Nhật Bản có tàu sân bay "đội lốt" tàu khu trục chở trực thăng

Minh Anh Thứ tư, ngày 13/04/2016 07:35 AM (GMT+7)
Nhật Bản đã tiến hành rầm rộ các biện pháp củng cố sức mạnh và mua nhiều thiết bị quân sự, điều làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu chính phủ nước này có đang tuân thủ đúng hiến pháp về cấm sở hữu các phương tiện tấn công quân sự tầm xa.
Bình luận 0

Nhằm tăng cường khả năng của Lực lượng Phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF), việc mua tàu sân bay là một bước tiến của Nhật Bản. Tuy nhiên, tàu sân bay có thể được coi là một căn cứ hải quân lưu động, chuyên được sử dụng cho hoạt động tấn công nên bị cấm theo hiến pháp Nhật Bản. Trong khi đó, tàu khu trục, do có khả năng hoạt động linh hoạt và tốc độ cao, nên thường được sử dụng cho mục đích phòng thủ và được chấp nhận bởi hiến pháp nước này. Nhằm kết hợp 2 yếu tố trên, Tokyo đã tạo ra chiến hạm được gọi là “tàu khu trục chở trực thăng”, vốn được cho là không có khả năng triển khai các máy bay cánh cố định.

Tàu khu trục chở trực thăng thế hệ mới JS Izumo (DDH-183) mới biên chế vào 25.3.2015, với chi phí xây dựng 1,2 tỉ USD, là chiến hạm lớn nhất được chế tạo bởi Nhật Bản kể từ Thế chiến II. Hình dáng của Izumo gần giống với một tàu sân bay hạng nhẹ. Với chiều dài 248m và lượng giãn nước 24.000 tấn, nó còn lớn hơn cả  các tàu chở máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng của Ý và Tây Ban Nha. Sự xuất hiện của Izumo chắc chắn sẽ tăng cường được tầm hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật bản.

img

Tàu khu trục chở trực thăng JS Izumo (DDH-183)

Theo tạp chí Jane’s Defense, với những hệ thống tác chiến điện tử, kiểm soát hoả lực và radar tân tiến nhất thế giới, Izumo được Nhật Bản thiết kế để tham gia tốt các cuộc chiến tranh trong thế kỉ 21. Izumo có thể mang tới 14 trực thăng MCH-101 hoặc SH-60K dùng cho nhiệm vụ chống tàu ngầm, cũng như tìm kiếm và giải cứu. Trong khi để phỏng thủ tầm gần, Izumo có hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) Phalanx và SeaRam, có khả năng tiêu diệt mọi mối đe doạ áp sát con tàu.

Izumo còn có khả năng hỗ trợ hoạt động đổ bộ khi mang được theo 400 lính thuỷ đánh bộ và 50 phương tiện hạng nhẹ. Tuy nhiên, không giống với các tàu lớp đổ bộ chở trực thăng lớp Wasp của Mỹ, Izumo không có các tàu đổ bộ cỡ nhỏ nên hoàn toàn phải phụ thuộc vào trực thăng để vận chuyển binh sĩ trong các hoạt động đổ bộ vào bờ biển.

Izumo vẫn có khả năng vận hành được những chiến đấu cơ cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh theo kiểu thẳng đứng (STOVL).

Cụ thể, ngoài có kích thước lớn hơn những tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga thế cũ, Izumo còn sắp xếp lại các thiết bị trên boong tàu nhằm tạo ra nhiều khoảng trống hơn.  Các hệ thống CIWS được trang bị trên đầu của tàu lớp Hyuga giờ đã được chuyển sang cạnh sườn ở tàu Izumo, ngoài ra, các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng đã được rút gọn bớt. Điều này có thể tạo điều kiện tốt cho Nhật Bản vận hành những chiến đấu cơ F-35B trên tàu Izumo do đây là phiên bản chỉ yêu cầu cất cánh ở đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Izumo có thể mang từ 10 - 15 chiếc F-35, số máy bay vừa đủ để tác chiến chống lại một trận đánh chớp nhoáng.

Tuy nhiên, nếu thực sự muốn mang theo các máy bay như F-35, Izumo vẫn cần trải qua một vài thay đổi. Một lớp ion chịu nhiệt cần phải được bổ sung trên boong tàu nhằm giúp nó chịu được sức nóng từ động cơ của F-35B khi cất cánh thẳng đứng. Ngoài ra, chiếc tàu có thể lắp thêm cầu bật ở phần đầu để hỗ trợ cho các máy bay khi cất cánh, mặc dù điều này chưa chắc đã là cần thiết do Mỹ đã thử cho F-35B cất cánh thành công từ tàu lớp Wasp, vốn có kích cỡ ngang bằng Izumo.

Nhìn chung, với những khả năng của tàu khu trục chở trực thăng mới, đây thực sự là một bước tiến mới cho Nhật Bản. Những điều kiện hiện nay không đủ để Izumo vận hành các máy bay cánh cố định nhưng rõ ràng, với một vài sự thay đổi, nó sẽ dễ dàng có khả năng ngang bằng các tàu sân bay thực thụ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem