Nhật Bản- Australia: Cùng hội đi cùng thuyền

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 24/10/2022 09:30 AM (GMT+7)
Với chuyến công du của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, lần đầu tiên kể từ năm 2018 mới lại có thủ tướng Nhật Bản tới thăm Australia.
Bình luận 0
Đại sứ Trần Đức Mậu: Cùng hội đi cùng thuyền - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Australia Anthony Albanese bắt tay trong cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo Australia-Nhật tại Perth. Ảnh: AAP

Ông Kishida gặp thủ tướng Australia Anthony Albanese tại thành phố Perth của Australia. Tăng cường hợp tác về khai thác khoáng sản, về đảm bảo an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu trái đất, bảo vệ môi trường sinh thái để cùng gây dựng tăng trưởng kinh tế bền vững và thúc đẩy trao đổi thương mại song phương đều là những chủ đề nội dung chính trên chương trình nghị sự của chuyến thăm Australia của ông Kishida. Nhưng thoả thuận hợp tác trên lĩnh vực an ninh mới là kết quả được ông Kishida coi là quan trọng nhất của hoạt động ngoại giao này.

Năm 2007, chính phủ Nhật Bản và chính phủ Australia đã ký kết thoả thuận hợp tác song phương về an ninh. Khi ấy, mục đích chính của thoả thuận hợp tác an ninh này là chống khủng bố và giúp Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Iraq.

 Thoả thuận hợp tác mới về an ninh được ông Kishida và ông Albanese ký kết ở Perth khác xa và vượt xa thoả thuận năm 2007 về mọi phương diện. 

Nó thực chất là thoả thuận hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh giữa hai nước, bao gồm cả trao đổi thông tin tình báo và tập trận quân sự chung, mở đường cho bên này tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực địa lý xung quanh bên kia, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động ứng phó với đe doạ và thách thức an ninh chung đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Nhật Bản và Australia cùng với Mỹ và Ấn Độ tạo thành nhóm được gọi là Bộ Tứ ở khu vực rộng lớn này với kỳ vọng và tham vọng trở thành và được mọi đối tác khác ở trong cũng như ngoài khu vực công nhận là bốn trụ cột chủ chốt cho mọi trật tự hay cấu trúc hợp tác chung đang được họ gây dựng cho cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Thúc đẩy quan hệ song phương và đặc biệt thoả thuận hợp tác mới về an ninh giữa Nhật Bản và Australia vì thế được ông Kishida và ông Albanese cũng như những người tiền nhiệm của họ luôn đặt vào mối liên hệ với vai trò của Nhật Bản và Australia trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ này. 

Nhờ đấy mà có thể thấy được rất rõ đối tượng đối phó chính mà hai bên nhằm đến trước hết là Trung Quốc, cho dù mục đích này không được điểm danh cụ thể như thế. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của cả Nhật Bản lẫn Australia nên thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương sẽ giúp Nhật Bản và Australia giảm thiểu đáng kể những rủi ro gốc rễ từ sự lệ thuộc của họ vào hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại của từng bên với Trung Quốc, đặc biệt về khí đốt và đất hiếm.

Trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh luôn là một trong những biểu hiện rõ nét nhất và xác thực nhất về mức độ tin cậy lẫn nhau cao và chất lượng đặc biệt của quan hệ hợp tác song phương. 

Nhật Bản và Australia có lợi ích chiến lược lâu dài chung là gây dựng và tăng cường vai trò chính trị nói chung và chính trị an ninh nói riêng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bổ sung và hậu thuẫn cho vai trò và ảnh hưởng mà họ có thể gây dựng được trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ. Đồng thời hợp tác với Nhật Bản về quân sự, quốc phòng và an ninh giúp Australia tăng thế và lực trong đối phó Trung Quốc ở vùng Nam Thái Bình Dương trong khi hợp tác với Australia trên những lĩnh vực ấy có lợi tương tự cho Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á.

 Cả hai còn đều là đồng minh chiến lược của Mỹ và đều cùng Mỹ trong đối phó và đối địch Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Thể chế hoá quan hệ hợp tác về an ninh bằng thoả thuận mới như thế, Nhật Bản và Australia cho thấy đã trở nên thật sự cùng hội cùng thuyền với nhau và vì cùng hội nên chung cùng thuyền. 

Cặp quan hệ song phương này đang dần trở thành tác nhân mới với khả năng tác động trực tiếp ngày càng thêm mạnh tới chiều hướng và mức độ diễn biến tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên nhiều phương diện, buộc Trung Quốc và cả Nga phải quan tâm đối phó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem