Nhật Bản hồi sinh sau thảm họa động đất, sóng thần

Thứ bảy, ngày 10/03/2012 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một năm sau thảm họa khiến 19.000 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất lên đến 300 tỷ USD, người Nhật nhận ra rằng, cách sống và cách nghĩ của họ đã có thay đổi.
Bình luận 0

Thách thức khổng lồ

Chính phủ Nhật Bản ước tính chỉ riêng thiệt hại vật chất do động đất, sóng thần gây ra đã lên tới 300 tỷ USD. Một số chuyên gia cho rằng có thể mất tới 40 năm mới hoàn toàn kiểm soát được sự cố. Đó là chưa tính đến hậu quả lâu dài do sự cố hạt nhân Fukushima để lại cho con người, môi trường và nền kinh tế.

img
Theo GS Naoyuki Agawa, thảm họa này đã làm cho giới trẻ Nhật Bản thức tỉnh.

Công ty nghiên cứu tín dụng tư nhân Teihoku Databank cho biết, tính đến ngày 7.3 vừa qua, có 645 công ty bị phá sản, đây là chỉ tính những công ty có số nợ ít nhất là từ 10 triệu yen (120.000USD) trở lên. Do ảnh hưởng của sự cố hạt nhân, nhiều lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đang ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ, gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng trong mùa hè vừa qua.

Hiện chỉ có 2 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân còn sản xuất điện. Vào tháng 4.2012, 2 lò còn lại cũng sẽ ngừng nốt. Do vậy, việc cấp bách lúc này là phải thuyết phục chính quyền địa phương chấp nhận cho khởi động trở lại các lò hạt nhân.

Ngoài ra, Nhật Bản còn phải đối phó với nhiều thách thức to lớn là tình trạng dân số già cỗi trong khi tỷ lệ sinh con lại rất thấp, kinh tế tăng trưởng chậm, ít người lao động, nguồn thu ngân sách giảm… Nhật Bản buộc phải cải cách hệ thống an sinh xã hội và chế độ hưu bổng.

Thay đổi cách sống

Theo Giáo sư Naoyuki Agawa thuộc Đại học Keo, thảm họa đã làm cho giới trẻ Nhật Bản thức tỉnh. Ông nói: “Những người trẻ tuổi có cuộc sống trong đầy đủ tiện nghi đã cảm thấy cần phải có tình đoàn kết trong xã hội. Hơn một triệu người, có nghĩa là 1% dân số, đã tham gia vào các hoạt động cứu trợ”.

Cho đến bây giờ, mỗi ngày ông Nakagawa vẫn đau đáu với câu hỏi: “Tôi có ổn không?”, khi ông được đưa đến trung tâm y tế để kiểm tra độ nhiễm phóng xạ theo định kỳ. Ông Nakagawa là một trong số 180 người anh hùng tình nguyện ở lại Nhà máy Hạt nhân Fukushima khi mức phóng xạ tăng cao do trận siêu động đất gây ra. Tuy nhiên, khi thảm họa qua đi, số phận về những con người quả cảm này vẫn là một câu hỏi lớn.

Lớp trẻ Nhật Bản, vốn bị coi là lười học tiếng Anh, không muốn đi du lịch nước ngoài, giờ đây cảm thấy tự tin hơn. Mặt khác, người dân Nhật thể hiện rõ tính kỷ luật: Không có rối loạn, hôi của sau thảm họa, chấp nhận giảm mức tiêu thụ điện trong những tháng sau đó… Các sự kiện này cho thấy sự bình tĩnh, tinh thần đoàn kết, gắn bó xã hội tại Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Một năm sau thảm họa, những đống đổ nát đã được dọn dẹp sạch sẽ; đường giao thông được sửa chữa, phục hồi nguyên dạng, vỉa hè được lát lại ngay ngắn... Công tác phá dỡ các ngôi nhà, cơ sở bị hư hại vì sóng thần vẫn đang tiếp diễn, với sự tham gia của khoảng 1.000 lao động, nhằm tạo điều kiện cho việc sửa chữa, xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cơ quan tái thiết cũng đối mặt với nhiều thách thức khác, bao gồm xây dựng lại các khu dân cư ở nơi cao hơn, tạo công ăn việc làm cho những người bị mất việc, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho các nạn nhân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem