Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi heo của cả nước. Ảnh:I.T
Một con số thống kê rất đáng chú ý của Bộ NNPTNT đó là, trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo đạt 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng đột biến sau khi Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Theo ông, chúng ta có cần thiết phải nhập với lượng tăng đột biến đến như vậy trong tình hình hiện nay?
- Đúng là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương, thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, đã có 2,5 triệu con lợn, tương đương 7% tổng đàn buộc phải tiêu hủy. Nhưng theo quan sát của chúng tôi ở thị trường phía Nam thì lượng heo cung cấp ra thị trường vẫn tương đối ổn định.
Đơn cử như tại chợ Tân Xuân - chợ đầu mối heo lớn ở Đồng Nai, mỗi ngày vẫn có 5.000 con heo được cung cấp ra thị trường, thậm chí còn nhiều hơn ở thời điểm chưa bùng phát dịch.
Có thể lượng thịt heo nhập khẩu tăng đột biến là do e ngại có thể thiếu hụt nguồn cung thịt khi dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lan rộng. Đúng là ở nhiều tỉnh miền Bắc, do tập quán chăn nuôi, việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học chưa triệt để nên dịch lây lan nhanh, ảnh hưởng nhiều đến tổng đàn nhưng ở khu vực phía Nam hiện các trang trại vẫn còn giữ một lượng heo tương đối lớn. Họ cũng đang thực hiện vô cùng nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học nên tốc độ lây lan của dịch tả lợn châu Phi chậm.
Như vậy, nếu tình hình dịch ở khu vực phía Nam không lan quá rộng thì chắc chắn lượng heo cung cấp cho thị trường từ nay đến cuối năm không đến độ thiếu hụt để phải nhập một lượng lớn thịt heo như vậy.
Rõ ràng, ở một đất nước ngành chăn nuôi heo vẫn chiếm tỷ trọng lớn, thịt heo chiếm đến 75% trong cơ cấu bữa ăn thì việc nhập khẩu quá nhiều thịt heo là không hợp lý. Đứng trên cương vị của người đại diện cho các trang trại, nhà chăn nuôi, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Rõ ràng, chúng ta không thể cấm được việc các doanh nghiệp tăng nhập khẩu thịt heo vì đó là lợi nhuận của họ, ngành công thương chắc cũng có tính toán lượng cung - cầu trên cơ sở đó nhập thịt heo về.
Lượng nhập khẩu thịt heo tăng có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ảnh: I.T
Nhưng đứng trên góc độ của người chăn nuôi thì tôi thấy, việc tăng nhập khẩu thịt heo thời điểm này là không hợp lý. Nếu giả sử lượng thịt heo có thiếu hụt đôi chút thì cũng là cơ hội để người chăn nuôi bán được giá cao, từ đó động viên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn nỗ lực hơn nữa trong bảo vệ đàn vật nuôi và tái đàn khi dịch bệnh ổn định.
Bây giờ, khi các chủ trang trại thấy thông tin lượng thịt heo nhập về quá nhiều có thể khiến tâm lý họ chán nản. Hiện nay, nhiều trang trại lớn cố thủ rất kỹ về vấn đề an toàn sinh học, tích cực bổ sung các chế phẩm để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, tóm lại họ đang căng mình để giữ trại an toàn. Bây giờ lượng thịt nhập tăng chỉ sợ các nhà chăn nuôi chùn bước trước việc duy trì và tái đàn. Rõ ràng, trong bối cảnh giá thịt nhập khẩu thấp hơn giá trong nước thì sẽ không có giá tốt để người chăn nuôi được hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Theo ông, việc nhập khẩu quá nhiều thịt heo còn để lại những hệ lụy gì khác?
- Điều nhiều người băn khoăn là chúng ta có dám chắc 100% nguồn thịt heo và các sản phẩm thịt heo đều an toàn khi khâu kiểm soát của chúng ta vẫn còn yếu, chưa chặt chẽ. Hàng ngày, ở nhiều nơi vẫn liên tiếp phát hiện nguồn thịt nhập không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, bốc mùi hôi thối, vì vậy, nếu không có giải pháp chặt, Việt Nam có thể giống như bãi rác của các loại thịt thải loại. Lúc đó, người tiêu dùng là người phải gánh chịu hậu quả.
Để khuyến khích ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện nay, phát triển ổn định, theo tôi, ngành chức năng cần tính toán nên hạn chế việc nhập khẩu thịt heo. Nếu chúng ta cho nhập ồ ạt lúc này thì chỉ cần một thời gian nữa, nó sẽ như một dòng nước chảy, lượng thịt nhập sẽ tràn về, không còn cách nào ngăn được, bóp nghẹt ngành chăn nuôi trong nước.
Hiện, người chăn nuôi đã rất khổ sở, vất vả rồi, đừng tạo thêm gánh nặng cho họ nữa. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, báo chí thông tin, giá heo hơi trên thị trường đang tăng nhưng thực tế, người chăn nuôi vẫn lỗ.
Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, chi phí giá thành chăn nuôi đang đội lên rất nhiều do người dân phải sử dụng các chế phẩm sát trùng, tăng sức đề kháng cho heo.
Đơn cử như 1 tấn cám, hiện nay, người nuôi đang phải chi thêm 2 triệu đồng để sử dụng các chế phẩm khử trùng, chưa kể các công đoạn khác. Bây giờ thêm nguồn thịt nhập, giá heo không được cải thiện thì người chăn nuôi sẽ thực sự kiệt quệ.
Tôi xin khẳng định lại, nhập khẩu thì đơn giản, bởi bây giờ thị trường đều rộng mở, điều quan trọng là điều tiết thế nào để duy trì sản xuất một cách bền vững, tạo động lực cho các chủ trang trại yên tâm gắn bó với nghề.
Xin cảm ơn ông!
Hiện trên thị trường, nhiều sản phẩm thịt heo từ Mỹ, Ba Lan Tây Ban Nha, Đức, Hungary, Canada và các thị trường khác có giá khá hấp dẫn, thậm chí thấp hơn hàng Việt. Mức giá dao động cho các sản phẩm này chỉ 80.000 -120.000 đồng/kg. Điển hình như sườn heo Canada giá chỉ 90.000 đồng/kg, thấp hơn hàng Việt 40.000 đồng/kg; tim heo, nạc dăm heo Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với hàng Việt. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.