không biết đằng nào mà lần.

Theo bà Tuyền, một số cơ sở chăn nuôi đang tái đàn theo kiểu chọn trong đàn lợn thịt trưởng thành để nuôi thành lợn hậu bị. Nhưng việc dùng lợn thương phẩm để làm nái chỉ là giải pháp tạm thời vì năng suất thấp, dễ phát sinh các lo ngại do yếu tố cận huyết. 

"Điều này cũng làm giảm lượng lợn thịt cung cấp ra thị trường trong lúc thiếu hụt, tuy thế người chăn nuôi không có nhiều lựa chọn" - bà Tuyền giải thích.

Tái đàn lợn thời dịch tả lợn châu phi :  Bài 3: Nông hộ nhỏ lẻ gặp bế tắc - Ảnh 1.

Hộ chăn nuôi ở Bến Tre chăm sóc đàn lợn nái. Ảnh Thạch Thảo

Theo ông Nguyễn Tấn Hậu - Giám đốc Công ty Tám Do ở huyện Long Thành (Đồng Nai), chi phí đầu tư đàn nái bây giờ rất tốn kém, do lợn hậu bị hiện có giá khoảng 10-12 triệu đồng/con, cộng thêm các chi phí chăn nuôi trong 6 tháng để có lứa lợn con mới. Tỷ lệ hao hụt đàn nái lên đến 33%, tăng gấp 6-10 lần so với trước khi xuất hiện DTLCP cũng làm chi phí đội lên rất nhiều.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, với chi phí đầu tư đều tăng cao như hiện nay, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi đã tăng lên từ 60.000-65.000 đồng/kg chứ không còn ở mức 45.000-50.000 đồng/kg như trước nữa. Trong đó, khâu yếu nhất của chăn nuôi trong nước vẫn là ở khâu giống.

Người chăn nuôi hiện nay muốn tái đàn gặp rất nhiều khó khăn vì phải tự xoay xở, hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay vì đầu tư nhiều rủi ro do khả năng dịch tái phát vẫn cao. "Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, trong đó, cần hỗ trợ khâu yếu nhất là sản xuất giống" - ông Công nói.

Cương quyết không cho tái đàn ở hộ nhỏ lẻ

Tại cuộc họp Chính phủ sáng 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ NNPTNT làm rõ một số biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt lợn, trong đó có chi phí thức ăn chăn nuôi, vấn đề giống, tái đàn và đặc biệt là khâu trung gian.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt lợn cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt lợn rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi lợn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, việc tái đàn đang thực hiện ở gần 250 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đồng Nai khẳng định, trong việc tái đàn lợn sau dịch, ngành chức năng địa phương chú trọng bảo đảm an toàn sinh học, khuyến khích thực hiện ở các trang trại quy mô lớn, cương quyết không cho tái đàn đối với các cơ sở nhỏ lẻ.

Chia sẻ vấn đề này, bà Trần Mộng Tuyền cho biết, chính quyền muốn đề cao tính an toàn dịch bệnh cũng như chuyển hướng sang chăn nuôi quy mô lớn. DTLCP đã làm đàn lợn trong dân cũng như số hộ dân chăn nuôi nhỏ sụt giảm đáng kể. 

"Sự gia tăng chăn nuôi quy mô lớn là cần thiết song cũng không thể phủ nhận vẫn còn hàng ngàn nông hộ bấu víu vào nghề nuôi lợn" - bà Tuyền nói.

Theo bà Tuyền, nhiều thời điểm, người chăn nuôi nhỏ lẻ phải đứng ngoài "cuộc chơi" vì dù giá lợn hơi tăng cao, nhưng họ không còn lợn để bán; muốn tái đàn thì không có vốn đầu tư. Công tác dự báo điều hành không tốt khiến cả người tiêu dùng cũng chịu thiệt vì mua thịt giá cao.

Công tác điều hành cần đảm bảo cho nông dân coi chăn nuôi là nghề nghiệp ổn định để mưu sinh. Nhất là với nông dân lớn tuổi làm nghề chăn nuôi đang chiếm số đông vì không còn phù hợp để vào làm ở nhà máy, xí nghiệp. "Khi không còn công việc ổn định thì gánh nặng an sinh xã hội lại đè ngược lên vai nhà nước" - bà Tuyền nói.

Ông Nguyễn Trí Công cho biết, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới sinh kế một bộ phận lớn bà con nông dân, nhất là nông dân chăn nuôi nhỏ, vốn ít. Rõ ràng, chăn nuôi nhỏ lẻ đang mất dần chỗ đứng do yếu thế trong cạnh tranh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem