Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã ban hành lệnh trên sau khi Triều Tiên được cho là ngày càng tăng cường hoạt động đáng ngờ ở một bãi phóng tên lửa chính của nước này. Việc gia tăng hoạt động dấy lên đồn đoán rằng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử vào đầu tuần tới.
"Hoạt động gia tăng ở địa điểm tên lửa của Triều Tiên cho thấy có thể họ sẽ phóng thử trong vài tuần tới", Reuters dẫn lời nguồn tin thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay.
Triều Tiên bắn tên lửa trong một cuộc tập trận.
Ngoài lệnh bắn hạ tên lửa Triều Tiên, theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani cũng đã ra lệnh cho quân đội Nhật ở trong tình trạng báo động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống an ninh phức tạp.
Tàu khu trục Aegis đang hoạt động ở biển Nhật Bản cũng được lệnh sẵn sàng phản ứng với bất kỳ vũ khí nào hướng tới nước này từ Triều Tiên.
Các tàu hiện đại của Tokyo cũng được báo động để theo dõi các mục tiêu phức tạp. Nhật Bản cũng đặt các khẩu đội tên lửa Patriot PAC-3 quanh Tokyo và các địa điểm khác để sẵn sàng ngăn chặn các đầu đạn tiến gần mặt đất.
Hệ thống tên lửa Patriot Nhật triển khai ở Tokyo. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, hiện người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối xác nhận thông tin trên và chỉ tiết lộ rằng “Tokyo đã có kế hoạch”.
“Chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp có thể để đối phó (với vụ phóng tên lửa) bằng việc thu thập thông tin và phối hợp với các nước liên quan”, người phát ngôn tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, 2 quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định, các hoạt động khả nghi đang diễn ra tại bãi phóng tên lửa Sohae của Triều Tiên, nơi Bình Nhưỡng nâng cấp từ năm 2013 cho các vụ phóng tên lửa có tầm xa hơn và lớn hơn.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cũng dẫn một nguồn tin chính phủ cho biết, việc phân tích hình ảnh vệ tinh chỉ ra những thay đổi ở bãi phóng Sohae và theo đó, Bình Nhưỡng có thể thực hiện một vụ phóng tên lửa vào đầu tuần tới.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry về khả năng Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa.
“Chúng ta không thể phủ nhận khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục hành động khiêu khích. Chúng tôi đã trao đổi thông tin và thảo luận về cách thức hợp tác ngay từ bây giờ”, ông Kishida nói.
Dù không có nguy cơ bị tấn công trực tiếp, Nhật Bản lo ngại các mảnh vỡ từ vụ thử tên lửa có thể rơi xuống lãnh thổ nước này.
Triều Tiên bị cấm theo đuổi công nghệ tên lửa đạn đạo cũng như thực hiện các vụ phóng tên lửa, hạt nhân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan ngại nước này phóng tên lửa đạn đạo nổi lên chỉ vài tuần sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch hôm 6.1.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.