Ở miền Tây, cây trâm có nhiều nơi, nhưng nhiều nhất phải kể đến 2 xã: Núi Tô và Cô Tô (huyện Tri Tôn). Cây trâm mọc tự nhiên ở triền núi, bờ ruộng, không tốn công chăm sóc, nhưng vẫn xanh tươi. Khi đến mùa chín rộ đem về khoản thu nhập kha khá cho các hộ đồng bào Khmer.
Cây trâm là một món quà thiên nhiên của núi rừng. Mùa trâm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, trong thời gian này, người dân thu hoạch bán, mỗi ngày có thêm thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng.
Những trái trâm chín mọng màu tím ngắt, no tròn bằng đầu ngón tay út kết thành từng chùm nặng trĩu, vị ngọt lịm, pha lẫn chua chua, chát nhẹ và có mùi thơm dịu.
Mùa này, ở Bảy Núi, người người cùng đi hái trâm đem bán kiếm thêm thu nhập. Cây trâm mọc tự nhiên, nên bà con tự thống nhất nguyên tắc… “vườn ai nấy bán”. Ngoài ra, khách vãng lai cũng có thể thoải mái tự hái trái ăn thỏa thích.
Thưởng thức trái trâm có thể ăn nguyên hoặc trộn muối ớt giã nhỏ.
Giá trâm tính bằng lon (10.000 đồng/lon) hoặc cân (8.000 đồng/100gram) được bày bán khá nhiều dọc đường 2 huyện: Tịnh Biên và Tri Tôn.
Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.