Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Qua một người bạn thời Đại học, tôi được biết hoàn cảnh của cháu Nguyễn Đăng Quang - học sinh lớp 8A9, Trường THCS Thanh Xuân Trung mà cô Phạm Thanh Minh làm chủ nhiệm.
Rất nhiệt tình, cô Minh kết nối cho tôi được tới nhà gặp gỡ mẹ con cháu Quang. Bước vào ngôi nhà ngăn nắp, gọn gàng với dàn hoa giấy đầy thi vị ở ban công, ít ai có thể tin hai mẹ con đã phải cùng nhau trải qua một hành trình 3 năm mà không khác gì 30 năm, thậm chí hơn thế nữa để chiến đấu với bệnh K máu.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, mẹ cháu Quang không nói ra nhưng tôi hiểu, góc ngồi nhỏ nhắn có hai chiếc ghế đặt rất gần nhau đó là nơi để chị Lan và con ngắm nhìn bầu trời, khung cảnh vào những ngày đẹp nhất, giúp cả hai mẹ con có thêm động lực chiến đấu trên chặng đường còn dài phía trước!
Khi tôi tới nhà, Quang còn đang say mê học Toán. Xung quanh bàn học của Quang là những bức tranh cháu vẽ, nhưng bức thư viết tay bày tỏ sự khâm phục của các bạn cùng lớp, động viên "chiến binh lớp 8A9" tiếp tục mạnh mẽ hơn để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, toán học và ước mơ trở thành một luật sư giống như cha mẹ mình, đứng về lẽ phải, sự thật, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội.
Ngay từ mở đầu câu chuyện, nhớ lại quãng thời gian 3 năm trước khi cháu Quang bị phát hiện K máu sau một cơn sốt, chị Lan đã rơi nước mắt, nghẹn ngào:
"Giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn để mẹ con tôi vượt qua. Đó là 10/10/2021, cháu Quang bị phát hiện K máu, khi đó đã ở giai đoạn cuối 3 đầu 4.
Những ngày đầu vào viện Nhi, tôi cố gắng lạc quan, giấu cháu và chỉ nói con bị sốt virus, sau 1-2 tuần điều trị sẽ được về nhà.
Nhưng không may mắn, tình trạng cháu chuyển biến xấu, phải phẫu thuật và chân không đi được, teo cơ, đầu to, chân nhỏ, bụng chướng. Cộng với đó, ngay tuần đầu tiên truyền hoá chất, con mặc cảm vì tóc bị rụng hết".
Chị Lan bảo vẫn nhớ mãi khi thanh toán đợt đầu tiên 1 tháng 20 ngày ở viện hết 1,2 tỷ đồng, tiền viện hoá đơn 600 triệu, số còn lại là tiền thuốc bên ngoài.
"Tôi cảm thấy bất lực! Số tiền mất đi rất nhiều nhưng con lại không hợp tác. Con nói rằng: "Mẹ nói dối con! Mẹ đưa con vào đây là mẹ giết con!".
Con đã có lúc bị trầm cảm. Khi các bạn học online do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi khuyên con vào học cùng các bạn một tiết nào đó cho vui nhưng con mặc cảm đầu trọc, không vào học.
Tôi động viên con nhiều nhưng con không tin vào những gì tôi nói nữa. Mẹ con gần như không nói chuyện được với nhau dù tôi là người thân thiết nhất với con.
Ngày nào tôi cũng bị con đuổi ra ngoài hành lang vì nghĩ mẹ nói dối".
Nguyễn Đăng Quang học toán giỏi, có sở thích vẽ tranh, chơi piano và ước mơ làm luật sư. Clip: Đức Minh
Chị nghĩ nếu con không hợp tác thì tiền rồi cũng hết, con thì cũng mất.
"Tôi nghĩ thế và quyết định nói chuyện thẳng thắn, trực tiếp với con. Tôi cho con biết là con bị mắc một căn bệnh, mà căn bệnh này sẽ phải theo suốt cuộc đời chứ không phải 1-2 ngày, qua đó xác định tâm lý của con cũng phải chiến đấu!
Tôi nói với con: Con mà không chiến đấu thì mẹ cũng chịu!". Lúc này tôi không thể nịnh con được như trước nữa, tôi nói "bản thân con phải tự thương lấy con. Nếu con không hợp tác thì mẹ không thể cứu con được.
Cùng với đó, có một bác điều dưỡng nhắn nhủ con: "Quang ơi! Nếu như con không hợp tác thì bao nhiêu thuốc cũng không giải quyết được gì. Khi đó không phải là 2-3 tháng mà còn phải mất rất nhiều thời gian nữa con mới được về.
Sau đó, đến cuối tháng thứ 4 trong quá trình điều trị tại viện, con đã bình tĩnh hơn, hợp tác điều trị", chị Lan kể lại khoảnh khắc có ý nghĩa bước ngoặt trên hành trình "chiến binh" của hai mẹ con.
Trong 4 tháng đầu tiên điều trị tại viện Nhi, hai mẹ con hoàn toàn ở trong viện, không về ngày nào. Suốt thời gian đó, khi con không đi được, chị Lan lựa chọn cách cõng con chứ không mua xe lăn như một số người khuyên và muốn tặng con.
"Tôi không nhận vì tôi muốn con cảm nhận mẹ đang làm tất cả những gì tốt nhất cho bạn ấy. Vậy thì con cũng phải cố gắng vì chính mình và vì mẹ.
Tôi nói với cháu, con phải như mẹ đây này. Mẹ phải chăm chút sức khoẻ của mẹ mới có sức chăm con. Con không tự chăm con thì chân con mãi mãi khuyết tật như vậy. Mẹ có thể cõng con 1-2 năm chứ không cõng con cả đời được", chị Lan bộc bạch.
Đến tháng thứ 5, hai mẹ con được ra viện được đi đi về về. Nhưng vì Quang vẫn chưa đi được nên mẹ vẫn phải cõng.
"Thời điểm đó, khoa ngoại trú chuyển ra dãy nhà ngoài cổng, từ tầng 1 lên tầng 4 không có thang máy. Tôi cứ gắng hết sức cõng con từ ngoài vào đến tầng 2 rồi lại nghỉ một nhịp, sau đó cõng tiếp, cứ như vậy...
Để đồng hành cùng con, tôi đã nghỉ việc 3 năm nay và mới đi làm lại được tròn 3 tháng. Về việc học của con, cô giáo chủ nhiệm tạo điều kiện rất nhiều. Trong những năm trước, con chỉ đến lớp khi khoẻ, tính ra một kỳ đến lớp không quá 20 buổi chị Minh nhỉ? (chị Lan quay sang nói chuyện với cô chủ nhiệm Phạm Thanh Minh - PV). Đến năm nay mới tới trường được nhiều hơn. Thời gian chủ yếu là con tự học".
Đáp lại lời của chị Lan, cô Minh kể: "Quang học rất giỏi, rất thông minh, luôn nằm trong tốp 5-10 của lớp với danh hiệu học sinh xuất sắc. Có thời điểm em nằm trong 1 trong 2 bạn học giỏi nhất lớp với nhiều giải thưởng môn Toán - môn học em đam mê và có kết quả tốt nhất".
Quyết tâm của hai mẹ con đã giúp Quang vượt qua giai đoạn "thập tử nhất sinh" và như chị Lan thừa nhận là ba năm trước không thể nghĩ có ngày được như bây giờ:
"Tôi tin vào sự tiến bộ của khoa học, y học và lạc quan đồng hành cùng con. Tôi phải giải thích cho con, giải thích bằng tấm lòng của người mẹ, như cái cây, già rồi cây cũng chết, cây non lại mọc lên và con người cũng tuần hoàn như vậy!
Đáng ra những điều này chưa cần phải chia sẻ với con nhưng tôi đã phải chia sẻ! Tôi có nói có người hôm nay vẫn khoẻ mạnh nhưng cuộc sống vô thường, không may bị tai nạn, người ta cũng sẽ về với cõi vĩnh hằng. Chúng ta cũng vậy, tôi muốn con hiểu dần để từ đó con lạc quan hơn, tự tin tới trường. Được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, con cũng vui vẻ hơn", chị Lan trải lòng.
Hành trình của mẹ con "chiến binh lớp 8A9" còn dài và chị Lan thừa nhận khi Quang không phải truyền hoá chất như hiện tại thì tạm ổn, có thể vượt qua được nhờ thuốc của bảo hiểm.
"Tuy nhiên, nếu như các đợt trước rơi vào trạng thái con không hợp thuốc, không đáp ứng, cần phải thay đổi thuốc thì tôi vô cùng áp lực.
Hiện Quang đang đáp ứng một loại thuốc của Singapore, tiêm 28 triệu đồng/mũi. Tiền chữa bệnh cho Quang rất tốn kém nhưng không còn lựa chọn khác và cũng may mắn con đáp ứng.
Mong là điều kỳ diệu, phép màu sẽ tới với con", chị Lan khép lại câu chuyện với lời nguyện cầu trong tiếng đàn piano của con trai.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Cô giáo Phạm Thanh Minh. Số tài khoản 7584. Ngân hàng MB. Điện thoại: 0901846768
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.
Vui lòng ghi rõ: [SĐT người ủng hộ] Ủng hộ MS 011124
Số tiền bạn đọc ủng hộ sẽ được chuyển khoản đến gia đình cháu Quang từ ngày 1-10 tháng 12 năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.